MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những gánh nặng đang buộc chặt kinh tế Trung Quốc

09-01-2016 - 22:18 PM | Tài chính quốc tế

Thậm chí, một số chuyên gia còn không loại trừ khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ "hạ cánh cứng"...

Trong gần 4 thập kỷ kể từ khi mở cửa nền kinh tế, Trung Quốc đã đưa nhiều triệu người dân thoát nghèo, đạt tới tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc và trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Nhưng theo tờ Wall Street Journal, khối nợ khổng lồ, các doanh nghiệp quốc doanh cồng kềnh, và vai trò bị hạn chế của các lực lượng thị trường đang tạo ra nhiều nguy cơ cho nền kinh tế Trung Quốc, đe dọa làm chệch hướng đi của nước này trên con đường vươn lên hàng ngũ những nước giàu.

Những ngày đầu năm 2016, Trung Quốc trầy trật ứng phó với một đợt biến động mạnh mới của thị trường chứng khoán, và thị trường toàn cầu phản ứng đầy lo ngại. Trong bối cảnh như vậy, giới chuyên gia cảnh báo nước này đối mặt rủi ro ngày càng lớn nếu không hành động để giải quyết triệt để những vấn đề đã bám rễ sâu trong nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, nếu không thay đổi, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một thời kỳ tăng trưởng thấp, năng suất lao động bị ghìm giữ, và tài sản của các hộ gia đình trì trệ - những yếu tố tạo thành “bẫy thu nhập trung bình”.

“Kỷ nguyên tăng trưởng dễ dàng đã kết thúc. Giờ là lúc của những lựa chọn ngày càng khó khăn”, ông Victor Shih, giáo sư Đại học California-San Diego, nhận định.

Nguy cơ “hạ cánh cứng”

Thậm chí, một số chuyên gia còn không loại trừ khả năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đột ngột giảm sút mạnh, dẫn tới một cuộc “hạ cánh cứng” khiến mức nợ tăng vọt, niềm tin người tiêu dùng lao dốc, đồng Nhân dân tệ sụt giá chóng mặt, tỷ lệ thất nghiệp bị đẩy cao, và tăng trưởng suy sụp.

Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng thông qua những biện pháp như bơm thêm tiền cho những công ty thua lỗ, xây dựng thêm những cơ sở hạ tầng chưa thực sự cần thiết, và từ đó sẽ mất nhiều tiền hơn cho việc trả lãi nợ. Cách làm này khiến nền kinh tế không được đầu tư đầy đủ để cải thiện năng suất, có thể dẫn tới sự trì trệ tăng trưởng như ở Nhật trong những thập kỷ gần đây.

Nhưng vấn đề là Trung Quốc chưa giàu như Nhật.

Một nền kinh tế Trung Quốc ốm yếu sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu suy yếu theo, giữa lúc nhu cầu toàn cầu thấp và suy thoái kinh tế đã xảy ra ở một số quốc gia xuất khẩu hàng hóa cơ bản như Brazil vốn có mức độ phụ thuộc cao vào thị trường Trung Quốc.

“Họ không muốn phải ‘chịu đau’. Nhưng họ càng chần chừ, thì mọi chuyện sẽ càng khó khăn”, chuyên gia kinh tế Alicia Garcia Herrero thuộc ngân hàng đầu tư Natixis nói về những cải cách không dễ dàng mà Trung Quốc nên áp dụng.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được rủi ro này. Hôm thứ Ba tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi tập trung nhiều hơn vào sáng tạo để thúc đẩy các nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế và mang lại sức sống mới cho các lĩnh vực truyền thống.

Trong chiến lược kinh tế dài hạn vạch ra vào năm 2013 khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền, Bắc Kinh cam kết sẽ cho phép thị trường đóng vai trò quyết định và xây dựng một khung pháp lý để tái cơ cấu nền kinh tế, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ.

Trở ngại từ mục tiêu chính trị

Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, kết quả triển khai những cam kết này đến nay vẫn gây thất vọng, và trở ngại nằm ở chính những mục tiêu chính trị.

Ông Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu cho Chính phủ Trung Quốc tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người trong thời gian từ 2010-2020. Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Trung Quốc phải đạt 6,5%.

