Người Hà Lan nổi giận
Trên khắp đất nước Hà Lan, nỗi buồn đang dần trở thành sự giận dữ khi các bên liên tục đổ lỗi cho nhau. Gần 200 công dân Hà Lan vô tội đã thiệt mạng.
- 19-07-2014Những giả thuyết về nguyên nhân vụ máy bay MH17 rơi
- 19-07-2014Yếu tố chính trị bao trùm cuộc điều tra máy bay MH17
- 19-07-2014Liên hợp quốc: Có 80 trẻ em trên máy bay MH17
- 18-07-2014Hiện trường kinh hoàng của vụ máy bay MH17
Rob Von Boltog vẫy tay chào tạm biệt bạn bè và người thân khi họ chuẩn bị lên máy bay đi từ sân bay Schiphol của Amsterdam tới Kuala Lumpur. Chiếc máy bay cất cánh chỉ vài giờ sau khi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines có cùng đường bay bị rơi ở Ukraine.
Tất cả 298 người có mặt trên chuyến bay đã thiệt mạng. Phần lớn trong số này đến từ Hà Lan. Số người Hà Lan lên tới 189, trong đó có một thượng nghị sĩ thiệt mạng cùng vợ và con gái, một giáo sư đang miệt mài nghiên cứu để đem đến những loại thuốc giá rẻ hơn giúp châu Phi chống chọi với bệnh AIDS.
“Thật may mắn là bạn bè của tôi đã không lên chuyến bay trước đó”, người đàn ông 65 tuổi nói. “Họ nên đóng cửa không phận phía trên vùng đất đó”.
Trên khắp đất nước Hà Lan, nỗi buồn đang dần trở thành sự giận dữ. Người ta cố đi tìm câu trả lời cho câu hỏi điều gì ẩn chứa phía sau thảm họa hàng không tồi tệ nhất xảy ra với Hà Lan sau khi hơn 200 người Hà Lan thiệt mạng trong vụ va chạm ở Gran Canaria năm 1977. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố ông sẽ “lật từng hòn đá” để tìm ra thủ phạm.
“Nếu như các chứng cứ cho thấy đây là một cuộc tấn công, những kẻ có tội sẽ phải chịu trách nhiệm. Chúng ta phải làm điều đó cho các nạn nhân và người thân của họ”.
Trong số các nạn nhân có Joep Lange, vị giáo sư nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm tại ĐH Amsterdam đang trên đường tới dự hội thảo ở Melbourne. Ông đã tham gia vào quá trình tạo ra hệ thống bảo hiểm y tế đầu tiên ở châu Phi.
“Ông ấy đã bị sốc khi nhìn thấy người dân các nước giàu có có thể tiếp cận với những loại thuốc điều trị HIV đắt đỏ trong khi người dân châu Phi thì không. Joep Lange coi việc chấm dứt sự bất bình đẳng này là sứ mệnh của ông ấy”, trang web của ĐH Amsterdam viết.
Thượng nghị sĩ đảng Lao động Willem Witteveen cùng vợ và con gái cũng đã thiệt mạng. Là người sáng lập College of Liberal Arts tại ĐH Tilburg, ông vào Thượng viện năm ngoái với vai trò là “người phát ngôn cho công bằng”.
Thảm họa MH17 bao trùm các phương tiện truyền thông ở đất nước có gần 17 triệu người. “298 người thiệt mạng”, tờ báo lớn nhất Hà Lan chạy dòng tít ngắn ngủi trên trang nhất. "Sốc" là dòng chữ trên trang nhất của tờ nhật báo Algemeen Dagblad. Đi kèm với đó là hình ảnh một người phụ nữ và một người đàn ông đeo kính lấy tay che miệng. Trên khuôn mặt họ là nỗi bàng hoàng sửng sốt tột độ.
Không chỉ có người Hà Lan phải gánh chịu nỗi đau. Đội bóng nước Anh Newcastle United thông báo hai cổ động viên trung thành là John Alder and Liam Sweeney đã có mặt trên chuyến bay. Họ đang trên đường tới New Zealand chứng kiến đội bóng yêu thích du đấu. Alder hiếm khi bỏ lỡ bất cứ trận đấu nào của New Castle trong suốt 50 năm qua.
Philomena Tiernan là nữ tu sĩ người Australia đang trên đường tới Malaysia sau khi thực hiện một lễ rửa tội ở Paris. “Ước nguyện cả đời của Phil là đi về nơi cội nguồn. Bà ấy đi từ Paris tới Amsterdam để lên chuyến bay này, và phần còn lại là thảm kịch”, cha Tony Doherty nói.
Liên đoàn bóng đá Hà Lan yêu cầu các câu lạc bộ treo cờ rủ và đeo băng đen trong suốt các trận đấu, đồng thời dành một phút mặc niệm trước các trận đấu.
Thu Hương