MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những quan niệm đang chia rẽ Trung Quốc và Mỹ

13-10-2015 - 09:47 AM | Tài chính quốc tế

Một quan chức chính phủ Mỹ từng nhận định Trung Quốc và Mỹ giống như "hai máy tính chạy trên các hệ điều hành khác nhau”.

Trong khi giới truyền thông cả hai bên nhấn mạnh rằng cuộc họp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama trong chuyến công du đến Mỹ của ông Tập Cận Bình mang đầy tính xây dựng, cây bút chuyên phân tích các vấn đề quốc tế của tờ Financial Times là Gideon Rachman lại không cho là như vậy. Trung Quốc và Mỹ có những cách nhìn khác nhau một cách sâu sắc về những vấn đề lớn của thế giới. Nổi bật nhất là 5 sự tương phản lớn sau đây.

1. Tuần hoàn >< Tuyến tính:

Trung Quốc có một lịch sử rất dài trong khi xét trong tương quan so sánh thì Hoa Kỳ chỉ là một quốc gia còn non trẻ. Chủ tịch Tập muốn cho cả thế giới biết rằng "Trung Quốc là một nền văn minh cổ đại. Chúng tôi có 5000 năm lịch sử." Mỹ thì ngược lại, quốc gia này mới ra đời cách đây hơn 250 năm.

Sự khác biệt này đã ảnh hưởng sâu sắc đến cách mà các nhà lãnh đạo hai nước nghĩ về thế giới. Người Trung Quốc nghĩ về tính chu kỳ sau khi trải qua nhiều thăng trầm qua các triều đại phong kiến. Giai đoạn hưng thịnh có thể kéo dài hàng thế kỷ nhưng các thời kỳ suy vong cũng có thể kéo dài trong khoảng thời gian tương đương.

Ngược lại, kể từ năm 1776 – năm nước Mỹ chính thức được khai sinh, Mỹ đã cơ bản chỉ đi theo một hướng - hướng tới một quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn hơn và đề cao sự thịnh vượng của mỗi cá nhân. Kết quả là, các chính trị gia Mỹ có xu hướng cho rằng phát triển là quy luật tất yếu của tự nhiên.

2. Thuyết phổ độ >< Sự trung thành

Nguồn tín ngưỡng nền móng của Mỹ là "mọi người sinh ra đều bình đẳng" và có các quyền bất khả xâm phạm. Từ đó, người dân Mỹ có một niềm tin bản năng vào các giá trị tự do và dân chủ, đồng thời sẽ càng lý tưởng hơn nếu nó được áp dụng ở khắp mọi nơi. Người Trung Quốc thì ngược lại, họ tôn sùng và trung thành tuyệt đối với một đảng phái. Họ tin rằng những gì đúng đối với Trung Quốc không nhất thiết phải phù hợp với thế giới, và ngược lại. Sự khác biệt trong tâm lý này là nền tảng cho những phương pháp tiếp cận trái ngược của Trung Quốc và Mỹ trong việc giải quyết các cuộc xung đột nước ngoài và bảo vệ nhân quyền.

3. Hệ tư tưởng >< tính dân tộc:

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được xây dựng trên lý tưởng thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp. Hàng triệu người đã trở thành người Mỹ bằng cách sống ở Mỹ và theo đuổi những lý tưởng đó. Ngược lại, Trung Quốc có một cái nhìn đậm tính dân tộc hơn, dựa trên những gì vốn có ở Trung Quốc. Nếu một người chuyển đến Mỹ, anh ta có thể nhanh chóng trở thành một công dân Mỹ và các con của anh ấy chắc chắn sẽ là người Mỹ. Nhưng việc chuyển sang Trung Quốc sẽ không làm cho người này hay con của anh ta trở thành công dân Trung Quốc. Kết quả là, người Trung Quốc và người Mỹ có xu hướng có những giả định khá khác nhau về những ý tưởng quan trọng như chủ quyền quốc gia, quốc tịch hay nhập cư.

4. Cá nhân >< tập thể:

Các nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh đến quyền lợi của các cá nhân. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh lợi ích chung của cả tập thể. Sự khác biệt giữa chủ nghĩa cá nhân của Mỹ và chủ nghĩa tập thể của Trung Quốc đang dần xâm nhập vào thái độ của họ đối với nhà nước.

Tại Mỹ, những ý niệm cho rằng các cá nhân cần phải được bảo vệ khỏi một siêu cường quốc được gắn chặt vào hiến pháp và trở thành một chủ đề chính trong những cuộc tranh luận, hùng biện chính trị. Ở Trung Quốc, quan điểm phổ biến là một nhà nước vững mạnh là sự bảo đảm tốt nhất chống lại "sự hỗn loạn".

Nhiều người Mỹ cho rằng đây đơn giản chỉ là cách nói để Trung Quốc củng cố lợi ích của đảng cầm quyền. Nhưng quan niệm này cũng có nguồn gốc lịch sử sâu sắc. Người Mỹ đề cao quyền cá nhân trong suốt quãng thời gian dài cho đến tận cuộc chiến tranh giành độc lập vào thế kỷ thứ 18. Ngược lại, người Trung Quốc có lịch sử chiến tranh liên miên.

5. Các quyền >< Tính trật tự - phân cấp: Những thái độ khác nhau đối với nhà nước dẫn đến những quan niệm trái ngược về con người, xã hội. Mỹ đề cao các quyền cá nhân và pháp luật. Trung Quốc nhấn mạnh đến tôn ti trật tự và nghĩa vụ của công dân như là điều cốt yếu cho sự vận hành trơn tru của xã hội. Một lần nữa, điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến các quan hệ quốc tế - vì nó ảnh hưởng đến cách ứng xử của Trung Quốc trong các mối quan hệ giữa các nước lớn với nhau cũng như với các nước láng giềng nhỏ hơn.

Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn, điều này luôn có ảnh hưởng trong việc định hình cách nhìn thế giới bên ngoài của nước này. Nhưng ở đây, cuối cùng, chúng ta vẫn thấy một sự tương đồng mạnh mẽ với Mỹ. Cả hai quốc gia đều mang dáng dấp đó là tự coi mình là trung tâm. Tại Trung Quốc, dáng dấp này dần hình thành qua quá trình lịch sử kéo dài khi người dân Trung Quốc giữ một niềm tin rằng vùng đất của họ là trung tâm của tất cả mọi thứ - giống người La Mã cổ đại có câu “Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome”. Niềm tin này bị lung lay đôi chút kể từ những năm 1840, khi châu Âu và Nhật Bản tấn công vào Trung Quốc. Tuy nhiên, tinh thần ấy lại trỗi dậy trong những năm gần đây.

Trong khi đó, Mỹ đã trở nên quen thuộc với vị thế của siêu cường duy nhất trên thế giới. Chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn dựa trên niềm tin rằng Mỹ là "người nắm giữ quyền lực không thể thiếu" trong việc đảm bảo trật tự toàn cầu. Các đời tổng thống Mỹ, cũng như các hoàng đế Trung Quốc phong kiến, đã quen với việc nhận được sự tôn trọng “quá mức” từ nước ngoài.

Bảo Trung

FT

Trở lên trên