MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu Hi Lạp vỡ nợ

22-06-2015 - 10:44 AM | Tài chính quốc tế

Hôm nay 22-6, lãnh đạo các nước châu Âu họp khẩn ở Brussels (Bỉ) để tìm giải pháp ngăn chặn Hi Lạp vỡ nợ và rời khối đồng euro, một diễn biến có thể ảnh hưởng tai hại đến nền kinh tế toàn cầu.

Theo báo Wall Street Journal, mới đây Chính phủ Hi Lạp đã thông báo không thể trả được khoản nợ 1,6 tỉ euro sắp đáo hạn vào ngày 30-6 nếu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) không giải ngân khoản cứu trợ 7,2 tỉ euro.

Chính quyền Thủ tướng Alexis Tsipras vẫn cương quyết khẳng định không chấp nhận các cải cách ngặt nghèo và những biện pháp thắt lưng buộc bụng mà EU và IMF ép Athens phải thực hiện để được cứu trợ.

“Chúng tôi không chấp nhận bị tống tiền” - Bộ trưởng Nội vụ Hi Lạp Nikos Voutsis nhấn mạnh. Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis cho biết đại diện Hi Lạp sẵn sàng nhượng bộ ở Brussels nếu “chúng tôi không bị ép phải nhận những khoản vay mới với điều kiện ngặt nghèo, không tạo cơ hội cho Hi Lạp trả nợ”. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy bế tắc sẽ được tháo gỡ.

“Grexit” = Greece + exit

Do Hi Lạp phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà IMF, EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra trong hai gói cứu trợ trước, sản xuất kinh tế nước này sụt giảm 25%, thu nhập và lương hưu của người lao động bị cắt giảm mạnh, tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt lên đến 25%.

Đảng Syriza của Thủ tướng Tsipras thắng cử với cam kết chấm dứt các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Và giới quan sát nhận định nhiều khả năng ông Tsipras sẽ không chấp nhận cúi đầu.

Trong ngày 30-6, Hi Lạp không chỉ phải trả 1,6 tỉ euro tiền nợ mà còn cả 450 triệu USD tiền lãi. Nguồn tin từ chính quyền Athens xác nhận nước này không thể trả hai khoản tiền này do đến cuối tháng còn phải chi tiền lương cho công chức và tiền lương hưu.

Việc Hi Lạp vỡ nợ có thể khiến nước này phải rời khỏi khối đồng euro. Sự kiện này được giới truyền thông mô tả bằng từ “Grexit” - ghép hai từ Greece (Hi Lạp) và exit (ra khỏi).

Tại Athens, nhiều người dân Hi Lạp cho biết họ không chắc các ngân hàng trong nước sẽ mở cửa tuần tới, hay sang tháng 7 các máy ATM sẽ nhả ra tiền euro hay drachma.

“Có cảm giác những ngày này là ngày cuối cùng của Pompeii (thành phố cổ ở Ý bị núi lửa tàn phá hoàn toàn năm 79)” - báo Telegraph dẫn lời bà Marie-Therese Latrou, một công dân thủ đô Hi Lạp, than thở.

Theo khảo sát của báo Avgi, 62% người Hi Lạp lo ngại tình hình kinh tế sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu nước này rời khối đồng euro.

Ông Andreas Andreadis, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hi Lạp (SETE), mô tả “Grexit” sẽ “kéo Hi Lạp trở lại ngưỡng của một quốc gia đang phát triển”. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Áo Ewald Nowotny cảnh báo một Hi Lạp vỡ nợ sẽ phải đối mặt với “sự hỗn loạn” về kinh tế và chính trị.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cũng dự báo Hi Lạp suy thoái cực kỳ nghiêm trọng về kinh tế nếu rời khối đồng euro. “Tác động đối với các thị trường sẽ rất khủng khiếp. Sẽ không ai muốn trải qua viễn cảnh đó” - Bộ trưởng Lew quả quyết.

Tuần tới, chuyện gì 
xảy ra?

Theo giới chuyên môn, có một số kịch bản có thể xảy ra trong tuần tới.

Thứ nhất, Hi Lạp có thể tuyên bố vỡ nợ mà vẫn không rời khối euro. Khi đó, ECB sẽ phải cân nhắc quyết định có tiếp tục cho các ngân hàng Hi Lạp vay khẩn cấp hay ngừng hỗ trợ Athens. Nếu ECB tiếp tục cho vay, các ngân hàng Hi Lạp vẫn có thể hoạt động thêm một thời gian với đồng euro.

Thứ hai, Hi Lạp cũng có thể bỏ việc sử dụng đồng euro và in đồng drachma. Tình trạng này có thể dẫn tới một cuộc rút tiền hỗn loạn ở các ngân hàng khi người dân Hi Lạp tìm cách chuyển tài sản bằng đồng euro ra nước ngoài trước một vụ đổi tiền trên quy mô toàn quốc. Một cuộc tháo chạy tiền gửi sẽ tàn phá nền kinh tế Hi Lạp.

Để hạn chế thiệt hại khi quay lại với đồng drachma, Hi Lạp có thể áp dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát dòng vốn và hạn chế lượng tiền chảy ra khỏi nước này. Cyprus từng áp dụng các biện pháp tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính của họ hồi năm 2013, bao gồm hạn chế số tiền được rút từ các máy ATM mỗi ngày, hạn chế lượng tiền người dân có thể mang theo người khi ra nước ngoài...

Một số kinh tế gia tiếng tăm như Paul Krugman coi việc trở lại với đồng drachma là một giải pháp có lợi cho Hi Lạp về lâu dài, giúp xuất khẩu tăng trưởng và kinh tế hồi phục. Tuy nhiên, các chủ nợ của Hi Lạp có thể không thể thu hồi nợ.

Thứ ba, Hi Lạp không rút khỏi đồng euro và sử dụng đồng drachma song song với đồng euro. Loại tiền mới sẽ được chính phủ sử dụng để trả lương cho nhân viên nhà nước và giao dịch trong nước, còn tiền euro sẽ được dùng riêng cho việc trả nợ nước ngoài.

Vấn đề của phương án này là Chính phủ Hi Lạp phải thuyết phục được người dân về giá trị bảo đảm của đồng tiền mới. Cuối cùng, Hi Lạp có thể không chỉ rời khối đồng euro mà cả EU. Chủ tịch Nghị viện EU Martin Schulz đã cảnh báo nguy cơ này.

Nguy cơ toàn cầu

Giới chuyên gia cho biết “Grexit” sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Các ngân hàng Pháp và Đức đã cho vay rất nhiều tại Hi Lạp sẽ bị đe dọa. Các nền kinh tế yếu trong khối đồng euro có thể hoảng loạn và những cuộc rút tiền ồ ạt sẽ xảy ra ở Bồ Đào Nha, Ireland và Ý.

Các doanh nghiệp cũng sẽ muốn rút vốn khỏi những nước này để tìm nơi đầu tư an toàn hơn. Khủng hoảng kinh tế sẽ lan rộng.

 

Theo Hải Minh

Tuổi Trẻ

Trở lên trên