Nâng trần nợ công của Mỹ: Di sản tệ hay tốt của Tổng thống Obama?
Sắp kết thúc nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống Mỹ ký dự luật ngân sách với trần nợ công nâng thêm. Liệu đây có phải là di sản tệ của ông Obama?
- 03-11-2015Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành luật ngân sách hai năm
- 02-11-2015Việc làm tại Mỹ là chìa khóa cho kế hoạch tăng lãi suất của FED
- 29-10-2015Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump: Mỹ đã thất bại trên mọi mặt trận
- 28-10-2015Nhà Trắng sẽ hợp tác với Quốc hội Mỹ về khung thời gian cho TPP
Hôm qua (2/11), Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thành luật một dự luật ngân sách được Quốc hội lưỡng viện thông qua hồi tuần trước. Dự luật này sẽ loại bỏ nguy cơ vỡ nợ từng đe dọa chính phủ Mỹ vài lần kể từ khi ông Obama đắc cử Tổng thống năm 2008 đến nay.
Đây là một chiến thắng chính trị của Tổng thống Obama trong cuộc chiến ngân sách nhưng lại đặt ra câu hỏi về di sản của ông khi rời nhà Trắng với mức trần nợ công của Mỹ lên đến gần 20.000 tỷ USD.
Luật ngân sách trong 2 năm tới quy định trần nợ mới cho đến tháng 3/2017, giúp nước Mỹ không phải đối mặt với những mối đe dọa về việc chính phủ phải đóng cửa vào phút chót. Cụ thể, luật này bổ sung 50 tỷ USD cho tài khóa 2016 và 30 tỷ USD cho tài khóa 2017. Các khoản ngân sách này sẽ được chia đều cho các chương trình chi tiêu quân sự và thúc đẩy tăng trưởng trong nước.
Tổng thống Obama nêu rõ: “Điều chúng ta thấy ở đây là một ngân sách phản ánh những giá trị của chúng ta, đó là tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và đảm bảo an toàn cho nước Mỹ. Nó sẽ củng cố tầng lớp trung lưu bằng cách đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng như giáo dục, dạy nghề, nghiên cứu cơ bản. Nó đảm bảo an ninh bằng cách những gì họ cần để thực hiện các sứ mệnh khắp thế giới. Nó bảo vệ người già khỏi những cắt giảm chi tiêu ảnh hưởng đến an sinh xã hội và y tế. Ngoài ra, luật ngân sách mới cũng đảm bảo việc chi trả một cách có trách nhiệm và cân bằng, ví dụ như những quỹ lớn và những công ty tư nhân sẽ phải trả thuế như tất cả mọi người khác.”
Dự luật đã được ký thành luật song Tổng thống Obama vẫn lưu ý rằng các nghị sỹ sẽ vẫn cần phải thông qua các dự luật chi tiêu. Ông bày tỏ tin tưởng rằng các nghị sỹ của 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa có thể làm điều này đúng thời điểm.
Ông cho biết: “Tôi đánh giá cao công việc của các lãnh đạo Dân chủ và Cộng hòa. Tôi cho rằng đây là một tín hiệu cho thấy Washington làm việc như thế nào và hy vọng từ sự nhất trí này, họ sẽ xây dựng những dự luật chi tiêu đầu tư vào những ưu tiên của nước Mỹ và không bị đánh lạc hướng bởi những vấn đề về tư tưởng không liên quan đến ngân sách quốc gia.”
Số tiền 80 tỷ USD bổ sung cho chính phủ có được là nhờ các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thu từ thuế của chính quyền Tổng thống Obama trong suốt những năm qua. Những nỗ lực này đã giúp thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm tài khóa 2015 giảm còn 439 tỷ USD, thấp nhất kể từ năm 2008, cũng là khi ông Obama đắc cử Tổng thống.
Bộ Tài chính Mỹ tháng trước công bố số liệu cho biết, thâm hụt ngân sách của Chính phủ nước này trong tài khóa 2015 đã giảm xuống còn tương đương 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức thấp nhất kể từ năm 2007 và thấp hơn mức trung bình của 40 năm qua.
Sự giảm xuống trong thâm hụt ngân sách Mỹ năm 2015 đánh dấu sự thay đổi lớn kể từ mức thâm hụt trên 1.000 tỷ USD mỗi năm trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama từ năm 2009 đến năm 2012 - đó là khoảng thời gian mà chính phủ Mỹ phải chi tiêu mạnh tay để đối phó với các tác động của cuộc .
Theo dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, thâm hụt ngân sách của Chính phủ nước này sẽ tiếp tục giảm trong năm 2016, còn 414 tỷ USD.
Tuy nhiên, cơ quan này nói rằng mức nợ ngày càng tăng của Chính phủ là không bền vững trong dài hạn. Theo số liệu từ Đồng hồ nợ quốc gia của Mỹ (US Debt Clock), Chính phủ liên bang nước này hiện đang nợ hơn 18.400 tỷ USD. Nếu cộng 1.500 tỷ USD mà Bộ Tài chính Mỹ có thể đi vay thêm theo luật ngân sách mới thì trần nợ công của Mỹ khi Tổng thống Obama rời Nhà Trắng sẽ gần đạt 20.000 tỷ USD, tức là gấp đôi so với tổng nợ quốc gia 10.600 tỷ năm 2009, khi ông mới lên nắm quyền.
Thời báo Washington bình luận rằng, đây sẽ là điều mà “người đàn ông 20.000 tỷ”, ý chỉ Tổng thống Obama, không muốn nhắc tới trong di sản chính trị của mình.
VOV