Mỹ vá lỗ hổng thuế trong các vụ M&A
Các công ty nước ngoài sáp nhập sẽ được coi là cổ đông trong công ty mẹ ở Mỹ, khiến cho các công ty này có nghĩa vụ pháp lý phải đóng thuế đối với cả những khoản thu nhập nước ngoài.
- 13-05-2014Đóng 8 triệu euro, Apple bị nghi ngờ trốn thuế ở Italy
- 27-02-2014Nhiều đại gia Mỹ “trốn thuế”
- 05-11-2013Sáng tạo trong chống trốn thuế
- 22-04-2013Cam go cuộc chiến chống trốn thuế
Lên án việc trốn thuế của các tập đoàn lớn là hành động đe dọa tới ngân sách quốc gia, ngày 22/9, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo một số quy định mới nhằm "vá lại" lỗ hổng pháp lý cho phép các công ty trong nước chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài dưới hình thức sáp nhập để trốn thuế.
Số tiền thất thu thuế của chính quyền liên bang Mỹ ước tính lên tới hàng tỷ USD mỗi năm.
Các quy định mới có hiệu lực ngay lập tức này sẽ giúp xóa bỏ các lợi thế phi pháp về vấn đề đóng thuế kinh doanh nảy sinh từ các kẽ hổng pháp lý liên quan tới vấn đề sáp nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, quyết định mới này cũng sẽ khiến cho việc sáp nhập trong tương lai khó thực hiện hơn.
Bộ Tài chính Mỹ khẳng định trên nguyên tắc, các thương vụ sáp nhập xuyên biên giới sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Mỹ bằng cách cho phép các công ty trong nước đầu tư ra nước ngoài, đồng thời khuyến khích dòng tiền ngoại quốc chảy vào Mỹ. Tuy nhiên, làn sóng sáp nhập gần đây thường không xuất phát từ chiến lược kinh doanh chính đáng và hiệu quả kinh tế mà phần lớn nhằm trốn thuế nội địa.
(Xem thêm: Chiêu bài trốn thuế của Burger King)
Thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập với công ty nước ngoài, các công ty Mỹ có thể chuyển địa chỉ nộp thuế sang các tập đoàn nước ngoài và do đó không chịu ràng buộc về thuế trên lãnh thổ Mỹ. Trong khi đó, các công ty nước ngoài vẫn có quyền kiểm soát và sử dụng các khoản thu nhập kinh doanh.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew khẳng định điều luật mới sẽ xóa bỏ lợi thế phi pháp này. Các công ty nước ngoài sáp nhập sẽ được coi là cổ đông trong công ty mẹ ở Mỹ, khiến cho các công ty này có nghĩa vụ pháp lý phải đóng thuế đối với cả những khoản thu nhập nước ngoài.
Bộ trưởng Lew cho biết quyết định trên của bộ được đưa ra sau khi Quốc hội không thể đưa ra một phương án thỏa đáng đối phó triệt để với nạn trốn thuế của các doanh nghiệp Mỹ.
Số liệu trên tờ Wall Street Journal cho biết tính riêng từ đầu năm nay, các vụ sáp nhập doanh nghiệp đã có tổng giá trị lên đến hơn 200 tỷ USD. Thực trạng này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ giảm việc làm, "chảy máu" công nghệ và đặc biệt là xói mòn ngân sách quốc gia.
Bên cạnh đó còn có quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc cạnh tranh về thuế giữa các chính phủ khi nhiều nước đua nhau cắt giảm mức thuế để thu hút các công ty nước ngoài tới hoạt động, trong bối cảnh các nền kinh tế hàng đầu đang chật vật cân bằng ngân sách thông qua thúc đẩy nguồn thu nhà nước.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh bước đi mới nhất của Bộ Tài chính trong nỗ lực đảo ngược xu thế đáng quan ngại này. Trước đó, vào đầu năm nay, ông cũng từng lên án hành động sáp nhập để trốn thuế của nhiều công ty Mỹ là "không yêu nước."
Giới chức Mỹ đã nhiều lần cảnh báo về thực trạng việc các công ty và tập đoàn lớn của Mỹ đua nhau đưa trụ sở ra nước ngoài để tránh phải trả thuế cao có thể làm suy yếu hệ thống tài chính nước này. Hình thức lách luật này nếu tiếp diễn có thể gây thất thu thuế nghiêm trọng, đồng thời hủy hoại những nỗ lực chính phủ đã đạt được trong việc giảm thâm hụt ngân sách. Thực tế trên đòi hỏi các nhà lập pháp tại Đồi Capitol sửa đổi đạo luật thuế.
Một trong những biện pháp được Bộ Tài chính đề xuất là quy định các công ty nước ngoài cần sở hữu ít nhất 50% cổ phần của các công ty mẹ ở Mỹ mới có thể được cấp phép là nơi đặt trụ sở chính. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng cần bổ sung các điều luật để có thể thu hồi các khoản trốn thuế của các doanh nghiệp nước này trong thời gian qua. Theo luật hiện hành, chỉ cần các công ty con sở hữu 20% cổ phần của các công ty mẹ, các công ty mẹ tại Mỹ được phép chuyển trụ sở chính ra nước ngoài.