Nga mệt vì Rúp xuống, khổ vì Rúp… lên
Năm ngoái, Rúp mất giá mạnh nhất thế giới, nhưng từ đầu năm tới nay, đây lại là đồng tiền tăng giá mạnh nhất...
- 07-04-2015“Đồng Rúp mất giá ảnh hưởng đến ngành du lịch Việt Nam”
- 07-04-2015Đồng ruble Nga cao nhất kể từ đầu năm đến nay
- 27-12-2014Người dân Nga lao đao vì đồng rúp
Theo hãng tin Bloomberg, Nga đang đối mặt với một vấn đề mà ít ai có thể lường tới: đồng Rúp đang trở nên quá mạnh.
Năm ngoái, đồng Rúp là đồng tiền mất giá mạnh nhất thế giới. Nhưng từ đầu năm tới nay, đây đã trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất, một phần nhờ lệnh ngừng bắn được duy trì ở miền Đông Ukraine. Ngoài ra, sức hấp dẫn của các tài sản có độ rủi ro cao thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào trái phiếu phát hành bằng Rúp.
Đồng Rúp tăng giá giúp đẩy lợi suất trái phiếu Nga xuống thấp, nhưng lại khiến lĩnh vực xuất khẩu của Nga điêu đứng.
Nếu tính bằng đồng USD, giá dầu thô hiện không có nhiều thay đổi so với mức chốt của năm ngoái, nhưng khi quy đổi sang đồng Rúp, giá dầu đã sụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Dầu thô là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga.
Trong năm 2014, đồng Rúp lao dốc giúp Nga giữ thâm hụt ngân sách dưới ngưỡng 1% GDP. Nay, khi đồng Rúp bật tăng, Chính phủ Nga đang đối mặt với hiệu ứng ngược lại: thâm hụt ngân sách chịu áp lực tăng.
“Tỷ giá đồng Rúp hiện nay gây khó khăn cho ngân sách Nga, xét tới việc giá dầu tính bằng đồng Rúp xuống thấp”, ông Vladimir Bragin, Giám đốc nghiên cứu công ty Alfa Capital ở Moscow, nhận xét.
Để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, Nga cần hạn chế thâm hụt ngân sách, mà đồng Rúp yếu là một cách dễ dàng để đạt được điều này.
Trong tháng 4 này, đồng Rúp đã tăng giá 12%. Diễn biến này giúp Ngân hàng Trung ương Nga có thêm dư địa để cắt giảm thêm lãi suất nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, sau khi tăng mạnh lãi suất lên mức 17% vào tháng 12 năm ngoái nhằm cứu tỷ giá. Từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Trung ương Nga đã hạ lãi suất tổng cộng 3 điểm phần trăm.
Một số chuyên gia cho rằng Ngân hàng Trung ương Nga có thể sẽ mua vào ngoại tệ để hạn chế đà tăng giá của đồng ngoại tệ. Tuy vậy, nhà kinh tế học Liza Ermolenko thuộc công ty Capital Economics có trụ sở ở London không đồng tình với quan điểm này.
Theo bà Ermolenko, việc can thiệp vào thị trường ngoại hối sẽ đi ngược lại quyết định của Ngân hàng Trung ương Nga thả nổi tỷ giá đồng nội tệ vào năm ngoái, gây ra “những vấn đề lớn hơn nhiều trong tương lai”.
Hồi tháng 3, các nhà phân tích được Bloomberg khảo sát ý kiến đã nâng dự báo thâm hụt ngân sách của Nga lên 2,6%, từ mức dự báo 2,5% đưa ra hồi tháng 2. Theo một số ước tính, mỗi Rúp tăng thêm trong tỷ giá giữa đồng Rúp với đồng USD sẽ khiến thu ngân sách của Chính phủ Nga giảm tới 80 tỷ Rúp.
Hiện tỷ giá đồng Rúp đang ở mức khoảng hơn 52 Rúp đổi 1 USD. Từ đầu năm đến nay, đồng tiền này tăng giá 16%, sau khi giảm 46% trong năm 2014. Giá dầu thô Brent tại thị trường London hiện ở mức hơn 57 USD/thùng.
Theo nhận định của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, giá dầu ở mức 56 USD/thùng tỏ ra phù hợp với mức tỷ giá 60 Rúp đổi 1 USD.
Như vậy, có thể thấy đồng Rúp hiện đã tăng giá “hơi quá”, đặt ra nguy cơ đối với nền kinh tế Nga.
“Đồng Rúp mạnh lại làm xói mòn những lợi ích kinh tế của sự giảm giá trước đó. Và điều này khiến việc kiểm soát ngân sách càng thêm phức tạp”, chuyên gia Bragin của công ty Alfa nhận xét.
Theo Diệp Vũ