NHTW Nga hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 3 năm tới
NHTW Nga nhận định kinh tế quốc gia này đối mặt với viễn cảnh trì trệ kéo dài trong khoảng 3 năm tới, với những chi phí lớn sau khủng hoảng Ucraina và sự phụ thuộc vào giá dầu mỏ.
Trong báo cáo chính sách tiền tệ hàng năm vừa công bố hôm 10/11, NHTW Nga đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2014-16 về gần 0, đồng thời nhận định những trừng phạt từ phương Tây nhằm vào quốc gia này do khủng hoảng ở Ucraina sẽ kéo dài ít nhất tới cuối 2017.
Họ cũng nâng dự báo luồng vốn ròng chảy ra khỏi Nga sẽ lên tới 128 tỷ USD năm 2014 và 99 tỷ USD năm 2015.
Đồng ruble Nga đã mất gần một phần tư giá trị kể từ giữa năm tới nay. Động thái thả nổi đồng tiền này cùng với tuyên bố NHTW có thể can thiệp bất cứ lúc nào để trừng phạt hành động đầu cơ đã giúp ruble hồi phục 2% sau đó. Tuy nhiên, hiện ruble vẫn mất 30% giá trị so với hồi đầu năm.
NHTW Nga dự báo kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng 0,3% trong năm 2014; 0% trong năm 2015 và 0,1% trong năm 2016. Thậm chí đến 2017 kinh tế Nga cũng chỉ hồi phục nhẹ, ở mức tăng trưởng khoảng 1,6%.
Dự báo này dự trên cơ sở giá dầu thô sẽ hồi phục về mức 95 USD/thùng vào năm tới, sau đó sẽ tiếp tục giảm.
“Giá dầu ở mức 95 USD có thể là tín hiệu lạc quan, song việc trừng phạt rất có thể sẽ kéo dài tới 2017 và Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến lâu dài”, nhà phân tích Tim Ash thuộc ngân hàng Standard Bank nhận định.
Triển vọng u ám
Những trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu áp dụng đối với các ngân hàng và công ty lớn của Nga sau khi Nga ủng hộ chủ nghĩa li khai ở Ucraina đã gây ra tình trạng đóng băng luồng vốn vào Nga, là nguyên nhân khiến ruble mất giá mạnh.
Đồng ruble càng mất giá khi nhu cầu ngoại tệ gia tăng mạnh mẽ ở Nga khi người dân lo sợ khoản tiết kiệm của mình mất giá đã đổ xô chuyển sang ngoại tệ.
Song dường như không có nhiều dấu hiệu cho thấy trở ngại kinh tế gây khó khăn về chính trị cho Tổng thống Putin.
Hôm 10/11 ông tuyên bố không có lý do kinh tế cơ bản nào khiến ruble trượt giá; Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cũng có chung nhận định khi cho rằng rõ ràng ruble đang bị định giá thấp và hy vọng những biến động của đồng tiền này sẽ chấm dứt vào cuối năm nay.
Theo kết quả điều tra của cơ quan thăm dò độc lập Levada, tỷ lệ người dân sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Putin hiện vẫn cao kỷ lục 88%, gia tăng mạnh mẽ trong năm nay sau những chính sách của ông ủng hộ người dân miền Đông Ukraine, và nhất là sau khi sáp nhập Crimea vào Nga hồi tháng 3.
“Người dân Nga nhìn chung đều cho rằng những khó khăn kinh tế của Nga là do những kẻ thù bên ngoài nước Nga”, Christopher Granville, giám đốc điều hành công ty tư vấn các thị trường mới nổi - Trusted Sources – có trụ sở ở London cho biết.
Không thành công trong quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng
Chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy những khó khăn kinh tế sẽ khiến ông Putin phải thay đổi chính sách về Ukraine; nơi chiến sự ở miền Đông trở nên trầm trọng hơn trong tuần qua, phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn giữa quân ly khai và lực lượng chính phủ Ukraine.
Ông Putin dường như đã không thành công trong chính sách đa dạng hóa nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên và nay mối quan hệ căng thẳng với phương Tây khiến Nga càng thiếu vốn đầu tư cần thiết cho các trang thiết bị.
Ngay cả trước khi khủng hoảng Ukraine leo thang năm nay, kinh tế Nga đã sa sút khi tăng trưởng năm 2013 chỉ đạt 1,3%, cho thấy mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào xuất khẩu năng lượng không còn phù hợp nữa.
Trong kịch bản dễ xảy ra nhất, NHTW Nga dự báo giá dầu Urals sẽ hồi phục trong ngắn hạn, lên mức trung bình 95 USD/thùng vào 2015, song sẽ giảm về 90 USD vào cuối 2017.
Ngân hàng đang xem xét một số kịch bản khác, trong đó có khả năng các trừng phạt sẽ được dỡ bỏ vào quý III/2015, cũng như khả năng giá dầu sẽ hồi phục lên 100 USD/thùng.
Theo họ, kịch bản được dỡ bỏ trừng phạt vào năm tới gần với dự báo chính thức của chính phủ (do Bộ Kinh tế thực hiện), theo đó kinh tế sẽ tăng trưởng 1% vào năm tới. Song ngân hàng vẫn dự báo tăng trưởng sẽ chỉ ở mức vừa phải ngay cả khi có cơ sở lạc quan ấy. Khi đó, theo NHTW, tăng trưởng kinh tế năm 2015 sẽ ở mức 0,3%, trên cơ sở giá dầu 95 USD/thùng, và 0,6% nếu giá dầu đạt 105 USD/thùng.
Ngân hàng cũng xem xét một số kịch bản bi quan hơn khi giá dầu hạ thêm nữa. Trong tình huống “kịch bản xấu nhất”, nếu giá dầu giảm xuống 60 USD/thùng vào năm 2015, kinh tế Nga sẽ giảm 3,5-4% vào năm đó.
“Khi vạch ra các kịch bản, NHTW Nga đã xem xét kỹ lưỡng những xu hướng kinh tế Nga trong các năm gần đây, cho thấy những hạn chế về cơ cấu kinh tế hiện tại sẽ chưa được khắc phục một cách nhanh chóng”, báo cáo của ngân hàng cho biết. Do vậy, “Kết hợp những yếu tố thuận lợi có khả năng đến từ bên ngoài thì tăng trưởng kinh tế cũng sẽ chỉ ở mức vừa phải”.
Vân Chi