MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất thế giới 22 năm liên tiếp

28-05-2013 - 16:00 PM | Tài chính quốc tế

Đồng USD tăng giá vào cuối năm 2012 và thổi phồng giá trị các tài sản ở nước ngoài của Nhật Bản.

Bất chấp xuất khẩu sụt giảm trong thời gian gần đây, Nhật Bản vẫn giữ vị trí là chủ nợ lớn nhất thế giới. Nguyên nhân là do đồng USD tăng giá vào cuối  năm 2012 và thổi phồng giá trị các tài sản ở nước ngoài của Nhật Bản.

Theo số liệu vừa được chính phủ Nhật Bản công bố hôm nay (28/5), giá trị ròng tài sản ở nước ngoài (tính bằng đồng yên) của “đất nước mặt trời mọc” đã tăng 12% trong năm 2012. Xếp ngay sau Nhật Bản là Trung Quốc và Đức. (Giá trị ròng tài sản ở nước ngoài được tính bằng cách lấy giá trị các tài sản ở nước ngoài (như tiền tệ và trái phiếu kho bạc Mỹ) trừ đi nợ (như chứng khoán Nhật Bản và nợ chính phủ Nhật Bản được nắm giữ bởi người nước ngoài). 

Tính đến cuối năm 2012, giá trị ròng tài sản ở nước ngoài của Nhật Bản ở mức 296,32 nghìn tỷ yên (tương đương 2,93 nghìn tỷ USD). Con số này tăng thêm 30,89 nghìn tỷ USD so với một năm trước, và vượt qua kỷ lục 268 nghìn tỷ yên được lập năm 2009. 

Hai nước xếp sau đó là Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (213,66 nghìn tỷ yên) và Đức (121,90 nghìn tỷ yên). 

Trong khi đồng yên mạnh hồi đầu năm khiến các doanh nghiệp Nhật đẩy mạnh việc mua tài sản nước ngoài, giá trị các tài sản này tăng vọt nhờ đồng USD tăng giá tới 11% so với đồng yên trong nửa cuối của năm 2012. 

Tài sản nước ngoài nắm giữ bởi Nhật Bản có tổng giá trị 661,90 nghìn tỷ yên, tăng 13,8% so với năm trước. Trong số này, các chứng khoán nước ngoài có giá trị 305,11 nghìn tỷ yên, tăng 42,79 nghìn tỷ yên. Hơn 80% chứng khoán nước ngoài là các tài sản mang lại thu nhập cố định. 

Dự trữ ngoại hối của Nhật Bản tăng 8,95 nghìn tỷ yên, lên 109,46 nghìn tỷ yên. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 89,81 nghìn tỷ yên, tăng 15,52 nghìn tỷ yên. 

Nợ của Nhật Bản tăng thêm 49,51 nghìn tỷ yên, lên 365,59 nghìn tỷ yên. 

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng vị thế là chủ nợ lớn nhất không đồng nghĩa với một sự đảm bảo chắc chắn về tương lai. Nhật vẫn tiếp tục có thâm hụt thương mại khổng lồ. Xuất khẩu ì ạch trong khi nhập khẩu tăng cao do khủng hoảng năng lượng sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011. Tháng 4 vừa qua, nước này ghi nhận tháng thâm hụt thương mại thứ 10 liên tiếp. 

Theo Tsuyoshi Nakazawa, chuyên gia phân tích về đầu tư nước ngoài tại công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley, hiện nay, tỷ giá hối đoái đang tạm thời là nhân tố ảnh hưởng tích cực. Liệu Nhật Bản có thể duy trì vị thế là chủ nợ lớn nhất thế giới hay không sẽ phụ thuộc vào sức cạnh tranh của nền kinh tế và xu hướng tiêu thụ năng lượng. 

Thu Hương

huongnt

WSJ

Trở lên trên