MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những tỷ phú thành công đứng lên sau thất bại như thế nào? (P2)

17-09-2015 - 12:00 PM | Tài chính quốc tế

Khi thất bại, bạn chọn cách bỏ cuộc hay trở thành tỷ phú tiếp theo?

James Dyson

Phần lớn mọi người nghĩ rằng những nhà phát minh sinh ra đã là nhà phát minh, với tài năng thiên bẩm. Có thể là thành phần gen của họ khác với chúng ta chăng? Trên thực tế là ngược lại. Nhà phát minh là do rèn luyện; họ là những “học sinh chăm chỉ”.

Công ty của ngài James Dyson hiện giờ là một doanh nghiệp thành công mang tầm cỡ thế giới, bán loại máy hút bụi không có túi đựng cho trên 50 công ty. Nó giúp ông trở thành một tỷ phú. Thế nhưng ông đã từng thất bại rất nhiều lần trước khi có thể chạm được tới thành công ngày hôm nay.

Thất bại

Thực tế là, ông đã tạo ra 5127 mẫu máy hút bụi và tất cả trong số chúng đều có thể coi là “nhưng nỗ lực thất bại”. Ông dành tới 15 năm để hoàn thiện sản phẩm của mình trước khi đưa DCO1 vào thị trường năm 1993. Chiếc máy hút bụi hoạt động dựa trên nguyên tắc tách luồng xoáy được cấp bằng sáng chế, đó là lý do vì sao nó không cần một cái túi đựng. Sáng chế này nhận được rất nhiều phản hồi tốt.

“Không thể đếm được bao nhiêu lần một nhà phát minh có thể từ bỏ một ý tưởng của mình. Vào thời điểm tôi tạo ra mẫu thứ 15, đứa con thứ 3 của tôi chào đời. Khi mẫu thứ 2627 ra đời, vợ tôi và tôi đã phải tích cóp từng đồng một. Và lần thứ 3727 là khi vợ tôi đã phải mở lớp dạy vẽ để kiểm thêm thu nhập. Đó là những thời kỳ khó khăn và mỗi thất bại lại đưa tôi đên gần hơn với cách giải quyết vấn đề.”

Với những nỗ lực không ngơi nghỉ vượt lên trên những khó khăn và thất bại, làm sao mà Dyson lại không trở thành một tỷ phú? Tôi dám nói rằng, bất kể là ông có kinh doanh gì đi nữa thì cuối cùng thì ông vẫn sẽ thành công. Đó là thành quả xứng đáng.

Bài học

Những nhà phát minh là những người thất bại nhiều nhất mà bạn từng gặp. Đó thực sự là một lời khen. Bởi thất bại là con đường duy nhất giúp bạn tạo nên một thứ mới mẻ. Những nhà phát minh thực sự họ thậm chí không gọi đó là “thất bại”. Như Thomas Edison đã từng nói: “Tôi không thất bại mà tôi chỉ là tìm thấy 10000 cách làm không hiệu quả.” Ngài James Dyson, người sáng lập của công ty Dyson đã thực sự khắc cốt ghi tâm nguyên tắc này.

Do vậy, nếu bạn muốn tạo nên cái gì đó, thì cách mà bạn nhìn nhận thất bại sẽ quyết định liệu bạn có thể thành công hay không.

Steve Jobs

Chúng ta đều biết tới Steve Jobs như một hình mẫu doanh nhân tiêu biểu, một thiên tài đằng sau những sản phẩm bán chạy nhất như iPod, iPad, iPhone hay MacBook. Ông là hình tượng doanh nhân có ảnh hưởng nhất trong thời đại của chúng ta và ông sẽ mãi mãi được nhớ tới như là Da Vinci của thời kỳ phục hưng trong thế giới công nghệ.

Thất bại

Điều chúng ta ít biết về Steve Jobs là những phát minh không mấy thành công của ông. Dù tin hay không thì Apple đã từng sản xuất những sản phẩm như vậy. Bạn có nhớ Lisa không? Tất nhiên là không. Jobs đã từng tiêu tốn hàng triệu đô la vào việc phát triển nó.

Ông có hồ sơ ghi lại sự việc dó, trong thời kỳ đầu của Apple, ông và cộng sự là Steve Wozniak đã đầu tư tiền bạc và thời gian vào Apple I, một sản phẩm được mua với số lượng khiêm tốn chỉ 175 chiếc. Thế nhưng chính sự thất bại hoàn toàn của việc phát triển Lisa đã khiến Steve Jobs bị đá ra khỏi công ty mà chính ông thành lập.

Áp dụng nguyên tắc “thất bại chỉ là thông tin phản hồi”, Jobs đã tiếp tục thành lập công ty khác: NeXT. Công ty này cũng đã phải đóng cửa do những vấn đề về phần cứng trong sản phẩm. Cuối cùng thì bộ phận phát triển phần mềm được bán lại cho Apple và Jobs quay lại điểm xuất phát của mình.

Bài học

Sau quá nhiều những va vấp, Jobs đã trở nên quyết tâm hơn bao giờ hết. Ước mơ tạo nên “một công ty sẽ là biểu tượng cho một hay hai thế hệ từ bây giờ” như "Walt Disney đã từng làm, Hewlett và Packard cùng những người thành lập nên Intel" cuối cùng cũng trở thành hiện thực.

