Microsoft đã cứu sống Apple như thế nào?
Năm 1997, chỉ không đầy một năm trước khi bắt đầu hồi sinh ngoạn mục với iMac, công ty do Steve Jobs lãnh đạo đã rơi vào tình thế vô cùng hiểm nghèo: Apple sắp sửa phá sản trong vài tuần lễ.
Người đã ném phao cứu sinh cho Jobs không ai khác ngoài Bill Gates, lãnh đạo của Microsoft lúc bấy giờ.
Tháng 8 năm 1997, vài tháng sau khi Steve Jobs trở về công ty, Apple vẫn đang ở trong tình thế vô cùng hiểm nghèo. Tình cảnh lúc đó của Apple gay gắt tới mức công ty chỉ còn vài tuần lễ để thoát khỏi cảnh phá sản. Lúc này, Apple vẫn chưa có một sản phẩm "đỉnh" nào để hồi phục danh tiếng cho dòng máy Mac. Mọi thứ gần như đã khép chặt trước mặt Steve Jobs, thì bỗng dưng một điều vô cùng kỳ diệu xảy ra: Microsoft, đối thủ lớn nhất của Apple, tuyên bố đầu tư 150 triệu USD vào công ty của Jobs.
Trong sự kiện MacWorld tổ chức vào ngày 6/8/1997 tại Boston, một Steve Jobs đầy mệt mỏi đứng lên tuyên bố về sự kiện hợp tác này ngay dưới một bức ảnh lớn của Bill Gates. Những tiếng la ó vang lên khi nhà lãnh đạo huyền thoại của Apple khẳng định: "Chúng ta phải bỏ đi quan niệm rằng để Apple thắng cuộc thì Microsoft phải thua cuộc. Thời đại chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải cạnh tranh với Microsoft đã hết".
Một lần gặp gỡ của Steve Jobs và Bill Gates trong những năm cuối đời của nhà sáng lập Apple.
Trong vòng 1 năm rưỡi trước khi thương vụ hợp tác trên được công bố, Apple đã để lỗ hơn 1,5 tỷ USD. Apple rất cần Microsoft tiếp tục cung cấp và hỗ trợ phần mềm cho máy Mac, bởi thị phần của Apple trên thị trường PC – vốn vẫn đang bùng nổ vào thời điểm đó – đã giảm xuống còn 5% so với mức 15% vào năm 1992.
Hai bên công bố về thương vụ này là "một thỏa thuận hợp tác bản quyền sâu rộng", theo đó Microsoft sẽ"phát triển và phát hành các phiên bản của bộ ứng dụng làm việc phổ biến Microsoft Office, Internet Explorer và các công cụ Microsoft khác cho nền tảng Mac". Với lời hứa rằng Microsoft Office trên Mac sẽ được hỗ trợ trong vòng 5 năm tiếp theo, Apple cũng đưa ra lời hứa sẽ sử dụng Internet Explorer làm trình duyệt mặc định trên Mac OS.
Nhìn từ phía Microsoft thì khoản đầu tư này có vẻ rất thông minh. Barry Ritholtz, giám đốc đầu tư của Ritholtz Wealth Management và cũng là một cây viết lừng danh của Bloomberg khẳng định: "Nhìn từ các góc độ truyền thống thì đây là một vụ đầu tư mạo hiểm vào một đối thủ đã quá yếu đuối. Nhìn từ góc độ pháp lý, đây là một hành động siêu thông minh – nhưng chỉ là trong chốc lát".
Apple đã khởi xướng ra cuộc cách mạng di động mới, còn Microsoft đến giờ vẫn mệt mỏi theo sau.
Điều đáng nói ở đây là Microsoft đã chỉ thông minh "trong chốc lát". Gần 20 năm sau thương vụ đầu tư nói trên, trị giá thị trường của Microsoft đã giảm xuống chỉ còn 340 tỷ USD, tức là chỉ còn khoảng 2/3 so với mức đỉnh điểm 556 tỷ USD vào năm 2000, khi cuộc cách mạng PC đang bùng nổ chóng mặt trên toàn cầu.
