Phá vòng kim cô USD (K2): Đe dọa từ Trung Quốc
Bất chấp những nỗ lực của Moscow thời gian gần đây, giới quan sát tin rằng mối đe dọa lớn nhất đối với sự thống trị của đồng USD không phải rúp của Nga, mà là NDT của Trung Quốc.
Chống Hoa Kỳ hóa
Hiện nay, hơn 60% dự trữ ngoại tệ của thế giới là USD. Các quốc gia ngoài Hoa Kỳ dùng USD giao dịch thương mại với nhau, đã làm tăng cầu USD và giữ giá cho đồng tiền màu xanh lá. Những nước xuất khẩu lớn như Ả rập Saudi (dầu mỏ) và Trung Quốc đã thu về lượng lớn tiền mặt USD, sau đó tái đầu tư phần lớn vào các sản phẩm chứng khoán rủi ro thấp nhưng thanh khoản cao.
Tính đến tháng 11-2013, Trung Quốc đã ký thỏa thuận trao đổi tiền tệ với các nước như Đức, Nga, Brazil, Australia, Nhật Bản, Iran, Chile, Ấn Độ, Nam Phi và EU. |
Trong thời gian dài, trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ được xem là lựa chọn tốt nhất. Điều này làm gia tăng mạnh mẽ nhu cầu nợ chính phủ Hoa Kỳ và giữ lãi suất ở mức siêu thấp. Vì vậy, hàng năm một lượng lớn USD được Hoa Kỳ đưa ra nước ngoài, sau đó Bộ Tài chính nước này vay lại với lãi suất thấp. Trong nhiều thập niên, Hoa Kỳ đã hưởng lợi nhờ hàng ngàn tỷ USD tín dụng miễn phí do vai trò ngoại tệ dự trữ toàn cầu mặc định của USD.
Nhưng với những yếu kém ngày càng lộ rõ trong hệ thống tài chính Hoa Kỳ, chẳng hạn nguy cơ vỡ nợ hồi cuối năm 2013, đã khiến nhiều nước lo sợ cho kho tiền dự trữ của mình. Tháng 11-2013, hãng Tân Hoa Xã đưa tin Trung Quốc đã kêu gọi một thế giới “chống Hoa Kỳ hóa”. Bắc Kinh cũng kêu gọi thiết lập một loại tiền tệ dự trữ mới để thay thế vai trò thống trị của USD.
Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng rất lớn trong thương mại toàn cầu, hơn cả Hoa Kỳ. Tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu số 1 thế giới, thậm chí nhập khẩu dầu mỏ từ Ả rập Saudi nhiều hơn Hoa Kỳ. Trung Quốc hiện nắm trong tay nhiều quyền lực kinh tế toàn cầu và muốn phần còn lại của thế giới ít dùng USD và tăng sử dụng NDT.
Một bài báo trên tờ Vancouver Sun (Canada) viết: “3 năm sau khi Trung Quốc cho phép NDT được giao dịch ở các thị trường nước ngoài của Hồng Công, các ngân hàng và nhà đầu tư toàn cầu đều muốn tham gia vào làn sóng mà Nomura Holdings Inc gọi là cuộc cách mạng lớn nhất trong thị trường tiền tệ 5.300 tỷ USD, kể từ khi đồng EUR ra đời vào năm 1999. Và trong vài năm qua, chúng ta chứng kiến NDT được sử dụng ngày càng nhiều trên thế giới.
Tầm ảnh hưởng của NDT ngày càng tăng trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa các thị trường vốn. Trong 3 quý đầu năm 2013, khoảng 17% thương mại toàn cầu của Trung Quốc đã được thanh toán bằng NDT, mức tăng vượt bậc so với chưa tới 1% năm 2009”.
Thiết lập tiền đồn
Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục ký kết các thỏa thuận trao đổi tiền tệ với các nước khác. Trong năm ngoái, Bắc Kinh ký với Ngân hàng Trung ương châu Âu một thỏa thuận tiền tệ, cho phép nhiều hoạt động thương mại và đầu tư giữa 2 bên được thanh toán bằng NDT hoặc EUR, không cần chuyển đổi sang các đồng tiền khác như USD hay yen Nhật.
Từ đầu tháng này, Trung Quốc bắt đầu giao dịch trực tiếp bằng NDT hoặc EUR. Như vậy, EUR trở thành ngoại tệ thứ 6 được hoán đổi trực tiếp với NDT ở Thượng Hải, sau USD, đôla Australia và New Zealand, bảng Anh và yen Nhật. Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), thỏa thuận sẽ giảm chi phí chuyển tiền, từ đó giúp NDT và EUR hấp dẫn hơn trong thương mại và đầu tư song phương.
