Những scandal ngân hàng gây rúng động thế giới năm 2013
Nhân loại chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt là khó khăn do khủng hoảng kinh tế kéo dài và những hệ lụy do chính con người kiến tạo nên như một số vụ scandal ngân hàng đình đám dưới đây.
- 05-12-2013Phạt kỷ lục với 6 ngân hàng lớn thao túng lãi suất
- 20-11-2013JPMorgan Chase nộp phạt kỷ lục 13 tỉ USD
- 29-10-2013"Ông lớn" ngân hàng Nhật Bản giao dịch với mafia
1. Hàng loạt ngân hàng Mỹ bị phạt
Ngay đầu năm 2013, 10 ngân hàng lớn của Mỹ đã bị các nhà chức trách phạt gần 20 tỷ USD do lạm dụng thế chấp và tịch biên nhà trái phép, nhân diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khiến hàng triệu người Mỹ sa cơ mất hết nhà cửa. Đứng đầu là Bank of America (BoA), chịu án phạt nặng nhất 11,6 tỷ USD trả cho Quỹ thế chấp nhà ở Liên bang (FM).
Ngoài BoA, 9 ngân hàng khác cũng bị phạt 8,5 tỷ USD trả cho các nhà quản lý và bồi thường cho các chủ đất, sau những cáo buộc các ngân hàng đã tịch biên hàng triệu căn nhà bất chấp nỗ lực thực hiện cam kết của những người đi vay. Đó là Aurora, Citibank, JPMorgan Chase, MetLife Bank, PNC, Sovereign, SunTrust, US Bank và Wells Fargo.
Đến những tháng cuối năm 2013, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase cũng đã phải mở hầu bao chi trả 9 tỷ USD cho các cơ quan chức năng và 4 tỷ USD hỗ trợ người sở hữu nhà. Tổng cộng JPMorgan Chase đã chấp nhận chịu phạt số tiền kỷ lục 13 tỷ USD do đã bán các chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp có độ rủi ro cao cho các nhà đầu tư trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính.
Trong số 9 tỷ USD trả cho các cơ quan chức năng, 4 tỷ USD là cho Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang (FHFA) và 5 tỷ USD là các khoản tiền nộp phạt cho Bộ Tư pháp Mỹ và bồi thường cho các bang và các cơ quan của liên bang…
2. Các ngân hàng Anh đền bù số tiền lớn cho vụ PPI
Theo tờ Financial Times (FT), bốn ông lớn trong hệ thống ngân hàng Anh, gồm Barclays, HSBC, Lloyds và ngân hàng Hoàng Gia Scotland đã phải đối mặt với nguy cơ chi thêm hơn 1 tỷ bảng (1,6 tỷ USD) để đền bù thiệt hại cho khách hàng liên quan đến vụ scandal bán sai Bảo hiểm bảo vệ thanh toán (PPI-Payment protection insurance) hồi năm 2012.
Cũng theo FT, đây mới chỉ là con số sơ bộ bởi tổng số tiền mà bốn đại gia này phải chi trả cho vụ PPI sẽ lên tới hơn 11 tỷ bảng (17,6 tỷ USD), tạo nên vụ scandal lớn nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng Anh quốc.
Hiện nay, 4 ngân hàng này đang thương lượng với Cơ quan dịch vụ tài chính (FSA) để đưa ra thời hạn hợp lý cho việc thanh toán tiền bồi thường. Theo giới phân tích thì ngay cả khi đạt được thỏa thuận với FSA thì tổng chi phí sẽ phải chi ra cho vụ bê bối nói trên có thể vượt ngưỡng 15 tỷ bảng (24 tỷ USD).
PPI là loại bảo hiểm không bắt buộc và khách hàng có quyền hủy cũng như yêu cầu bồi thường. Khách mua PPI sẽ được thanh toán khi mất việc vì ốm đau, nhưng không được hưởng lợi nếu người mua hưởng trợ cấp của Nhà nước hay những người lao động tự do.
Ngoài ra, theo quy định, PPI không được phép bán đồng thời với các sản phẩm tín dụng như các khoản vay hoặc thế chấp.
3. Nhiều ngân hàng Hàn Quốc nhúng chàm
Năm 2013, được xem là năm làm ăn xui xẻo của ngành Ngân hàng Hàn Quốc. Tiêu biểu, có chi nhánh Kookmin Bank (KB) tại Tokyo (Nhật Bản) đang bị cơ quan chức năng điều tra vì tình nghi dính đến việc rửa tiền. KB được cho là đã cung cấp một khoản vay bất hợp pháp có trị giá hơn 200 tỷ won (188,5 triệu USD) thông qua tài khoản giả để kiếm hoa hồng, buộc một quan chức cấp cao của KB phải tự tử.
