Ngân hàng trong bóng tối: Lớn lên nhờ khủng hoảng
Khi các ngân hàng phải thu hẹp hoạt động vì khủng hoảng tài chính, các ngân hàng trong bóng tối đang vươn lên chiếm lĩnh thị phần. Với xu hướng này, thị trường tài chính an toàn hơn hay rủi ro hơn?
- 22-05-2014Ngân hàng Trung Quốc: "Cuộc chiến trong bóng tối" (P1)
- 09-05-2014Vì sao "ngân hàng trong bóng tối" bùng nổ?
- 09-01-2014Hiểu thêm về "ngân hàng trong bóng tối"
- 09-07-2013Tôi đã trở thành nhân viên “ngân hàng trong bóng tối” như thế nào?
Khó có thể tìm thấy công ty nào giàu truyền thống hơn công ty nước giải khát Hall & Woodhouse. Ra đời năm 1777 ở Dorset (Anh), công ty này vẫn nằm ở ngôi làng nơi nó sinh ra và được điều hành bởi những hậu duệ của người sáng lập Charles Hall. Những chai bia được sản xuất từ nguồn nước lấy từ những giếng khoan có từ năm 1900.
Tổ hợp nhà máy xưa cũ được gìn giữ và bảo tồn với một niềm tự hào. Bảo tàng bên trong trưng bày những dụng cụ làm bia cổ xưa cùng với những sự kiện gắn liền với lịch sử của hãng.
Về mặt tài chính, Hall & Woodhouse cũng là một công ty hoàn toàn cổ xưa. Công ty này chưa bao giờ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán hay phát hành trái phiếu. Thay vào đó, bất cứ khi nào cần vốn cho dự án mới, hãng sẽ đến ngân hàng vay tiền. Nhờ thu nhập ổn định, nợ ít và lịch sử tín dụng khỏe mạnh, Hall & Woodhouse dễ dàng có được khoản vay.
Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính khiến mọi thứ thay đổi. Năm 2010, khi Hall & Woodhouse yêu cầu Royal Bank of Scotland (RBS) - ngân hàng thân quen nhất – gia hạn hạn mức tín dụng 50 triệu bảng (tương đương 84 triệu USD), hãng nhận được một sự bất ngờ chua chát. Lãnh đạo của RBS bất cẩn gấp nhiều lần so với lãnh đạo của Hall & Woodhouse, đi vay quá nhiều để phát triển như vũ bão. Cuối cùng ngân hàng này phải nhận gói cứu trợ 45 tỷ USD và bán bớt tài sản cũng như cắt giảm 40.000 nhân viên. Hạn mức tín dụng của Hall & Woodhouse sẽ được gia hạn lại sau 3 năm thay vì 5 năm như trước, kèm theo mức lãi suất tăng mạnh.
Trước tình hình này, ông chủ của Hall & Woodhouse đã tìm một khoản vay tương tự ở một ngân hàng khác gặp ít rắc rối hơn. Tuy nhiên, nguồn vốn không được đảm bảo. Cuối cùng, hãng quyết định đi tìm những nguồn vốn dài hạn ổn định hơn, giảm vay ngân hàng chính thống và chuyển sang “ngân hàng trong bóng tối” (shadow banking) – định chế tài chính có những chức năng giống như ngân hàng nhưng lại không bị quản lý chặt chẽ như ngân hàng. Hãng mà Hall & Woodhouse chọn là M&G – bộ phận quản lý tài sản của công ty bảo hiểm Prudential. Hall & Woodhouse nhận được khoản vay 20 triệu USD trong 10 năm.
Trong suốt khủng hoảng tài chính, các ngân hàng trong bối phải mang tiếng xấu. Tài sản của chúng thường là các khoản nợ được chứng khoán hóa – loại tài sản đầy rủi ro nhưng sẽ có giá trị thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng.
Các ngân hàng trong bóng tối hoạt động với mục đích giúp nguồn vốn lưu thông dễ dàng hơn và qua đó hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, mặt trái của loại hình này là chúng sẽ khiến rủi ro lây lan. Khi bộ phận này gặp rắc rối, các ngân hàng chính thống sẽ phải thực hiện gói cứu trợ với quy mô lớn đến nỗi chính ngân hàng đó sẽ cạn kiệt vốn và phải nhận cứu trợ.
Một nhược điểm khác là các ngân hàng này thường dựa vào nguồn vốn ngắn hạn từ các quỹ thị trường tiền tệ (đây cũng là một dạng khác của ngân hàng trong bóng tối). Nhà đầu tư rót tiền mặt dư thừa vào các quỹ thị trường tiền tệ trong ngắn hạn dưới nhiều cách thức khác nhau.
