MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Patrick Soon-Shiong - Bác sĩ giàu nhất thế giới

20-12-2014 - 16:10 PM | Tài chính quốc tế

Không chỉ là một bác sĩ, Soon-Shiong còn là một doanh nhân với công ty riêng mang tên NantHealth. Vào tháng 9 vừa qua, công ty này được Forbes định giá 7,7 tỷ USD.

Hãy hình dung một buổi khám bệnh tại phòng khám, với các chỉ số huyết áp và nhịp tim được nhập liệu và hiển thị ngay lập tức trên màn hình của bác sĩ. Từ các chỉ số được sàng lọc, các bác sĩ sẽ ngay lập tức đo lường sức khỏe của bệnh nhân trên cơ sở đối chiếu với chỉ số của hàng ngàn bệnh nhân khác, thay vì phương pháp thủ công là so sánh các chỉ số đó với các tiêu chuẩn định sẵn. Dựa trên mẫu máu của bệnh nhân, các bác sĩ có thể làm một phép so sánh đơn giản với cấu trúc gen, và chỉ trong ít phút đưa ra kết luận liệu bệnh nhân đó có đang trong tình trạng bị đe dọa bởi chứng rụng tóc, hay thâm chí bệnh nan y.

Những viễn cảnh trên là phác họa về tương lai y học của Patrick Soon-Shiong, vị bác sĩ giàu nhất thế giới. Trên hết, bác sĩ Soon-Shiong muốn làm một cuộc cách mạng về cách thức y học chuẩn đoán và chữa trị bệnh ung thư.

Khởi sự với đầu tư mạo hiểm

Trước khi trở thành bác sĩ giàu có nhất thế giới, Soon-Shiong đã đưa ra sáng kiến cấy ghép tế bào lợn được bao phủ bởi rong biển vào cơ thể những bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, nhận ra cách điều trị tiềm năng cho bệnh tiểu đường này quá mạo hiểm để theo đuổi, bác sĩ Soon-Shiong quyết định theo đuổi các nghiên cứu về bệnh ung thư. 

Năm 1991, Soon-Shiong phát minh thuốc trị ung thư Abraxane. Là dạng tiêm của thuốc trị ung thư lúc bấy giờ - Taxol (được bào chế từ vỏ cây), mang lớp vỏ bọc protein, Abraxane giúp nhận diện các tế bào ung thư hiệu quả hơn. Thuốc được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh ung thư vú, ung thư phổi và hiện đang được khuyến khích trong chữa trị bệnh ung thư tuyến tụy nhờ một thử nghiệm lâm sàng thuận lợi gần đây. Thuốc Abraxane trở thành thuốc trị ung thư bán chạy hàng đầu và phát minh này đã đem lại cho bác sĩ Soon-Shiong khối tài sản trị giá 13,3 triệu USD. 

Doanh nhân Soon-Shiong 

Không chỉ là một bác sĩ, Soon-Shiong còn là một doanh nhân với công ty riêng mang tên NantHealth. Vào tháng 9 vừa qua, công ty này được Forbes định giá 7,7 tỷ USD và Soon-Shiong đã chính thức thông báo về khả năng bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào đầu năm 2015. 

Bác sĩ Soon-Shiong là tác giả của hệ thống chia sẻ dữ liệu mang tính cách mạng về ung thư. Theo giả thiết, hệ thống này cho phép các bác sĩ và các nhà khoa học chia sẻ thông tin phức hợp về DNA của bênh nhân, từ đó xây dựng các phương thức trị liệu chính xác, riêng biệt cho từng bệnh nhân để đánh bại căn bệnh này.
 
Cho đến nay, phần lớn dự án vẫn còn trong giai đoạn ý tưởng, và một số chuyên gia y tế nói rằng họ vẫn chưa chắc chắn về diện mạo của hệ thống. Tuy nhiên, vào tuần đầu tháng 12 vừa rồi, Soon-Shiong đã tung ra phần mở đầu của sáng kiến này, một trình duyệt di động cho phép các bác sĩ sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để khám phá hệ gen của bệnh nhân. Điều này có ý nghĩa không chỉ với các bệnh nhân ung thư mà còn với tất cả chúng ta. Dựa trên sự đánh giá rằng hầu hết các căn bệnh xuất phát từ sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền và môi trường, cấu trúc gen mang tính chất định vị cho từng cá thể, các nhà khoa học đã xác định những yếu tố có liên quan tới các vấn đề sức khỏe cụ thể.

