MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phá vòng kim cô USD (K1): Nỗ lực của Kremlin

20-10-2014 - 14:44 PM | Tài chính quốc tế

Cùng với những căng thẳng ngoại giao và địa chính trị thời gian qua, xu hướng vượt thoát sức ảnh hưởng từ đồng USD của nhiều nước trên thế giới càng mạnh mẽ hơn.

Theo sau những căng thẳng ở Ukraine thời gian gần đây, phương Tây bắt đầu gia tăng cấm vận đối với Nga. Bước đi này đẩy xứ Bạch Dương vào tình thế bị bao vây kinh tế, buộc Kremlin phải vùng vẫy phá bỏ thế kiềm tỏa bằng những nỗ lực ký kết các hợp tác thương mại phi USD.

Giọt nước tràn ly

Đầu năm 2011, nhà đầu tư nổi tiếng thế giới Jim Rogers đã khơi mào một làn sóng tẩy chay USD trên khắp thế giới, khi khẳng định USD đã trở thành sự lựa chọn sai lầm. Nouriel Roubini, nhà kinh tế đoạt giải Nobel, dự báo trong trung hạn USD sẽ mất 15-20% giá trị do thâm hụt ngân sách và nợ công cao. TS. Marc Faber còn mạnh miệng hơn khi dự báo một sự phá giá hoàn toàn của đồng USD chỉ trong vòng 10 năm.

Theo ông, việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) liên tục in thêm tiền cho các chương trình nới lỏng định lượng sẽ khiến USD ngày một mất giá, trong khi các ngân hàng đang cho vay với tổng số tiền lớn hơn GDP nhiều lần. Những cảnh báo từ các nhà chuyên môn đó đã làm dấy lên tâm lý e ngại với USD tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt đối với nhóm các nước đang phát triển BRICS, được cho là đối thủ của nhóm các nước giàu G7.

Vào tháng 9, Iran và Nga đã đồng ý sử dụng các đồng tiền quốc gia trong thương mại song phương. Trước đó, Nga cũng đạt thỏa thuận thanh toán thương mại bằng đồng rúp với CHDCND Triều Tiên hồi tháng 6.

Trong hàng loạt động thái cấm vận nhắm vào Nga thời gian gần đây, biện pháp nặng ký nhất là đề xuất của Anh loại Nga ra khỏi hệ thống giao dịch ngân hàng toàn cầu SWIFT. Điều này chắc chắn sẽ làm gián đoạn hoạt động tài chính và thương mại của Nga, thậm chí có thể làm nền kinh tế nước này trượt dốc trong dài hạn.

Dù Đức đã phản đối đề xuất này vì tính nghiêm trọng của nó, nhưng Moscow cảm thấy lo lắng và phải tính đến những bước đi nếu đề xuất này trong tương lai được thông qua. Hồi tháng 7, Nga đã soạn dự thảo luật cho phép thiết lập một hệ thống giao dịch tương tự SWIFT ở trong nước. Những biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng làm gia tăng thêm tình đoàn kết giữa Moscow và Bắc Kinh.

Việc chuyển sang một hệ thống thanh toán song song cũng đồng nghĩa với việc xa lánh USD. Cho đến nay, USD vẫn là ngoại tệ dự trữ chính của các nước và là đồng tiền duy nhất được chấp nhận trong thị trường xăng dầu, đó là lý do tại sao nó còn được gọi là đô la dầu mỏ. 

Nhưng điều đó có thể thay đổi khi Nga và các cường quốc mới nổi khác đang có kế hoạch tấn công vai trò của USD trong cả thị trường dầu mỏ lẫn các kho dự trữ ngoại tệ. Tuy nhiên, liệu họ có làm được hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Công ty bị ảnh hưởng đe dọa nghiêm trọng là Gazprom. Báo Kommersant cho biết, hồi tháng 9 nhà khổng lồ dầu mỏ của Nga đã bắt đầu vận chuyển dầu từ Bắc Cực đến châu Âu và nhận lại tiền thanh toán bằng đồng rúp. Alexei Miller, người đứng đầu Gazprom, cho biết sẽ chuyển 9/10 hợp đồng của mình từ thanh toán bằng USD sang EUR. Hiện công ty cung cấp tới 30% lượng khí đốt của mình cho châu Âu.

Gazprom cũng sẽ cung cấp dầu thông qua các đường ống Đông Siberia - Thái Bình Dương (ESPO), với phương tiện thanh toán là đồng NDT của Trung Quốc. Cổng thông tin tài chính Zero Hedge nhận xét: “Nga đang tích cực thúc đẩy những kế hoạch đẩy USD ra và thay thế nó bằng hệ thống phi USD, hay một thế giới chống đô la hóa”.

