MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi niềm dân nhập cư ở đô thị Trung Quốc

26-07-2014 - 08:10 AM | Tài chính quốc tế

Để tiến hành hiệu quả các cải cách đã đề ra, người dân Trung Quốc cần được đảm bảo thêm nhiều quyền bình đẳng.

Trên thế giới, những người di cư thường phải đối mặt với khó khăn về ngôn ngữ, lối sống, thói quen và cách cư xử. Nhưng ở Trung Quốc, rào cản chính của họ đến từ hệ thống ”hộ khẩu”, hay còn gọi là đăng ký cư trú. 

Chính sách này đã dẫn đến tình trạng các nhân viên hành chính và người "thành thị gốc" (những người không có mối liên hệ nào với nông thôn, thậm chí đời cha mẹ của họ cũng vậy) phân biệt đối xử với những người nhập cư. 

Theo một cuộc điều tra được thực hiện bởi Ủy ban nghiên cứu xã hội Trung Quốc, gần 1/3 số người được hỏi ở Thượng hải cho biết họ không muốn sống bên cạnh một người nhập cư, trong khi đó chỉ khoảng 1/10 không muốn sống bên cạnh người nghèo. Tại Trường Xuân, một thành phố khá khép kín nằm phía tây bắc, 2/3 nói rằng họ không muốn những người nhập cư xuất hiện trong khu vực sinh sống của mình. Dân cư thành thị ở Trung Quốc dường như đang có chung nỗi lo lắng với những người dân châu Âu trước tình trạng di cư từ các khu vực nghèo lên khu vực giàu có hơn, mặc dù họ đều là người Trung Quốc. 

Một người nhập cư có thể sống nhiều năm ở thành phố nhưng hộ khẩu của họ vẫn ở quê nhà. Ở Trung Quốc, hộ khẩu đóng vai trò như tấm vé thông hành trong nước. Hiến pháp đầu tiên của Trung Quốc được ban hành năm 1954 đã ghi rõ: "công dân có quyền tự do di chuyển, tự do thay đổi nơi cư trú". Tuy nhiên, bốn năm sau, Mao Trạch Đông áp dụng hệ thống hộ khẩu nhằm ngăn chặn dòng người ồ ạt hập cư từ nông thôn lên thành thị. Chính sách này được nới lỏng một lần duy nhất vào cuối những năm 1980, khi Trung Quốc cần một lực lượng đông đảo lao động giá rẻ làm việc trong các nhà máy. Tuy nhiên, "nạn phân biệt" mà hộ khẩu gây nên vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. 

Nếu mức độ đô thị hóa của Trung Quốc được tính toán dựa trên cơ sở hộ khẩu, chứ không dựa trên nơi cư trú, thì tỷ lệ đô thị hóa ở nước này chỉ là 36% (không vượt xa nhiều so với 31% ở Ấn Độ). Rất ít người di cư đến các đô thị lớn trong ba thập kỷ gần đây lấy được hộ khẩu thành phố. Điều này là rất quan trọng bởi hộ khẩu mang tính chất quyết định hơn nơi cư trú, nó liên quan trực tiếp những quyền lợi mà họ được hưởng. Con cái của những người di cư lên thành phố cũng bị phân biệt đối xử, thường bị từ chối khi đăng ký học ở trường công và thậm chí còn gặp nhiều rào cản hơn khi muốn học lên đại học. 

Phân biệt hộ khẩu trầm trọng nhất ở các thành phố cấp 1 - những siêu thành phố được coi là những "cục nam châm" lớn nhất đối với người nhập cư. Ở một số thành phố lớn như Bắc Kinh, người nhập cư thậm chí không được phép mua nhà hay ô tô trừ khi họ đạt đủ các tiêu chuẩn khắt khe được đưa ra. Vì vậy, đi kèm với tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ là sự phát triển của nhóm công dân đô thị "hạng hai". Ngay cả con cháu của họ cũng không có quyền bỏ phiếu ở thành phố. 

Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2010, số dân nhập cư vào các thành phố lớn đã tăng hơn 80%, tạo nên làn sóng khổng lồ, đẩy mức dân cư ở đô thị lên con số 200 triệu. Trung Quốc đã đạt được những thành công đáng kể trong việc kiểm soát các khu phố ổ chuột lan rộng: theo một nghiên cứu của Liên hiệp quốc, số dân sống trong các khu ổ chuột đã giảm hơn 1/4. Bên cạnh đó nhiều khu phố ổ chuột của họ được xây dựng khá văn minh so với nhiều nước phát triển khác nhờ các biện pháp kiểm duyệt chặt chẽ.

Nguy cơ tiềm ẩn

Mặc dù vậy, những người nhập cư phải sống trong điều kiện rất khắc khổ. Hoàn cảnh của họ cũng đáng thương như những khu ổ chuột khác ở các nước đang phát triển như Ấn Độ. Một trong những khu tiêu biểu là ngôi làng Dongxiaokou ở phía bắc Bắc Kinh, nằm ngay cạnh vùng trung tâm của thủ đô. Hàng ngàn người nhập cư sống tại đây, đa số họ đến từ một ngôi lành nghèo khổ thuộc tỉnh Hải Nam. Họ chuyên thu lượm lon thiếc, sắt phế liệu và chai nhựa để bán lại cho nhà máy tái chế.

Tại ngôi làng này, chúng ta có thể chứng kiến cuộc sống đói nghèo được miêu tả trong những câu truyện của Charles Dickens, những ngôi nhà gạch siêu vẹo, rác thải tràn đầy trên các lối đi. Con cái của họ phải đi học tại những ngôi trường tư với lệ phí 4500 nhân dân tệ (725 USD) một năm - tương đương với chi phí ăn ở trong nhiều tuần của những người nhập cư. Hầu hết trong số họ bị từ chối khi đăng ký học ở các trường công lập. Khi những người nhập cư bị ốm nặng, lựa chọn duy nhất của họ là quay về quê bởi trợ cấp y tế của họ không hợp lệ khi dùng ở một thành phố khác (thậm chí năm ngoái sự phân biệt này vẫn tồn tại ở các vùng khác nhau trong tỉnh Hà Nam). Những người nhập cư chỉ được phép có bảo hiểm lao động ở thành phố nếu học có hợp đồng làm việc chính thức, nhưng thậm chí chỉ khoảng 1/5 được hưởng quyền lợi này.

Thảo Phương

huongnt

Economist

Trở lên trên