Kế hoạch tổng thể đánh bại ung thư nhờ data và thiết bị di động

Nói rộng ra, trình duyệt hay ứng dụng di động này là phiên bản thu nhỏ của kế hoạch tổng thể về một hệ thống chăm sóc sức khỏe tích hợp của Soon-Shiong. Việc sử dụng các trình duyệt di động không nhằm mục đích đưa ra chuẩn đoán bệnh trong vài giây mà góp phần giúp các bác sĩ tìm ra các tế bào là căn nguyên của bệnh. Chuẩn đoán được đưa ra sau ít phút thay vì chờ đợi nhiều ngày. Tuy không sáng chế ra phân tích gene trong điều trị ung thư, bác sĩ Soon-Shiong đã đồ họa hóa phương thức này trong hệ thống của mình.

Soon-Shiong cho rằng thách thức lớn nhất trong cuộc chiến với ung thư là sự thiếu hiểu biết về căn bệnh này. Tuy nhiên, ông hy vọng rằng hệ thống băng thông kỹ thuật số hoàn chỉnh có thể đem lại vốn kiến thức này cho con người.

Viễn cảnh điều trị bệnh ung thư được bác sĩ Soon-Shiong mô tả như sau. Bệnh nhân tới khám bệnh tại phòng khám. Thay vì nhập liệu thủ công vào sổ khám chữa bệnh hoặc máy tính, các thông tin của bệnh nhân, từ nhịp tim tới huyết áp sẽ được tự động đưa vào một hệ thống máy tính trung tâm. Sinh thiết khối u, thông thường phải mất hàng tháng để xử lý, sẽ được hoàn tất trong một ngày. Các mẫu máu và DNA của bệnh nhân sẽ được phân tích thông qua cơ sở dữ liệu về hàng ngàn bệnh nhân trên toàn quốc (tất cả thông tin được mã hóa và bảo đảm). Dựa trên những kết quả từ hệ thống, các bác sĩ khuyến cáo một phác đồ điều trị phù hợp với cấu trúc di truyền độc đáo của khối u của bệnh nhân.

Các bác sĩ vẫn có thể theo dõi tình trạng bệnh sau khi bệnh nhân ra viện. Khi ra mắt phiên bản thử nghiệm, Soon-Shiong đã mời các nhà đầu tư tiềm năng tới thăm quan một căn phòng tối, được bao quanh bởi màn hình máy tính, với chức năng của một trung tâm chỉ huy, nơi các bác sĩ tiếp cận và kiểm tra bệnh tình của hàng trăm bệnh nhân từ xa. Một trong các cách tiếp cận bệnh nhân đó là thiết bị GlowCap, tự động phát sáng để nhắc nhở lịch trình trị liệu của bệnh nhân và thông báo cho bác sĩ. Nhờ vậy, bác sĩ không chỉ kê đơn thuốc mà còn theo dõi việc uống thuốc của bệnh nhân.

Các chương trình thí điểm

Trong tháng 1 tới, bác sĩ Soon-Shiong sẽ cho ra đời chương trình thí điểm đầu tiên tại Tổ chức Sức khỏe và Dịch vụ Providence - mạng lưới chăm sóc y tế đã tiếp nhận một bệnh viên tại Los Angeles. Providence có kế hoạch liên kết phần mềm NantHealth và các thí nghiệm di truyền để cung cấp thông tin của hơn 25,000 bệnh nhân ung thư mỗi năm.

Trong thời gian thí điểm, Providence có khả năng được trang bị như phòng khám tương lai trong phác họa của Soon-Shiong, với phần mềm nhập liệu về huyết áp và nhịp tim, hệ thống thử nghiệm di truyền đột phá và các hệ thống theo dõi tình trạng bệnh nhân từ xa.

Liệu hệ thống của bác sĩ Soon cuối cùng có tạo ra phương pháp điều trị ung thư hiệu quả hơn và giúp chúng ta đánh bại căn bệnh đã lấy đi mạng sống của gần 600.000 người Mỹ mỗi năm? Trong khi có lẽ chúng ta vẫn chưa tìm ra câu trả lời, hãy hy vọng vào hệ thống thử nghiệm sẽ ra mắt vào vài tháng tới.

Vân Hằng

huongnt

Business Insider

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên