Pháp trở thành trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ tại châu Âu?
Pháp đã sẵn sàng thực hiện các giao dịch với Trung Quốc chủ yếu bằng đồng nhân dân tệ.
- 14-02-2013Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài: Tìm hướng đi cho dòng chảy mới
- 21-11-2013“PBOC sẽ chấm dứt can thiệp thông thường vào đồng nhân dân tệ”
- 21-10-2013Chọn USD hay nhân dân tệ?
- 25-07-2013Nhân dân tệ phải “hóa rồng”
- 11-03-2013Mỹ không còn sợ đồng nhân dân tệ?
Phát biểu tại cuộc Đối thoại Kinh tế cấp cao Trung Quốc-Pháp lần đầu tiên diễn ra ngày 26/11 tại thủ đô Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici tuyên bố Paris có thể cạnh tranh được với thủ đô London của Anh để trở thành một trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ tại châu Âu.
(Xem thêm: Trung Quốc nỗ lực quốc tế hóa nhân dân tệ)
Bộ trưởng Moscovici nhấn mạnh vai trò của Pháp trong việc đưa đồng nhân dân tệ trở thành một đồng tiền được sử dụng rộng rãi trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh "chúng ta sẽ được chứng kiến một số tiến triển theo hướng này trong những tuần và tháng tới thông qua việc ký kết một số thỏa thuận hợp tác."
Theo ông Moscovici, Pháp đã sẵn sàng thực hiện các giao dịch với Trung Quốc chủ yếu bằng đồng nhân dân tệ.
Về phần mình, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu khẳng định Bắc Kinh có quan điểm mở về vấn đề quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư tại Pháp và tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt mức 50 tỷ USD, trong đó khoảng 20% được giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.
Hồi tháng trước, Anh và Trung Quốc cũng đã ký một thỏa thuận cho phép các thể chế tài chính có trụ sở ở London đầu tư trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ.
Hiện London, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore cũng đang ganh đua để trở thành các trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ.
Đối thoại Kinh tế cấp cao Trung Quốc-Pháp thảo luận về các vấn đề quản trị toàn cầu, hợp tác trong lĩnh vực thuế quan và tài chính, thương mại và đầu tư.
Paris hối thúc Bắc Kinh tăng đầu tư vào nền kinh tế Pháp, đồng thời kêu gọi doanh nhân hai nước đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực từ điện hạt nhân, hàng không, y tế đến nông nghiệp. Hai nước đã ký một thỏa thuận về tránh đánh thuế hai lần và ngăn chặn trốn thuế./.