HSBC Holdings Plc cho biết đã nhận được giấy phép trở thành một trong những nhà tạo lập thị trường đầu tiên khi EUR và NDT được hoán đổi trực tiếp. Thương mại giữa Trung Quốc và EU đã tăng 12% lên 404 tỷ USD trong 8 tháng năm 2014, so với 354 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Các công ty Pháp và Đức đi đầu trong việc sử dụng NDT ở bên ngoài Trung Quốc, theo báo cáo của HSBC dựa trên một cuộc khảo sát 1.304 doanh nghiệp tại 11 nền kinh tế lớn có quan hệ với Trung Quốc. Theo đó, 26% doanh nghiệp Pháp và 23% công ty Đức đã sử dụng NDT để thanh toán thương mại, tỷ lệ cao nhất ngoài Trung Quốc đại lục, Hồng Công và Đài Loan.
Cuối tháng 3, Bloomberg đưa tin Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) và PBOC đồng ý hợp tác trong việc giải quyết thanh toán bù trừ và thanh toán bằng NDT, mở đường cho Frankfurt trở thành tiền đồn của NDT ở châu Âu. Ngân hàng Trung ương 2 nước đã ký biên bản ghi nhớ tại Berlin hôm 29-3, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Thành phố Frankfurt của Đức đã chiếm ưu thế so với Paris và Luxembourg trong cuộc đua ở khu vực đồng EUR để trở thành trung tâm giao dịch NDT bên ngoài Trung Quốc. Theo Hiệp hội Tài chính Viễn thông Liên ngân hàng Toàn thế giới (SWIFT), tính đến tháng 10-2013, NDT đã vượt qua EUR để trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ hai trong giao dịch tài chính toàn cầu. Deutsche Boerse AG, đơn vị điều hành hoạt động của Sàn Giao dịch chứng khoán Frankfurt, cũng đã ký thỏa thuận với Ngân hàng Trung Quốc (BOC) về việc mở rộng quan hệ đối tác.
Theo đó sẽ giúp các tổ chức phát hành Trung Quốc và các nhà đầu tư châu Á dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường vốn châu Âu, bao gồm niêm yết cổ phiếu. Các công ty Đức như Siemens AG, công ty công nghệ lớn nhất đất nước, và Volkswagen AG đang dùng NDT như một loại tiền tệ thứ ba (ngoài EUR và USD) cho các giao dịch thương mại xuyên biên giới.
Tại Anh, ngày 31-3, Ngân hàng Trung ương Anh đã ký bản ghi nhớ với PBOC về việc biến London thành một trung tâm giao dịch NDT, trong đó có các thỏa thuận thanh toán và thanh toán bù trừ đối với NDT ở London. Việc ký kết thỏa thuận chính thức dự kiến sẽ tiến hành sau khi một ngân hàng được chỉ định thanh toán bù trừ cho NDT ở London. Hiện có tới 62% thanh toán NDT bên ngoài Trung Quốc diễn ra ở London.
Trước đó, năm 2012, Vương quốc Anh và PBOC đã ký một thỏa thuận 3 năm về hoán đổi tiền tệ, trị giá 200 tỷ NDT, cho phép họ trao đổi tiền tệ và các công ty có thể thanh toán thương mại bằng nội tệ thay vì USD. Tổng công ty Tài chính Quốc tế (IFC), cánh tay trong khu vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới (WB), đầu năm nay đã phát hành trái phiếu 1 tỷ NDT ở London. Đây là lần đầu tiên trái phiếu NDT được phát hành bởi một tổ chức tài chính quốc tế. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho biết: “Kết nối Anh đến những vùng phát triển nhanh nhất thế giới như Trung Quốc là trọng tâm trong kế hoạch kinh tế của chúng tôi”.
Mạng lưới tiền đồn của NDT còn vươn xa tận Bắc Mỹ. Hồi tháng 2, tờ Globe and Mail cho biết 2 thành phố lớn của Canada là Toronto và Vancouver đang ganh đua để trở thành trung tâm giao dịch NDT ở Bắc Mỹ. Cho đến thời điểm đó, chưa có thành phố nào ở Bắc hay Nam Mỹ là trung tâm giao dịch chính của NDT.
Cả Toronto và Vancouver đều có lợi thế nằm trong khu vực có cùng múi giờ với lượng lớn các công ty làm ăn với Trung Quốc, từ các nhà bán lẻ Hoa Kỳ cho đến các công ty khai khoáng ở Chile. Toronto có ưu thế đang là trung tâm tài chính lớn của Canada, trong khi Vancouver vượt trội về khối lượng giao dịch tài chính thương mại và có một lượng lớn cư dân nói tiếng Trung Quốc. Thành phố này cũng tung ra một chương trình miễn trừ kinh doanh ngoại hối ra khỏi các khoản thuế địa phương.
Tuy nhiên, 2 thành phố này đang bị một thành phố khác ở Hoa Kỳ cạnh tranh, đó là San Francisco. Tờ San Francisco Chronicle cho biết San Francisco cũng đang cạnh tranh để trở thành một trung tâm giao dịch NDT ở Bắc Mỹ. Giới quan sát cho rằng tiềm năng lợi ích to lớn từ hoạt động giao dịch NDT đã khiến San Francisco sẵn sàng “phản bội” nội tệ USD.
Theo Vĩnh Cẩm