Khi thị trường tài chính lâm nguy, dòng vốn ồ ạt bị rút ra khỏi các quỹ thị trường tiền tệ càng làm vấn đề tại các ngân hàng và định chế tài chính khác phụ thuộc vào đi vay ngắn hạn trở nên trầm trọng hơn. Thua lỗ nặng, không thể đi vay, các tổ chức này rơi vào tình cảnh không thể trả nợ cho người gửi tiền, trái chủ và các chủ nợ khác. Cuối cùng thì người nộp thuế chịu nhiều thiệt thòi nhất, bởi chính phủ các nước giàu bảo lãnh cho các khoản tiền gửi ngân hàng và họ sẽ dùng tiền thuế giải cứu các ngân hàng lớn với nỗi lo sợ cả hệ thống tài chính sụp đổ.
Chính phủ đã áp dụng nhiều giải pháp để giúp các ngân hàng an toàn hơn. Các tiêu chuẩn kế toán mới làm giảm đáng kể những tài sản ngoại bảng. Ngân hàng cũng phải tăng tỷ lệ vốn dự phòng.
Chỉ có 3 cách để các ngân hàng tăng tỷ lệ an toàn vốn: tăng vốn, cắt giảm chi phí, giảm cho vay và đầu tư. Mấy năm gần đây, các ngân hàng trên thế giới đã thực hiện cả 3 cách này và cách phổ biến nhất là cắt giảm các khoản vay dài hạn dành cho doanh nghiệp, như trường hợp đối với Hall & Woodhouse.
Kết quả là, tín dụng dành cho các doanh nghiệp ở Mỹ vẫn thấp hơn 6% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2008. Ở eurozone, tín dụng sụt giảm 11% so với mức đỉnh năm 2009. Ở Anh, mức sụt giảm là 30%. Tổng cộng bảng cân đối kế toán của các ngân hàng lớn của phương Tây đã giảm hàng nghìn tỷ USD.
Lỗ hổng này được bù đắp bởi các ngân hàng trong bóng tối. Ví dụ, ông chủ của Hall & Woodhouse rất vui mừng khi có thể vay vốn từ một nơi khác ngoài ngân hàng. Mặc dù chi phí cao hơn một chút và các điều khoản cũng cứng nhắc hơn, khoản vay từ M&G giúp ông tiết kiệm thời gian và hoạch định những kế hoạch dài hạn hơn. Các ngân hàng Anh thường không cung cấp các khoản vay có kỳ hạn 10 năm bởi họ gần như không thu được lợi nhuận.
M&G không phải lo về vấn đề này bởi nó không được coi là một ngân hàng và không bị quản lý chặt chẽ. Tiền cho Hall & Woodhouse vay đến trực tiếp từ các nhà đầu tư định chế, trong đó có Prudential và nhiều quỹ hưu trí. M&G chỉ thay mặt họ cho các công ty vay tiền và thu phí.
Xét trên góc độ nào đó, các ngân hàng trong bóng tối giúp hệ thống tài chính an toàn hơn. Nếu nền kinh tế gặp khó khăn, các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn hoặc không thể trả nợ, các nhà đầu tư định chế là bên chịu thua lỗ thay vì người nộp thuế.
Không chỉ có M&G được hưởng lợi từ những thay đổi trong các ngân hàng truyền thống. Mô hình “cho vay trực tiếp” hay “nợ tư nhân” bùng nổ. Năm ngoái, các quỹ đầu tư trên toàn cầu cung cấp các khoản vay này huy dộng được 97 tỷ USD.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu – cho đến nay vẫn là nguồn tài trợ phi ngân hàng lớn nhất – vẫn tiếp tục tăng trưởng. Năm 2007, giá trị của tất cả các trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi các công ty Mỹ không được thanh toán đúng hạn chỉ tương đương 29% GDP. Tuy nhiên, năm 2013, tỷ lệ tăng lên 42%. Ở Hàn Quốc, con số còn tăng từ 23% lên 48% GDP. Trên toàn cầu, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tăng gấp đôi trong giai đoạn 2007 – 2012, lên 1.700 tỷ USD, do các doanh nghiệp ở khắp mọi nơi tận dụng lãi suất siêu thấp.
Quỹ thị trường tiền tệ ở các nước phát triển đã vượt qua khủng hoảng nhưng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác, chúng tăng trưởng rất nhanh. Quỹ thị trường tiền tệ được Alibaba đưa vào hoạt động từ tháng 6 năm ngoái đã thu hút được 500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 84 tỷ USD) trong 9 tháng đầu tiên.
Các website kết nối người tiết kiệm với người đi vay cũng “lớn nhanh như thổi”. Giá trị các khoản vay thực hiện thông qua Lending Club (website lớn nhất trong lĩnh vực này) đã tăng gấp đôi theo từng năm kể từ năm 2007 đến nay và hiện đã vượt qua con số 4 tỷ USD.
Chính Ủy ban ổn định tài chính (FSB) cũng thừa nhận rằng tất cả các hoạt động tín dụng ngầm chiếm tới 1/4 tổng giá trị các tài sản tài chính trên toàn thế giới, bằng một nửa so với hệ thống ngân hàng. Theo FSB, quy mô hoạt động tín dụng ngầm ở 20 nền kinh tế lớn mà cơ quan này theo dõi đã tăng từ 26.000 tỷ USD trong năm 2002 lên 71.000 tỷ USD trong năm 2012.
Thu Hương