Ông Putin: TPP kiến tạo sự hợp tác kinh tế khu vực có lợi cho Mỹ
Việc thiếu vắng hai "người chơi" quan trọng là Nga và Trung Quốc (trong tiến trình đàm phán TPP) sẽ không thúc đẩy việc thiết lập hợp tác thương mại và kinh tế một cách hiệu quả.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc trước khi tới Bắc Kinh tham dự Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra trong các ngày 10-11/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng một lý do dễ nhận thấy đằng sau sự đi xuống của giá dầu thô trên toàn cầu là kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, kéo nhu cầu năng lượng giảm theo.
Trong khi đó, dự trữ dầu mỏ, gồm cả dự trữ chiến lược lẫn thương mại, tại các nước phát triển đều ở mức cao nhất từ trước tới nay. Sự đổi mới trong công nghệ khai thác dầu cũng mang lại nguồn cung dầu mỏ mới cho các thị trường khu vực.
Chính trị luôn là một yếu tố tác động tới giá dầu. Thậm chí trong một số giai đoạn khủng hoảng, chính trị chi phối khá mạnh sự biến động của năng lượng. Bên cạnh đó, sự thiếu kết nối trực tiếp hiệu quả giữa các thị trường dầu mỏ giao ngay và các giao thức tài chính nơi hoạt động buôn bán dầu mỏ được thực hiện cùng với các công cụ phái sinh được sử dụng khá tích cực đã tạo môi trường cho các hoạt động đầu cơ. Hệ quả của nó là giá dầu mỏ bị thao túng vì lợi ích của cá nhân nào đó.
Tổng thống Putin cho hay Chính phủ Nga không thể bỏ qua những diễn biến trên thị trường dầu mỏ, do sản xuất nhiên liệu và năng lượng mang lại nguồn thu ngân sách quan trọng cho Xứ xở Bạch dương.
Nga chủ trương đẩy mạnh đa dạng hóa về cấu trúc và nguồn tăng trưởng cũng như giảm sự phụ thuộc quá mức vào thị trường dầu khí châu Âu.
Điều này có được phần nào nhờ sự gia tăng về xuất khẩu dầu và khí đốt sang các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện đang trở thành trung tâm của các hoạt động kinh tế và chính trị toàn cầu.
Tổng thống Putin cũng lưu ý những nguy cơ liên quan đến diễn biến mới trên thị trường dầu mỏ toàn cầu gây ảnh hưởng bất lợi tới các nước và các công ty. Vì lẽ này, Chính phủ Nga ủng hộ đối thoại giữa các nước sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới về vấn đề này.
Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ chủ xướng, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng không dễ để đánh giá những tiến bộ về TPP, bởi sáng kiến này thường được họp kín.
Trong thời gian 5 năm đàm phán TPP, thế giới nhiều lần được thông báo về những thành công đã đạt được, nhưng những tuyên bố này sau đó luôn bị phản bác.
Tổng thống Putin cho rằng TPP là một nỗ lực nữa của Mỹ trong việc kiến tạo sự hợp tác kinh tế khu vực có lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, việc thiếu vắng hai "người chơi" quan trọng là Nga và Trung Quốc (trong tiến trình đàm phán TPP) sẽ không thúc đẩy việc thiết lập hợp tác thương mại và kinh tế một cách hiệu quả.
Theo ông Putin, hệ thống đa phương về quan hệ kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ có thể trở nên mạnh mẽ nếu lợi ích của mọi quốc gia trong khu vực đều được tính tới.
Quan điểm này được phản ánh trong bản dự thảo lộ trình tạo lập Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) mà Bắc Kinh đưa ra.
Bản kế hoạch dự thảo này sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tuần tới./.