Mỹ đổ bao nhiêu tiền vào Ai Cập?
Cuộc đảo chính ở Ai Cập sẽ ảnh hưởng như thế nào đến viện trợ của Mỹ dành cho Ai Cập?
- 10-07-2013Ai Cập hứng "mưa" viện trợ 8 tỉ USD
- 08-07-2013Kinh tế Ai Cập điêu đứng vì bạo loạn
- 07-07-2013Ai Cập và câu hỏi 1,5 tỷ USD của ông Obama
- 06-07-2013Kinh tế Ai Cập chỉ còn tồn tại trong 6 tháng
- 05-07-2013Nhà đầu tư nước ngoài xa lánh Ai Cập
Cuộc đảo chính quân sự mới xảy ra ở Ai Cập khiến một cuộc tranh cãi nổ ra ở Mỹ. Thượng nghị sĩ John McCain cùng với thành viên của đảng Dân chủ Carl Levin hối thúc chính phủ Mỹ cắt viện trợ, trong khi Nhà Trắng cho rằng không nên vội vã làm như vậy.
Hãy cùng nhìn lại hoạt động viện trợ của nước Mỹ dành cho Ai Cập bằng việc đi tìm câu trả lời cho một số câu hỏi: Mỹ rót bao nhiêu tiền cho Ai Cập? Hai năm kể từ phong trào mùa xuân Arab, điều gì đã thay đổi? Ai là người được hưởng lợi từ số tiền viện trợ này?
Mỹ cho Ai Cập bao nhiêu tiền?
Ai Cập đứng thứ 4 trong số các nước nhận viện trợ của Mỹ, xếp sau Israel, Afghanistan, Pakistan và Iraq.
Con số chính xác về số tiền viện trợ thay đổi theo từng năm và cũng có nhiều kênh viện trợ. Tuy nhiên, kể từ năm 1979 (khi Ai Cập ký hiệp định hòa bình với Israel) đến nay, trung bình mỗi năm Ai Cập nhận được khoảng 2 tỷ USD.
Viện trợ quân sự là bao nhiêu và được dùng để mua những gì?
Được đổ vào Ai Cập qua kênh Tài trợ quân sự nước ngoài, viện trợ quân sự được giữ ở mức ổn định 1,3 tỷ USD kể từ năm 1987. Ngược lại, viện trợ kinh tế đã giảm hơn 2/3 kể từ năm 1998.
Các quan chức Mỹ luôn lập luận rằng viện trợ quân sự thúc đẩy mối quan hệ giữa quân đội Mỹ và Ai Cập và điều này sẽ đem lại cho Mỹ lợi ích về mọi mặt. Ví dụ, các tàu chiến của Mỹ được ưu đãi khi đi qua kênh đào Suez.
Theo tài liệu từ WikiLeaks, Tổng thống Mubarak và các tướng lĩnh lãnh đạo quân đội Ai Cập nhìn nhận chương trình viện trợ quân sự là một nhân tố quan trọng trong quan hệ quân sự giữa hai nước.
Khoản viện trợ 1,3 tỷ USD là khoản bù đắp cho việc tạo nên và gìn giữ hòa bình với Israel. Và, khoản tiền này đã đem lại những lợi ích rõ ràng có thể nhìn thấy được: Ai Cập duy trì hòa bình với Israel, và quân đội Mỹ có được đặc quyền ở kênh đào Suez cũng như không phận của Ai Cập.
Viện trợ quân sự cũng giúp Ai Cập mua hàng hóa và dịch vụ quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, một báo cáo đã chỉ trích Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ không tính toán được cụ thể Mỹ đạt được bao nhiêu phần trong mục tiêu này.
Viện trợ có buộc Ai Cập phải đáp ứng điều kiện đặc biệt về nhân quyền?
Điều này không thực sự đúng.