Khi nhận tiền của Microsoft, Apple chỉ đáng giá 3 tỷ USD. Đến nay thì Apple đã trở thành công ty cổ phần đầu tiên vượt ngưỡng 700 tỷ USD trị giá, tức là gấp đôi Microsoft của thời điểm hiện tại.
Vậy tại sao lúc đó Microsoft lại cần đầu tư vào Apple? Với Internet Explorer, gã khổng lồ phần mềm đã kịp "bóp chết" đối thủ Netscape bằng những chiêu trò cạnh tranh mang tính độc quyền. Với 2 sản phẩm Windows và Office ngày càng được tích hợp nhiều tính năng, Microsoft cần phải có một lá chắn bảo vệ trước Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vốn lúc đó đang tìm cách "làm gỏi" công ty của Bill Gates.
Năm 1997, bản tin Bloomberg nhận định về thương vụ này: "Microsoft thực ra vẫn chỉ tự lo cho mình. Nhưng hành động của Bill Gates thì quả là thơm tho như một đóa hoa hồng".
iMac, sản phẩm đã bắt đầu cho cuộc hồi sinh của Táo.
Nhưng đó cũng là sai lầm của Microsoft. Khoản đầu tư 150 triệu USD đến từ Microsoft đã giúp cho Apple có đủ khả năng tài chính để tái hoạch định lại mảng kinh doanh Mac. Đúng một năm sau, chiếc iMac tuyệt đẹp vốn đã được Jony Ive thai nghén từ trước khi Steve Jobs trở về đã chính thức lên kệ. Bắt đầu từ thành công của iMac, Apple tận dụng đà tiến lên để đạt được thành công khổng lồ với iPod.
Đến năm 2007, 10 năm sau khi nhận tiền đầu tư của Microsoft, Apple ra mắt chiếc iPhone và cách mạng hóa toàn bộ ngành công nghệ di động. Đến khi chiếc iPad ra đời vào năm 2010, cuộc khủng hoảng PC càng trở nên gay gắt. Microsoft phải vội vàng bám đuổi với Windows Phone, và ngay cả khi đã mua lại mảng di động của Nokia thì gã khổng lồ phần mềm vẫn chưa đạt được một miếng bánh đáng kể trong thị trường smartphone/tablet màu mỡ.
Mới gần đây, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, cựu CEO của Microsoft, Steve Ballmer đã phải chua xót thừa nhận thương vụ đầu tư này là "điều điên khủng nhất mà Microsoft đã từng làm". Dù vậy nhưng Ballmer cũng vẫn thừa nhận tài năng của Apple: "Họ đã bắt đầu từ nền tảng của sự sáng tạo cùng với một chút tiền đầu tư, và họ đã gây dựng những điều đó thành công ty có trị giá lớn nhất thế giới".
Đại diện Microsoft tham gia sự kiện iPhone/iPad diễn ra vào tháng 9 vừa qua.
Ngày nay, dù vẫn cạnh tranh (đặc biệt là sau khi Microsoft dùng MacBook Pro làm "bia ngắm bắn" trong sự kiện ra mắt Surface Book vừa qua) nhưng mối quan hệ giữa Microsoft và Apple có vẻ cũng không còn gay gắt như những năm trước. Trong một năm vừa qua, công ty của CEO Satya Nadella đã liên tục đẩy mạnh đầu tư vào phần mềm và dịch vụ trên nền iOS, và mới chỉ vào tháng 9 vừa qua, Apple cũng đã mời đại diện Microsoft lên sân khấu để trình diễn khả năng của iPad Pro.
Ấy vậy nhưng, nếu vào năm 1997 Microsoft không đầu tư 150 triệu USD vào Apple, công ty của Steve Jobs có lẽ đã trở thành dĩ vãng. Bạn có lẽ sẽ đang sử dụng một chiếc "Zunefone", Nokia có thể chưa vào tay Microsoft, và Steve Jobs có lẽ đã không được ghi nhớ là một nhà lãnh đạo công nghệ vĩ đại như bây giờ.
VnReview