MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt trái của "quốc gia khởi nghiệp" Israel: Chinh phục thế giới, về quê thất nghiệp

29-03-2016 - 19:13 PM | Tài chính quốc tế

Những con người đã bôn ba “chinh chiến” trong các công ty công nghệ toàn cầu chợt nhận ra rằng họ không kiếm được việc ngay chính quê hương mình.

Quốc gia khởi nghiệp không phải là thiên đường của những “người già” giỏi công nghệ. Chính phủ Israel cho phép các lập trình viên giỏi được đến đây làm việc và chính động thái này lại làm ảnh hưởng đến những người đã có tên tuổi trong ngành công nghệ. Các công ty vẫn “kêu gào” rằng không tuyển đủ người, trong khi hàng ngàn người chẳng tìm được việc làm. Điều này nghe qua có vẻ khá giống với Việt Nam.

Có điều khác với Việt Nam, độ tuổi về hưu của người Israel là 62 đối với nữ và 67 đối với nam. Do vậy, người 40,50 tuổi đi tìm việc là chuyện bình thường.

Ông Zvika Raviv, 56 tuổi, từng theo học về toán và kỹ thuật điện, cũng đã có bằng MBA. Ông có kinh nghiệm 15 năm trong ngành phần mềm và định chuyển sang vi điện tử trong 10 năm tới. Khi công ty Lucid, nơi ông làm việc bị đóng cửa, ông phải quay về Israel để tìm việc làm. Sau mấy tháng trời, người đàn ông 50 tuổi vẫn không tìm được viêc.

Khi nhiều kinh nghiệm không đồng nghĩa với có việc làm

Ông Zvika Raviv kiếm việc tại Israel từ năm 2010 nhưng suốt từ đó, ông vẫn ở Đài Loan, Trung Quốc bởi không có việc ở chính quê hương mình. Ông nói được tiếng Do Thái, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha và hiểu tiếng Trung Quốc. Ông làm “chân” phát triển dự án, marketing, quản lý hoạt động đều được, thế nhưng vẫn không có việc.

Nhiều người trẻ chê lương thấp, không chịu làm việc. Trong khi đó. ông Zvika Raviv bị từ chối với lý do “quá thừa kinh nghiệm” trên thế giới nhưng lại “không có kinh nghiệm làm việc tại Israel”. Theo ông, họ chỉ muốn tránh hai chữ “quá già” mà thôi.

Ông Yehuda Yizraeli cũng 56 tuổi, từng tốt nghiệp trường Đại học Công nghệ Technion và có bằng MBA. Ông đã thôi việc ở công ty công nghệ cao. Ông chẳng thèm tìm việc bởi ông muốn chăm sóc gia đình, tận hưởng cuộc sống, Ông đi dạy, mở hội thảo và làm nhà tư vấn. Làm công ăn lương và làm nghề tự do khác hẳn nhau.

Sau 25 năm làm việc, ông có thừa kinh nghiệm của những nhà quản lý. Ông từng làm cho Intel, Zoran, Chip Express, Mysticom, Saifun và giờ quay trở lại Israel. Ông đã biết rằng tuổi 50 mà còn làm trong ngành công nghệ cao là một sự phí phạm. Do đó, ông tư vấn mọi người, làm cách nào để lập kế hoạch ngay từ khi còn trẻ để khi đến tuổi “về già” vẫn có thể có việc làm.

Không có việc, họ sẽ làm gì?

Ông Golan Shalhov, 47 tuổi cũng không muốn quay về làm trong ngành công nghệ cao nữa. Ông làm cho các công ty phần mềm từ năm 1996, sau đó chuyển sang phần cứng. Ông từng làm việc cho Saifun, Intel, Comverse, DSPG và 2 công ty khởi nghiệp. Ba năm trước, ông bị DSPG sa thải. Trong suốt quá trình làm việc, ông vẫn cùng vợ quản lý trường mẫu giáo. Đến giờ, khi chẳng thể tìm nổi việc mới thì tiếp tục quản lý trường mẫu giáo không phải là lựa chọn tồi. Tuy nhiên, ông chia sẻ: “Nếu người ta cho tôi vị trí CEO hay CTO, tôi sẽ nghĩ lại”. Nếu công ty cũ có nhận lại thì ông cũng sẵn sàng.

Bà H. (xin được giấu tên), cũng ở tuổi 50, từng làm trong lĩnh vực công nghệ cao, tỏ ra cẩn trọng khi gửi đơn xin việc, bởi biết chắc rằng cuối cùng người tuyển dụng cũng chẳng thèm đọc đến. Bà đi tìm những nơi có khả năng nhận việc cao nhất nhưng câu trả lời thường khá tích cực theo kiểu “chúng tôi rất cảm kích, nhưng hiện tại không có vị trí thích hợp” (mà nếu có vị trí thích hợp thì họ lại thông báo “không phải thời điểm thích hợp”). Bà bị từ chối vì không có kinh nghiệm trong một ngành cụ thể.

Bà là một kỹ sư điện, có bằng thạc sĩ về kỹ thuật điện tử và bằng cử nhân về kỹ thuật vật liệu. Bà làm công ăn lương trong nhiều năm, sau đó làm nghề tự do trong 14 năm. Bà có khoảng 14 năm kinh nghiệm trong quản lý dự án, Bà làm việc trong công ty thuộc lĩnh vực quốc phòng, nhà máy nước, vi điện tử, cũng từng là người đại diện của một công ty đa quốc gia lớn chuyên về các hệ thống xử lý nước công nghiệp. Dù đã thành lập công ty nhưng bà vẫn muốn tìm việc, nhưng chẳng dễ mà tìm được việc.

Thu Trang

Globes

Trở lên trên