MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nasdaq vượt mốc 5.000” có đáng sợ không?

09-03-2015 - 10:20 AM | Tài chính quốc tế

Các nhà đầu tư không nên sợ những gì đã từng xảy ra trong giai đoạn 2000-2002 sẽ lặp lại.

Nội dung nổi bật:

- Cách đây 15 năm, Nasdaq cũng đã chạm mốc 5.000 điểm nhưng nhanh chóng mất gần 80% trong năm tiếp theo

- Hiện nay thị trường đã khỏe mạnh hơn với chỉ số P/E ở mức hợp lý, các công ty có triển vọng tăng trưởng tốt...


Cách đây 15, vào tháng 3 năm 2000, chỉ số Nasdaq Composite lần đầu tiên đạt mốc 5.000 điểm. Mãi đến 15 năm sau, chỉ số này một lần nữa lại vượt qua ngưỡng đó, nhưng lần này những nền tảng mà chúng ta hiện có đã “khỏe mạnh” hơn nhiều và các nhà đầu tư không nên sợ những gì đã từng xảy ra trong giai đoạn 2000-2002 sẽ lặp lại.

Khi chạm ngưỡng 5.000 điểm lần đầu tiên, chỉ số Nasdaq Composite không tồn tại ở vị trí đó lâu. Chỉ 6 tháng trước khi đạt mốc 5.000 vào ngày 9/3/2000, chỉ số này vẫn còn ở dưới mức 3.000 điểm. Sau đó, trong giai đoạn từ tháng 9/1999 đến tháng 3/2000, nó vụt tăng tới 80%. Các bong bóng trong ngành công nghệ, truyền thông và viễn thông sau đó lần lượt... nổ tung. Cuộc suy thoái kinh tế năm 2001 bắt đầu và “thị trường con gấu” (là giai đoạn mà các cổ phiếu liên tục giảm giá) diễn ra ngay sau đó. Nasdaq mất hơn 60% trong suốt cả năm tiếp theo và mất gần 80% so với kỉ lục 5.000 điểm được lập vào tháng 3/2000, xuống chỉ còn 1.114 điểm vào cuối năm 2002.

Nếu dùng chỉ số Nasdaq 100 để tính (chỉ số Nasdaq Composite không thật sự là một chỉ số khả thương), thì chỉ số Nasdaq hiện giao dịch ở mức giá khá hợp lý. Giá hiện gấp 19,8 lần lợi nhuận 12 tháng trước và gấp 18,6 lần lợi nhuận ước tính cho 12 tháng tiếp theo. Cách đây 15 năm, hệ số P/E của chỉ số này lần lượt ở mức 72,9 lần và 61,5 lần. Nói cách khác, Nasdaq giờ đây bằng với mức giá ở thời điểm tháng 3/2000, nhưng tổng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của chỉ số này đã tăng hơn 3 lần suốt khung thời gian đó, từ 65 USD lên 208 USD.

Nếu nhìn qua một số thước đo định giá,  chúng ta sẽ thấy một câu chuyện tương tự. Trung bình, chỉ số Nasdaq hiện đang giao dịch rẻ hơn 70% so với giai đoạn bong bóng cách đây 15 năm. Hệ số beta của Nasdaq – hay độ nhạy cảm với các biến động lớn trên thị trường – đã giảm khoảng 20% từ mức 1,26 hồi tháng 3/2000 xuống 1,02 như hiện nay.

Các công ty của Nasdaq hiện đang sử dụng những chiến lược hấp dẫn hơn nhiều để hồi vốn cho nhà đầu tư. Chỉ số Nasdaq 100 có thể cho tỉ suất cổ tức 1,2%, tương đương với mức của các trái phiếu kỳ hạn 10 năm do chính phủ Tây Ban Nha và Ý phát hành. Nhưng quan trọng hơn, tỷ lệ cổ tức trên cổ phiếu của các công ty thuộc chỉ số Nasdaq đã tăng hơn 1.300% suốt 15 năm qua.

Các cổ phiếu công nghệ hiện chiếm khoảng phân nửa mức vốn hóa thị trường của chỉ số Nasdaq. Ở thời điểm hiện tại, mức định giá cho các cổ phiếu công nghệ của các công ty có mức vốn hóa thị trường lớn khá hấp dẫn xét trong tương quan so sánh với các chỉ số tài chính khác như lợi nhuận tăng trưởng vững chắc, mức chi trả tiền mặt cho cổ đông cũng như các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Top 10 cổ phiếu của chỉ số Nasdaq. Chỉ có 3 cổ phiếu của năm 2000 xuất hiện trong danh sách năm 2015.

Top 10 cổ phiếu của chỉ số Nasdaq. Chỉ có 3 cổ phiếu của năm 2000 xuất hiện trong danh sách năm 2015.

Trong ngắn hạn, nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu về thiết bị công nghệ thông tin sẽ tăng, cộng với tỉ lệ thất nghiệp giảm, để thúc đẩy tăng trưởng.

Về dài hạn, điện toán đám mây và thương mại điện tử là những mảng được mong đợi. Khi khách hàng của các công ty bán lẻ chuyển sang mua sắm và chi trả trực tuyến thì cơ hội mở ra cho các công ty công nghệ là rất lớn. Những tác nhân dài hạn tác động tích cực đến sự tăng trưởng trong lĩnh vực kĩ thuật số, trong đó có việc người tiêu dùng nhanh chóng chấp nhận các thiết bị di động, chẳng bao lâu sẽ biến thị trường bán lẻ hiện nay thành thị trường trực tuyến. Các dữ liệu kĩ thuật số cũng có tiềm năng biến đổi sâu sắc các cấu trúc kinh tế, phá vỡ những mô hình kinh doanh hiện nay, và tạo ra cơ hội phát triển lớn cho những ai đang có vị trí tốt để tham gia vào cuộc chơi.

Do vậy, trong tiến trình phát triển ngày càng lớn mạnh hơn của thị trường cổ phiếu Mỹ, với ngành công nghệ nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung, cột mốc 5.000 mà Nasdaq đạt được cũng chỉ là một con số.

Lê Thanh Hải

CTV Thanh Hải

CNBC

Trở lên trên