MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ không còn là "miền đất hứa"?

28-04-2014 - 16:03 PM | Tài chính quốc tế

Tầng lớp trung lưu của Mỹ không còn là bộ phận có thu nhập cao nhất trên thế giới. Mặc dù kinh tế Mỹ liên tục tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ một lượng nhỏ hộ gia đình được hưởng lợi trực tiếp.

Những con số gây sốc

Trong khi Mỹ vẫn là nơi có nhiều tỷ phú giàu nhất thế giới, cuộc khảo sát của tờ New York Times cho thấy nếu so về tầng lớp có mức thu nhập thấp hay trung bình, Mỹ đang tỏ ra kém cạnh nhiều nước phát triển khác trong 3 thập kỷ gần đây.

Mặc dù thấp hơn Mỹ trong năm 2000, thu nhập trung bình sau thuế của tầng lớp trung lưu Canada đang có xu hướng vượt qua Mỹ. Người nghèo ở các nước châu Âu thậm chí kiếm được nhiều hơn người nghèo ở Mỹ.

Mặc dù kinh tế Mỹ liên tục tăng trưởng mạnh mẽ (thậm chí nhỉnh hơn so với mặt bằng chung thế giới), chỉ một lượng nhỏ hộ gia đình được hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển đó. Năm 2010, các hộ có thu nhập trung bình ở Canada kéo gần khoảng cách với tầng lớp này ở Mỹ và có nhiều khả năng đã sớm vượt qua. Thu nhập của tầng lớp trung lưu ở các nước châu Âu vẫn còn xếp sau Mỹ, nhưng khoảng cách này – đặc biệt ở Anh, Hà Lan và Thụy Điển – đang dần được thu hẹp.

Thông tin về mức thu nhập được điều tra và thống kê bởi LIS - một nhóm có trụ sở tại Luxembourg. Họ cũng hợp tác với các nhà nghiên cứu đến từ The Upshot – một website của tờ New York Times chuyên về mảng chính sách và chính trị. Sau đó, kết quả này sẽ được phân tích bởi các nhà nghiên cứu kinh tế học chuyên nghiệp.

So với tầng lớp trung lưu, người nghèo ở Mỹ có cuộc sống khó khăn hơn nhiều. Các hộ gia đình này kiếm được số tiền rất ít ỏi so với một hộ gia đình tương tự ở Canada, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan hay Hà Lan. Nếu là hơn 35 năm trước, không ai có thể tin được điều này. LIS thực hiện khảo sát điều tra mức thu nhập sau thuế kiếm được từ tiền lương, lợi tức, cổ phiếu và tất cả các khoản trợ cấp trực tiếp từ chính phủ:

Đây thực sự là những con số gây sốc bởi nếu nhìn vào những số liệu thống kê (điển hình như GDP), Mỹ vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, các số liệu này chỉ tính mức trung bình chứ không phản ánh sự phân chia thu nhập. 

“Ý tưởng cho rằng tầng lớp trung lưu ở Mỹ kiếm được nhiều hơn ở các nước khác đã không còn đúng trong bối cảnh hiện tại”, Lawrence Katz – nhà nghiên cứu kinh tế đến từ Havard nhận định. “Năm 1960, chúng ta giàu có hơn bất cứ ai khác trên thế giới. Năm 1980, chúng ta thậm chí còn giàu hơn. Những năm 1990, chúng ta vẫn giữ được vị thế này. Tuy nhiên, mọi chuyện đã không còn như vậy”.


Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ vào khoảng 18.200 USD (như vậy mức thu nhập trung bình sau thuế của một gia đình bốn người khoảng 75.000 USD), tăng 20% so với năm 1980; nhưng con số này gần như không thay đổi kể từ năm 2000 (sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát). Bằng cách so sánh tương tự, chỉ số này ở Anh tăng 20% từ năm 2000 đến 2010, và 14% ở Hà Lan. Thu nhập trung bình ở Canada từ năm 2000 đến 2010 cũng lên tăng 20% - tương đương 18.700 USD.