Với nhu cầu toàn cầu giảm sút và số người Trung Quốc gia nhập lực lượng lao động ngày càng ít đi, Bắc Kinh sẽ cần phải nhờ tới các biện pháp kích cầu thông qua chi tiêu chính phủ để đạt được mục tiêu đó. Như vậy, các biện pháp tái cơ cấu rất cần thiết tiếp tục bị trì hoãn.

“Sẽ là rất tốn kém và kém hiệu quả để đạt những mục tiêu tăng trưởng như vậy. Các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc muốn tất cả những kết quả tốt đẹp, vừa có tăng trưởng, vừa có một chút cải cách, và mức độ ổn định cao”, mà không nhận ra rằng điều này đòi hỏi những đánh đổi lớn - chuyên gia Shih nói.

Một trong những sự đánh đổi như vậy là đánh đổi giữa ô nhiễm và tăng trưởng.

Cho phép ngành thép và các ngành công nghiệp nặng khác ở tỉnh Hà Bắc đẩy mạnh sản xuất để đạt mục tiêu sản lượng vào cuối năm 2015, Chính phủ Trung Quốc khiến thủ đô Bắc Kinh chìm trong bầu không khí ô nhiễm nặng và cư dân bất bình. Nhưng nếu cắt giảm hoạt động của các nhà máy, tăng trưởng sẽ giảm sút, thất nghiệp tăng, và một nguồn nguy cơ bất ổn mới lại xuất hiện.

Doanh nghiệp quốc doanh và nợ nần

Một trong những vấn đề khó nhất đối với Trung Quốc hiện nay là làm gì với các công ty quốc doanh vốn giữ vai trò thống lĩnh trong lĩnh vực công nghiệp nặng và các ngành chiến lượng của nền kinh tế, đồng thời có ảnh hưởng lớn về chính trị.

Một số công ty nhà nước vẫn tồn tại bất chấp nợ “khủng”, nhiều năm làm ăn thua lỗ và mô hình kinh doanh yếu kém. Giới chức Trung Quốc gọi những công ty như vậy là doanh nghiệp “thây ma”. Đầu tháng 1, trong chuyến thăm tới tỉnh công nghiệp thuộc miền Bắc Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường đã nói về gánh nặng các doanh nghiệp “thây ma”. Ông Lý nói các công ty này nên bị ngừng cấp vốn vay để giảm tình trạng dư thừa nguồn cung thép và than.

Theo một số ước tính, doanh nghiệp quốc doanh chiếm 80% vốn vay ngân hàng ở Trung Quốc, trong khi đem lại mức lợi nhuận chỉ bằng 1/3 so với các công ty tư nhân và bằng 1/2 so với doanh nghiệp nước ngoài.

Giảm quy mô của các doanh nghiệp quốc doanh khổng lồ này, chưa nói gì đến loại bỏ một số công ty, đặt ra thách thức lớn. Ngân hàng Societe Generale ước tính, giảm 20% công suất dư thừa của các công ty quốc doanh Trung Quốc trong những ngành chịu nhiều sức ép nhất hiện nay là thép và than sẽ dẫn tới 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (gần 152 tỷ USD) nợ xấu, tương đương 2% tổng dư nợ các ngân hàng của Trung Quốc, và 1,7 triệu công nhân bị sa thải, tương đương 0,3% lực lượng lao động tại đô thị nước này.

Các cuộc biểu tình của công nhân Trung Quốc đã tăng lên trong bối cảnh kinh tế giảm tốc, đạt con số kỷ lục trong tháng 12 vừa qua. Trước đây, Chính phủ Trung Quốc đã chọn con đường thúc đẩy tăng trưởng để tạo công ăn việc làm, ngăn nguy cơ mất ổn định xã hội.

Giải quyết “núi” nợ đang phình to với tốc độ cao của Trung Quốc cũng là một vấn đề mà nhiều chuyên gia kinh tế cho là cấp bách. Theo ước tính của tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings, tổng nợ của Trung Quốc tương đương 242% GDP vào cuối năm 2014, từ mức 217% GDP vào cuối năm 2013.

Việc trang trải số nợ này hiện tiêu tốn của các hộ gia đình và công ty Trung Quốc khoảng 20% GDP - theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Tỷ lệ này của Trung Quốc ngang với của Hàn Quốc, cao hơn của Mỹ, Nhật và Anh.

Theo An Huy

VnEconomy

Trở lên trên