Hãy tự hỏi bản thân rằng: Nếu như Steve bỏ cuộc? Thì thế giới sẽ khác hiện giờ như thế nào?

Richard Branson

Richard Branson thực sự đã vận dụng thành công “nguyên tắc thất bại” và đã trở thành một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất thế giới. Virgin là một trong những nhãn hiệu có tính nhận diện thương hiệu cao nhất, có sức ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt nhờ có phong cách lịch thiệp và sự xuất hiện thường xuyên trên truyền hình của ông.

Những thất bại

Nhưng nếu bạn gặp Branson ở thời niên thiếu, bạn sẽ không dám đánh cược vào thành công trong tương lai của ông. Khả năng đọc và toán học của Branson khá kém, từng bỏ học ở trường phổ thông và tự hào khi thừa nhận rằng mình mắc chứng khó đọc suốt đời. Bạn sẽ khó mà tin nổi một người như vậy lại có thể trở thành nhà tỷ phú hảo tâm và một biểu tượng truyền thông trên toàn thế giới.

Nhưng người đàn ông này, với mái tóc vàng hoàn hảo ở tuổi 59 và sự duyên dáng đáng kinh ngạc không phải lúc nào cũng nắm trong tay đế chế gồm 400 công ty. Thương vụ kinh doanh đầu tiên của ông là tờ tạp chí “Student” mà ông thành lập khi mới 16 tuổi, sau đó đã gặp rắc rối với cơ quan thi hành luật của Anh. Richard suýt phải vào tù vì cho đăng phương thuốc chữa bệnh hoa liễu trên tạp chí.

Không chỉ có vậy, các cửa hàng ghi âm Virgin của ông, trong giai đoạn gặp nhiều vấn đề về dòng tiền, đã gần như khiến ông lại phải ngồi tù một lần nữa. Lần này là vì một vấn đề nghiêm trọng hơn: trốn thuế. Sau một đêm ngồi tù, ông đã phải trả 60.000 bảng Anh để được tại ngoại.

Trải nghiệm đó, như ông hồi tưởng lại, đã có ảnh hưởng lớn tới ông: “Tôi đã thề với bản thân rằng tôi sẽ không bao giờ làm điều gì khiến mình phải ngồi tù một lần nữa hoặc làm bất kỳ thương vụ kinh doanh nào làm tôi bẽ mặt.”

Tuy vậy, hàng tá các thất bại vẫn tìm đến ông: như là Virgin Cola (trong đó ông lái một chiếc xe tăng ở Quảng trường Thời đại), Virgin Vodka, Virgin Vie, Virgin Brides (khi đó ông ăn mặc như một cô dâu), Virgin Clothing, Virgin Cars, Virgin Digitl tất cả đều đã thất bại. Danh sách này còn tiếp tục trong một quãng thời gian dài.

Bài học

Có thể nói Branson là ông vua của câu lạc bộ các doanh nhân, theo như định nghĩa của ông: ”Học từ thất bại. Nếu bạn là một doanh nhân và cuộc phiêu lưu đầu tiên của bạn không thành công thì chào mừng đến với câu lạc bộ.”

Vậy, thất bại là thông tin phản hồi.

Tạm kết

Thực tế là phần lớn những người bạn thấy trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes đã phải chấp nhận rất nhiều những thất bại. Tôi biết là rất dễ dàng để dán nhãn lên những người giàu có và nói: Họ đạt được điều đó một cách dễ dàng. Đó là nhờ bố mẹ của họ. Họ gặp may. Có thể là do một lực lượng bí mật hoặc thuyết luân hồi. Hoặc cũng có thể là vì sự kiểm soát của người ngoài hành tinh.

Bạn có thể tìm ra hàng tá lý do để diễn giải thành công của ai đó là “may mắn” hoặc “lợi thế tiếp cận thông tin”. Thực tế là trong 100 tỷ phú đầu tiên của thế giới thì có 73 người là tỷ phú tự thân theo ghi nhận của Bloomberg. Không có thủ thuật gì ở đây cả, chỉ đơn giản là họ làm việc nhiều hơn bạn thôi.

Những tỷ phú tự thân này đơn giản là áp dụng những kiến thức cơ bản mà ai cũng có thể tiếp cận được. Họ đã thực sự làm cái mà người khác chỉ đọc về. Biết và làm là hai điều hoàn toàn khác nhau. Thất bại và thành công giống nhau ở điểm chúng đều là những chiếc cầu thang cuốn hình xoắn ốc. Một khi bạn đã đi lên thang, quán tính sẽ khiến bạn đi tiếp và chóng mặt. Hãy dừng vòng xoắn thất bại bằng cách nhìn nhận nó như một sự phản hồi, nếu không bạn sẽ cứ lún sâu và cuối cùng thì đâm và bốc cháy.

Vậy thì bạn sẽ làm gì khi bị thất bại lần tới? Bỏ cuộc? Hay trở thành một tỷ phú tiếp theo?

Theo Bích Hằng

Người đồng hành

Trở lên trên