Số liệu được thu thập gần đây nhất của LIS chỉ dừng lại ở năm 2010. Tuy nhiên, các cuộc điều tra khác của chính phủ cho rằng mức lương ở Canada không ngừng tăng nhanh hơn mức lương ở Mỹ và hiện giờ rất có thể đã cao hơn. Mức lương ở một số nước châu Âu cũng được cải thiện đáng kể từ năm 2010, có phần nhỉnh hơn Mỹ.


Nguyên nhân 

Các nhà phân tích đã chỉ ra ba nhân tố chủ yếu ảnh hưởng tới mức thu nhập tầng lớp trung lưu Mỹ. Trước hết, trong ba thập kỷ gần đây, trình độ học vấn ở Mỹ tăng trưởng khá chậm chạp so với các nước công nghiệp phát triển trên thế giới. Điều này khiến Mỹ không thể duy trì ưu thế ở thị phần lao động có tay nghề và được trả lương cao.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của OECD, lao động Mỹ ở độ tuổi 55-65 có bằng cấp và trình độ kỹ thuật cao vượt hơn hẳn mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, lực lượng lao động trẻ lại không theo kịp xu hướng toàn cầu. Những lao động ở độ tuổi 16-24 chỉ đứng hạng gần cuối trong danh sách xếp hạng của các nước phát triển, thấp hơn nhiều so với các đối tác của họ như Canada, Australia, Nhật Bản, khu vực Scandinavia và ngang cơ với các nước như Ý, Tây Ban Nha.

Nhân tố thứ hai là các công ty tư bản Mỹ không chịu chia sẻ lợi nhuận đồng đều cho tầng lớp trung lưu như các nước khác. Mức lương tối thiểu thấp hơn và liên đoàn lao động cũng yếu hơn.

Nhân tố cuối cùng liên quan đến việc chính phủ Canada và châu Âu luôn chủ động có những biện pháp phân phối thu nhập hợp lý, nhằm cải thiện tiền lương cho các hộ gia đình trung lưu và những người có thu nhập thấp.

Janet Gornick – giám đốc trung tâm LIS cho rằng sự bất bình đẳng trong ‘mức thu nhập thị trường’ – khi chưa tính thuế và các khoản trợ cấp chính phủ - “liên tục gia tăng ở Mỹ.” Trong khi những người giàu có được hưởng mức thuế thấp hơn nhiều nơi khác trên thế giới; tầng lớp thu nhập thấp lại không được hưởng quyền lợi và các ưu đãi thu nhập tương đương. Do vậy, chúng ta có thể thấy sự bất bình đẳng trong mức thu nhập bình quân ở Mỹ nghiêm trọng hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Cho dù là do nhân tố nào đi nữa, tình trạng bế tắc trong mức thu nhập đã khiến nhiều người Mỹ bất mãn với chính phủ của họ. Theo một cuộc điều tra, chỉ có 30% dân chúng bày tỏ tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của đất nước.

Gia đình trung lưu ở các quốc gia khác dường như không có điều gì để lo lắng cả. Ở nhiều nước châu Âu tương tự như ở Mỹ, các bậc cha mẹ thường lo lắng làm thế nào để trả tiền đại học cho con em mình. Ở Canada cũng có nhiều người không hài lòng về các chi phí đắt đỏ trong cuộc sống hiện đại như tiền học phí, hóa đơn điện thoại hay Internet hàng tháng. Nạn thất nghiệp dường như là mối quan tâm của mọi quốc gia.

Tuy vậy, các cuộc trưng cầu ý kiến cho thấy phản ứng ở Canada hay các nước Bắc Âu vẫn tích cực hơn ở Mỹ trong thời điểm hiện tại.

“Cuộc khủng hoảng dường như không ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi” Jonas Frojelin, 37 tuổi – một nhân viên chữa cháy Thụy Điển đưa ý kiến khi nhận xét về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007. Vợ anh là một y tá. Họ được hưởng 5 tuần nghỉ phép mỗi năm và các điều kiện chăm sóc sức khỏe toàn diện. Ngoài ra, họ còn được hưởng lợi từ kỳ nghỉ phép 3 năm giữa hai lần sinh con. Con cái họ (một bé 3 tuổi và một bé 6 tuổi) được hưởng trợ cấp từ trung tâm chăm sóc trẻ em – chi phí chỉ vào khoảng 3% thu nhập của Frojelin.

Thảo Phương

huongnt

New York Times

Trở lên trên