Khi một nhà hoạt động nhân quyền lưu vong người Ai Cập kêu gọi Mỹ gắn thêm các điều kiện vào viện trợ cho Hy Lạp hồi năm 2008, Francis J. Ricciardone Jr. – người mới đây vừa rời khỏi vị trí đại sự Mỹ tại Ai Câp – cho biết ý tưởng này là đáng ngưỡng mộ nhưng không phù hợp với thực tế. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cũng cho rằng viện trợ quân sự không nên đi kèm với điều kiện khi phát biểu trong một cuộc họp báo năm 2009.
Dự thảo chi tiêu ngân sách năm 2011 của Mỹ có bổ sung rằng Ai Cập phải ủng hộ nhân quyền và làm một người hàng xóm tốt. Ai Cập phải tuân thủ hiệp ước hòa bình 1979 với Israel, ủng hộ “quá trình chuyển giao sang chính quyền dân sự với việc tổ chức các cuộc bầu cử công bằng và tự do”. Các điều khoản nghe có vẻ khắc nghiệt nhưng trên thực tế không phải là như vậy.
Mỹ đã cắt viện trợ dành cho Ai Cập?
Không. Quốc hội Mỹ đe dọa cắt viện trợ khi Ai Cập bắt đầu đàn áp các nhóm ủng hộ nhân quyền vào năm ngoái. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hillary Clinton không còn cách nào khác phải khẳng định các điều kiện cứu trợ vẫn được đáp ứng.
Theo tờ New York Times, lý do là cắt viện trợ có nguy cơ dẫn đến việc đổ vỡ hợp đồng đã ký với các nhà sản xuất vũ khí Mỹ và hơn nữa điều đó xảy ra ngay giữa chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Obama. Cắt viện trợ cũng khiến Lầu Năm Góc thiệt hại 2 tỷ USD.
Viện trợ gồm những gì?
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, viện trợ bao gồm máy bay chiến đấu, xe tăng, xe bọc thép, trực thăng, tên lửa và máy bay giám sát. Trong quá khứ, chính phủ Ai Cập cũng mua chịu một số vũ khí.
Cuộc đảo chính có dẫn đến thay đổi?
Đạo luật Viện trợ nước ngoài qui định Mỹ có thể cắt viện trợ đối với bất kỳ nước nào có chính phủ bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn né tránh không gọi những gì diễn ra ở Ai Cập vừa qua là một cuộc đảo chính.
Viện trợ kinh tế và nỗ lực thúc đẩy dân chủ ?
Viện trợ kinh tế mà Mỹ giành cho Ai Cập đã giảm từ 815 triệu USD năm 1998 xuống còn 250 triệu USD năm 2011.
Viện trợ kinh tế đã tạo nên những kết quả trái chiều. Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả chương trình nhập khẩu hàng hóa (cung cấp cho Ai Cập hàng triệu USD trong thời kỳ 1986 – 2008 để nhập khẩu hàng hóa Mỹ) là “một trong những chương trình lớn nhất và phổ biến nhất của USAID”. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy nỗ lực trị giá 57 triệu USD nhằm tạo ra việc làm nông nghiệp và nâng cao thu nhập ở vùng nông thôn cho thấy chương trình không có kết quả như mong đợi. Và, chương trình viện trợ 151 triệu USD để giúp Ai Cập hiện đại hóa thị trường bất động sản năm 2009 cũng không thành công.
Mỹ cũng tài trợ cho các chương trình thúc đẩy dân chủ ở Ai Cập nhưng không đạt được hiệu quả cao. Trong giai đoạn 1999 – 2009, mỗi năm Mỹ gửi đến Ai Cập 24 triệu USD thông qua nhiều tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, do thiếu sự trợ giúp từ phía chính phủ Ai Cập, chương trình gần như không có hiệu quả. Thậm chí, chính phủ Ai Cập còn tạm ngưng hoạt động của nhiều tổ chức phi chính phủ.
Thu Hương