Người Hy Lạp đang tự “đào mồ chôn mình”?
Sau khi có tin cho rằng đảng cấp tiến Hy Lạp đã có “chiêu” cho Bộ trưởng bộ tài chính Yanis Varoufakis mang ra đàm phán với các đồng cấp trong khối euro, các cổ phiếu Hy Lạp đã lập tức tăng giá. Nhưng đã có nhiều hoài nghi nổi lên xung quanh chuyện này sau khi các chi tiết được tiết lộ.
- 10-02-2015Nỗi lo Hy Lạp bao trùm chứng khoán toàn cầu
- 06-02-2015Hy Lạp và cơ may trong hành trình đàm phán nợ
- 05-02-2015Tháng 3 tới, Hy Lạp sẽ hết tiền
Nội dung nổi bật:
- Chính phủ Hy Lạp đang bước vào những cuộc đàm phán quan trọng với các chủ nợ.
- Hãng tin ANA-MPA đưa tin đề xuất của Hy Lạp có khá nhiều điểm hợp lý
- Hy Lạp đã không quay lại chính sách tư hữu hóa của họ khi cảng Piraeus do nhà nước sở hữu – một quyết định mà đảng Syriza hứa thay đổi – giờ đây sẽ cứ như thế. Đây sẽ là một sự nhượng bộ lớn đối với phần còn lại của châu Âu
Chính phủ Hy Lạp muốn thỏa thuận giải cứu dành cho đất nước mình phải thay đổi khá nhiều, và dĩ nhiên họ muốn số năm “thắt lưng buộc bụng” mà mình sẽ chịu để cân bằng ngân sách cũng phải khác. Tuy nhiên, theo các quốc gia EU còn lại, thỏa thuận “thắt lưng buộc bụng” đó lại là điều bắt buộc để giúp cho nguồn tài chính công của quốc gia này được lưu thông ổn định.
Căng thẳng đang dâng cao và theo hãng tin MNI, một quan chức cao cấp của EU cho rằng tình hình là “đáng nổi cáu” và “người Hy Lạp đang tự đào mồ chôn mình.”
Hôm 10/2, Bộ trưởng Varoufakis đã nói với quốc hội Hy Lạp rằng nước này không phải đang tìm kiếm một xung đột với các đối tác EU nhưng cũng không phải đang… né tránh điều đó. Ông nói: “Nếu bạn không sẵn lòng xem xét một cuộc xung đột thì bạn không phải đang đàm phán. Chúng ta không phải đang tìm kiếm xung đột. Chúng ta sẽ làm mọi thứ để tránh điều đó. Nhưng bạn không phải là đang đàm phán nếu bạn loại trừ điều đó.”
Bộ trưởng Varoufakis cũng nói thêm rằng chính phủ ông sẽ không chấp nhận bất kì phần nào của gói giải cứu mà đã làm tăng nợ quốc gia, và ông cho rằng 30% của chương trình trợ giúp mà họ đã nhận là… “độc hại”.
Theo Bộ trưởng tài chính Đức, Wolfgang Schaeuble, như thế là “chấm hết” cho Hy Lạp, trừ khi họ chấp nhận thỏa thuận giải cứu hiện tại.
Tuần trước, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã ngưng chấp nhận các trái phiếu của Hy Lạp như là tài sản kí quỹ để đáp trả việc Hy Lạp hủy bỏ chương trình trợ giúp cải cách. Hôm thứ ba, Bostjan Jazbec, thành viên của hội đồng điều hành ECB đã tỏ ý ủng hộ quyết định này: “Thỉnh thoảng chúng tôi bị xem như là người giơ đầu chịu báng một cách không công bằng. ECB không thể giải quyết hết được mọi chuyện.”
Theo hãng tin ANA-MPA, đề xuất của Hy Lạp sẽ được trình bày tại cuộc họp sắp tới của nhóm các nước dùng chung đồng euro.
Và đây là các điểm chính:
• Một thỏa thuận “cầu nối” về vấn đề cung cấp tiền (một khoản vay để giúp Hy Lạp vượt qua quãng thời gian khó khăn trong mùa xuân và mùa hè) cho đến khi đạt được một thỏa thuận lớn hơn trong tháng 9.
• 70% chương trình cải cách cơ cấu hiện tại sẽ được hoàn tất
• 10 cải cách nữa sẽ được thỏa thuận với OECD.
• Hy Lạp sẽ quản lý 1,5% thặng dư ban đầu của chính phủ (nghĩa là nguồn thu từ thuế cao hơn tất cả các chi phí khác, không tính tiền lãi do nợ sinh ra) thay vì 3% như kế hoạch hiện tại.
• Giảm nợ - có lẽ là dưới hình thức trao đổi nợ mà Bộ trưởng Varoufakis đề xuất trước đây.
• Một số biện pháp để xoa dịu khủng hoảng xã hội mà Hy Lạp đang hứng chịu, chẳng hạn như các bữa ăn được trợ cấp dành cho các gia đình thu nhập thấp và chưa có việc làm, tính ra gần 2 tỉ euro.
Nhiều điểm trong số này trông khá hợp lý. Sau bài phát biểu “hằn học” của thủ tướng Alexis Tsipras hôm chủ nhật, xem ra việc (Hy Lạp đồng ý) tiến hành 70% cải cách cơ cấu đúng theo kế hoạch có vẻ như… khá nhiều. Cam kết tiếp tục quản lý thặng dư ban đầu (ngay cả khi ít hơn so với kế hoạch hiện tại) cũng là một thỏa hiệp lớn.
Nghe có vẻ chính phủ Hy Lạp đang làm khá tốt vai trò của mình. Theo Wall Street Journal, Hy Lạp đã không quay lại chính sách tư hữu hóa của họ khi cảng Piraeus do nhà nước sở hữu – một quyết định mà đảng Syriza hứa thay đổi – giờ đây sẽ cứ như thế. Đây sẽ là một sự nhượng bộ lớn đối với phần còn lại của châu Âu.
Các cổ phiếu ở Hy Lạp đã tăng 8% khi các tin tức về chuyện này tràn ngập trên thị trường.
Vẫn phải chờ xem các chính phủ châu Âu sẽ “mở lòng” với các thay đổi này như thế nào. Một số quốc gia, như Phần Lan và Đức, đã cho thấy rất ít ý định thay đổi. Thậm chí, với họ, các vụ hoán đổi nợ có thể là quá nhiều để chịu đựng.
Rõ ràng là, dù bằng cách nào đi nữa thì Bộ trưởng Varoufakis cũng đang cố gắng làm cho chương trình của mình trông có vẻ hợp lý và đáng được xem xét, khiến cho các bộ trưởng tài chính bất đồng ý kiến khác trong khối euro trông giống như những “trùm sò” nhẫn tâm.
Lê Thanh Hải