Nhìn lại chính sách tỷ giá trung tâm của Trung Quốc trong năm qua
Cho đến hiện tại thì chưa có dấu hiệu nào cho thấy động thái thả nổi tỷ giá có điều chỉnh cùng những biện pháp hỗ trợ kinh tế khác của chính quyền Bắc Kinh là có hiệu quả rõ ràng.
- 07-01-2016Đây là nguyên nhân khiến chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc 7%
- 07-01-2016Ám ảnh bởi Trung Quốc, sắc đỏ bao trùm chứng khoán toàn cầu
- 06-01-2016Chứng khoán Trung Quốc "lao đao" vì giao dịch qua... WeChat
Ngày 11/8/2015, chính phủ Trung Quốc bất ngờ tuyên bố điều chỉnh cơ chế tỷ giá của đồng Nhân dân tệ.
Theo đó, tỷ giá tham chiếu của đồng tiền này sẽ được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ban hành vào đầu mỗi phiên dựa trên kết quả giao dịch của phiên hôm trước và cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do vẫn sẽ xoay quanh mốc tỷ giá tham chiếu với tỷ lệ 2%.
Trước năm 2005, tỷ giá Nhân dân tệ được cố định và ít có điều chỉnh. Sau năm 2005, tỷ giá tham chiếu được điều chỉnh tùy tình hình nhưng vẫn hầu như cố định và bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính phủ Trung Quốc.
Đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng 2008 cũng như cú sốc ngừng chương trình nới lỏng định lượng (QE) của FED diễn ra năm 2013. Tỷ giá tự do trên thị trường khi đó chỉ được xoay quanh mốc tham chiếu với tỷ lệ 2%.
Tỷ giá NDT/USD trên thị trường quốc tế 1 năm qua
Việc kiểm soát quá chặt của PBOC trong thời kỳ này đã khiến tỷ giá Nhân dân tệ trong nước và trên thị trường quốc tế có chênh lệch lớn.
Tuy nhiên, những tín hiệu tiêu cực trong ngành xuất khẩu đã buộc Trung Quốc phải phá giá Nhân dân tệ để hỗ trợ kinh tế. Với động thái thả nổi có điều chỉnh và để tỷ giá tham chiếu hầu như biến động hàng ngày, các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ có lợi thế hơn khi cạnh tranh trên thị trường.
Ngay sau quyết định điều chỉnh cơ chế điều hành tỷ giá vào tháng 8/2015, hàng loạt quốc gia, bao gồm Việt Nam, đã phải điều chỉnh tỷ giá nhằm đối phó với ảnh hưởng này.
Những ảnh hưởng về kinh tế
Sau khi Trung Quốc thả nổi có điều chỉnh tỷ giá, đồng Nhân dân tệ đã giảm giá mạnh.
Tính đến phiên 6/1/2016 trên thị trường quốc tế, đồng tiền này đã giảm xuống mức 6,6915 NDT/USD, mức thấp nhất kể từ quý IV/2010. Mặc dù đã được thêm vào rổ các đồng tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhưng tỷ giá trong và ngoài nước của Nhân dân tệ vẫn có khoảng cách khá xa.
Tỷ giá NDT/USD trên thị trường quốc tế trong 5 năm qua
Thậm chí khoảng cách này ngày càng được nhân rộng bất chấp những động thái “tự do hóa” thị trường tiền tệ. Nguyên nhân chính là dù phá giá đồng tiền nhưng kinh tế nước này cũng không hoàn toàn khá hơn.
Tỷ giá NDT/USD tại thị trường trong nước (xanh lá cây) và quốc tế (xanh da trời)
Tình hình thặng dư thương mại không toàn khả quan trong những tháng trước đó đã khiến chính quyền Bắc Kinh tăng cường nới lỏng tỷ giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu trong tháng 8/2015.
Tuy nhiên, số liệu cho thấy thặng dư thương mại của nước này không tăng trưởng nhiều trong những tháng tiếp đó. Thậm chí, xuất siêu tháng 11/2015 chỉ đạt 54,1 tỷ USD, thấp hơn mức 61,6 tỷ USD của tháng trước và mức 54,47 tỷ cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu trong tháng 11/2015 cũng giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước xuống 197,24 tỷ USD và là tháng giảm thứ 5 liên tiếp. Nhập khẩu của nước này cũng bị ảnh hưởng khi giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 11/2015 xuống 143,14 tỷ USD.
Như vậy, nếu so với cùng kỳ năm trước, cán cân thương mại của Trung Quốc đã suy giảm tháng thứ 13 liên tiếp.
Cán cân thương mại của Trung Quốc (trăm triệu USD)
Trong lĩnh vực sản xuất, chỉ số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc có tăng lên so với tháng 8/2015 nhưng vẫn thấp hơn so với mức tiêu chuẩn tăng trưởng 50 điểm.
Chỉ số PMI công nghiệp của nước này tháng 12/2015 đạt 48,2 điểm, thấp hơn mức 48,6 của tháng trước đó. Nhiều nhà máy tại đây đã phải cắt giảm nhân viên, giảm mua sắm nguyên vật liệu và hạ bớt công suất do nhu cầu tiêu dùng yếu cả trong lẫn ngoài nước.
Chỉ số PMI ngành dịch vụ của nước này cũng không khá hơn khi chỉ đạt 50,2 điểm trong tháng 12/2015, thấp hơn mức 51,2 trong tháng 11 trước đó và đây là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2014.
Chỉ số PMI công nghiệp của Trung Quốc
Rõ ràng, kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn khi việc phá giá đồng Nhân dân tệ thậm chí không hề kích thích một đợt bùng nổ lạm phát tại thị trường này, thay vào đó, tỷ lệ này lại giảm dần.
Số liệu cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này đã giảm từ 2% trong tháng 8 xuống 1,5% trong tháng 12/2015.
Tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc
Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đã nhận ra những rủi ro này, điều này được phản ánh rõ qua thị trường chứng khoán. Riêng trong tháng 8, khi PBOC phá giá Nhân dân tệ, chứng khoán đã giảm kỷ lục 12,49% và vẫn chưa thể quay lại thời kỳ tăng trường như trước đây.
Chính quyền Bắc Kinh đã phải tuyên bố hàng loạt những biện pháp can thiệp mạnh tay nhằm chấm dứt tình trạng bán tháo ồ ạt của nhà đầu tư cũng như xu thế rút vốn khỏi thị trường.
Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư đã mất khi chỉ số Shanghai Composite Index giảm 3,9% trong ngày đầu tiên giao dịch 4/1 của năm 2016 và thị trường đã buộc phải đóng cửa sớm theo quy định nhằm ngăn cản đà bán tháo.
Chỉ số Shanghai Composite Index
Để cứu vãn thị trường tài chính và thị trường tiền tệ, PBOC đã phải sử dụng kho dự trữ ngoại hối nhằm bơm tiền giữ tỷ giá và mua cổ phiếu.
Động thái này khiến kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc suy giảm nhanh chóng xuống 3,43 tỷ USD trong tháng 12/2015, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2013.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc (triệu USD)
Mặc dù các quan chức và nhà lãnh đạo Trung Quốc liên tục trấn an nhà đầu tư và cam kết thị trường cũng như nền kinh tế sẽ hồi phục.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại thì chưa có dấu hiệu nào cho thấy động thái thả nổi tỷ giá có điều chỉnh cùng những biện pháp hỗ trợ kinh tế khác của chính quyền Bắc Kinh là có hiệu quả rõ ràng.
Trí Thức Trẻ/CafeBiz