Nga đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Triều Tiên
Triều Tiên sẽ nới lỏng thủ tục thị thực và cho phép các công ty Nga đầu tư vào các đặc khu kinh tế của mình.
Nga và CHDCND Triều Tiên vừa nhất trí hướng tới việc chi trả bằng đồng rúp cho các giao dịch thương mại giữa hai bên và áp dụng thêm nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy thương mại song phương.
Đó là kết quả từ chuyến thăm của một phái đoàn Nga tới Triều Tiên trong năm ngày, kết thúc vào ngày 28.3.
Hãng tin RIA-Novosti dẫn thông cáo từ Bộ Phát triển Viễn Đông của Nga nói rõ trong các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, Triều Tiên sẽ nới lỏng thủ tục thị thực và cho phép các công ty Nga đầu tư vào các đặc khu kinh tế của mình.
Hai bên cũng đã xác định nhiều lĩnh vực cần tăng cường hợp tác, trong đó có hợp tác kỹ thuật và hiện đại hóa ngành khai thác mỏ, công nghiệp ô tô và nhà máy điện của Triều Tiên.
Trong chuyến thăm trên, phía Nga còn đề nghị cho phép các doanh nghiệp của họ được đầu tư vào khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong.
Ngoài ra, phía Nga tái khẳng định lợi ích của hai nước khi tham gia vào những dự án chung với Hàn Quốc.
Theo hãng tin Yonhap, các cuộc thảo luận về dự án kết nối Đường sắt xuyên Siberia (TSR) với đường đường sắt liên Triều (TKR) đã diễn ra hơn một thập niên nhưng chưa có tiến triển do bị vấn đề địa chính trị cản trở. Hàn Quốc và Nga cũng đang bàn về dự án xây dựng đường dẫn khí đốt giữa hai nước đi qua Triều Tiên.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức Nga đang muốn tìm thị trường mới cho các doanh nghiệp nước này theo sau vụ phương Tây đưa ra biện pháp trừng phạt nhằm phản đối việc Moscow sáp nhập Crimea.
Trước đó, trong cuộc họp báo tại Tokyo hôm 19.3, một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký Hiệp ước sáp nhập Crimea, ông Igor Sechin-chủ tịch tập đoàn năng lượng lớn nhất nước này Rosneft- cảnh báo với các chính phủ phương Tây rằng thêm các biện pháp trừng phạt về việc Nga sáp nhập Crimea sẽ phản tác dụng.
Thông điệp này từ người đứng đầu Rosneft đã rất rõ: Nếu châu Ấu và Mỹ cô lập Nga, Moscow sẽ hướng Đông để tìm kiếm những thỏa thuận năng lượng, kinh doanh, hợp đồng quân sự và thậm chí liên minh chính trị mới, theo Reuters.
Theo Văn Khoa