Dẫn lại tin của Tiếng nói nước Nga, Zero Hedge cho biết Bộ trưởng Năng lượng Nga đã sẵn sàng bật đèn xanh cho một kế hoạch gia tăng nhanh chóng vai trò của đồng rúp trong các hoạt động xuất khẩu, đồng thời giảm tỷ trọng các giao dịch bằng USD. Đáng chú ý hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc đã được Moscow và Bắc Kinh ký kết hồi tháng 5. Tiếp đó, Gazprom tuyên bố muốn niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán Singapore.

Tăng cường vai trò nội tệ

Từ tháng 6, tờ Financial Times của Anh ghi nhận những nỗ lực của hàng loạt doanh nghiệp lớn ở Nga khi đẩy mạnh ký kết những hợp đồng thanh toán bằng NDT hoặc các đồng tiền châu Á khác, đồng thời thiết lập những tài khoản ở nhiều nước châu Á. VTB, ngân hàng lớn thứ hai ở Nga, cho biết có kế hoạch gia tăng lượng thanh toán phi đô la.

"Với kim ngạch thương mại song phương lớn với Trung Quốc, chúng tôi đang hợp tác để mở rộng việc thanh toán bằng rúp và NDT” - Chủ tịch VTB Andrey Kostin nói tại một cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cho biết đây là mục tiêu của VTB kể từ tháng 5. Theo đó, VTB đã đat được thỏa thuận với Ngân hàng Trung Quốc (BOC) sẽ thanh toán cho nhau bằng nội tệ của 2 nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng của Kremlin.

Trong bài phát biểu tại cuộc gặp gỡ Nga-Trung hồi tháng 5, Tổng thống Putin từng tiết lộ: “Hợp tác giữa các ngân hàng đang tiến triển và chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng tài chính. Chúng tôi đang làm việc để tăng số lượng các khoản thanh toán bằng các đồng tiền quốc gia và có kế hoạch cho ra đời các công cụ tài chính mới”.

Hồi tháng 9, hãng tin ITAR-TASS cho biết những tài liệu dự thảo về hoán đổi tiền tệ quốc gia giữa Ngân hàng Trung ương Nga (RCB) và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã đạt được nhất trí của các bên. Tuy nhiên, RCB chưa tiết lộ chi tiết về thời gian cũng như tầm mức của thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, chỉ nói rằng còn phụ thuộc vào nhu cầu. RCB cho biết thỏa thuận có vai trò như một công cụ hỗ trợ sự ổn định tài chính quốc tế, cũng như gia tăng thanh khoản trong những tình huống nghiêm trọng.

“Thỏa thuận này sẽ kích thích sự phát triển của thương mại trực tiếp NDT và rúp trên thị trường ngoại hối trong nước của Nga và Trung Quốc” - RCB cho biết. Hiện nay, hơn 75% các khoản thanh toán thương mại Nga-Trung được thực hiện bằng USD, theo báo Rossiyskaya Gazeta.

Ngày 10-10, Trưởng Phòng hợp tác thương mại Nga-Iran Asadollah Asgaroladi cho biết Tehran và Moscow đang nghiên cứu khả năng phá vỡ sự thống trị của các đồng tiền phương Tây trong trao đổi song phương. “Chúng tôi muốn thành lập Ngân hàng hợp tác Nga-Iran với sự giúp đỡ của các ngân hàng trung ương và khu vực tư nhân. Một ngân hàng như vậy sẽ có thể trao đổi tiền tệ giữa hai bên, sử dụng đồng rials và rúp, đồng thời dẹp qua một bên USD, EUR và bảng Anh” - Asgaroladi nói.

Cũng như Nga, Iran phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt đơn phương lên lĩnh vực ngân hàng từ Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu do chương trình năng lượng hạt nhân của Tehran. Chính điều này đã kéo 2 nước xích lại gần nhau hơn trong hợp tác thương mại và kinh tế. Tổng thống Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã tổ chức 4 cuộc họp vào những dịp khác nhau sau khi Tổng thống Iran nhậm chức vào năm 2013.

“Chúng tôi chịu trách nhiệm về sự thịnh vượng của dân tộc. Trước khi có các biện pháp trừng phạt, chúng tôi có 150 tỷ EUR tiền gửi tại các ngân hàng phương Tây. Sau khi bị trừng phạt, chúng tôi chuyển tiền sang các nước khác” - Asgaroladi nói. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Iran Ali Tayyeb-Nia cho biết trước đó nước cộng hòa Hồi giáo này đã giao dịch với một số đối tác bằng tiền tệ quốc gia, đồng thời hoan nghênh kế hoạch thành lập ngân hàng chung với Nga. “Tôi vui mừng vì đất nước ngày càng ít phụ thuộc vào một số ngoại tệ chính, xu hướng này sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong tương lai” - Tổng thống Tayyeb-Nia nói.

Theo Vĩnh Cẩm

huongnt

Sài Gòn đầu tư tài chính

Trở lên trên