Sau KB, là Shinhan, ngân hàng lớn thứ 3 của Hàn Quốc cũng đang nằm trong tầm ngắm của các nhà chức trách vì nghi ngờ đã thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, khi chưa được sự đồng ý của họ. Ngoài ra, ngân hàng này cũng bị cáo buộc lừa dối các nhà đầu tư vì cố tình che giấu những rủi ro của một dự án xây dựng khu tổ hợp.
Tiếp đến là vụ bê bối rò rỉ dữ liệu cá nhân của 130.000 khách hàng của Ngân hàng Standard Chartered Hàn Quốc và Ngân hàng Citi Hàn Quốc. Theo phân ban dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS), chỉ riêng năm 2013, số lượng cán bộ ngân hàng bị xử lý kỷ luật đã vượt ngưỡng 424 người.
4. Bê bối lừa đảo ngân hàng ở Ireland
Tháng 8/2013, tờ Independent của Ireland đã tiết lộ thông tin động trời vụ bê bối lừa đảo ngân hàng lớn nhất trong lịch sử nước này sau sự kiện khủng hoảng tài chính năm 2008. Nguồn tin này cho biết, Anglo-Ireland Bank đã ngừng hoạt động rồi đi lừa bằng cách cho vay hàng chục ngàn tỷ USD, bơm vốn ồ ạt cho các nhà đầu tư bất động sản trước khi bong bóng bất động sản ở Ireland bị vỡ.
Năm 2009, Ireland đã quốc hữu hóa Anglo-Ireland Bank, nhưng từ đây Ireland đã phải gồng mình trả nợ. Ngay trong năm 2013, thâm hụt ngân sách của Ireland tăng tới 7,5% GDP, mức thâm hụt cao nhất thuộc các quốc gia EU. 1/8 tài sản đã thế chấp vào công nợ, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, xuất khẩu giảm mạnh.
Một cuộc điều tra chính thức hiện đang được tiến hành nhắm vào các giao dịch diễn ra tại Anglo-Ireland Bank, 3 giám đốc điều hành sẽ phải hầu tòa. Hiện tại Ireland đang tích cực đề nghị Mỹ dẫn độ cựu giám đốc điều hành của Anglo-Ireland Bank là David Drumm về nước để hầu tòa.
5. Ngân hàng Nhật Bản bắt tay với băng Yakuza
Năm 2013, một vụ scandal gây rúng động hệ thống ngân hàng Nhật Bản sau những tiết lộ động trời. Theo đó, các ngân hàng lớn nhất nước này đã cho băng nhóm Yakuza vay tiền. Câu chuyện bắt đầu từ vụ bê bối tại Mizuho Financial Group (MFG), buộc FSA Nhật Bản phải vào cuộc điều tra khẩn cấp 3 ngân hàng lớn, gồm Mitsubishi, Sumitomo và MFG.
MFG đã thừa nhận người quản lý cấp cao của ngân hàng đã biết việc ngân hàng cho băng nhóm Yakuza vay 200 triệu Yen (tương đương 2 triệu USD) cách đây 3 năm nhưng đã làm ngơ, không tố giác. Phần lớn các cuộc giao dịch của MFG thực hiện thông qua công ty con là Orient Corporation.
Từ ngày 1/10/2011, mọi hoạt động làm ăn hợp tác với Yakuza ở Nhật Bản đã bị coi là bất hợp pháp vì cuộc chiến chống mafia đã trở nên bức thiết. Băng đảng Yakuza giống như mafia của Italia hay hội Tam hoàng của Trung Quốc, thường tham gia vào các hoạt động không trong sạch như cờ bạc, ma túy, mại dâm hay rửa tiền…
6. Vụ thao túng giá vàng của Deutsche Bank (Đức)
Theo tờ Financial Times, cuối tháng 12/2013, Cơ quan Giám sát tài chính Đức (BaFin) đã triệu tập nhiều nhân viên của Deutsche Bank (DB) vì lý do ngân hàng này là một trong số 5 ngân hàng tham gia vào hoạt động thiết lập giá vàng cố định tại thị trường London diễn ra mỗi ngày 2 lần. DB cũng là một trong 3 ngân hàng tham gia vào quy trình tương tự đối với bạc.
Giá vàng cố định tại thị trường London được xem là một trong những mức giá chuẩn cho thị trường vàng thế giới. Trung bình có khoảng 175 triệu aoxơ vàng, trị giá khoảng 215 tỷ USD (theo thời giá hiện hành) được giao dịch mỗi ngày trên thị trường vàng OTC. Và London vẫn được xem là trung tâm giao dịch vàng của thế giới.
Cùng với BaFin, Cơ quan Giám sát tài chính Anh (FCA) cũng đã vào cuộc để phối hợp điều tra. Ngoài Deutsche Bank, một số ngân hàng khác cũng có hành vi tương tự như Barclays, Bank of Nova Scotia, HSBC và Societe Generale. Tuy nhiên, Deutsche Bank là ngân hàng Đức duy nhất tham gia vào hoạt động thiết lập giá này.
Theo Khắc Nam