MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phe đối lập Thái Lan bị phong tỏa tài khoản ngân hàng

21-12-2013 - 15:07 PM | Tài chính quốc tế

Thái Lan cũng đề nghị 30 ngân hàng tại Thái Lan gửi chi tiết giao dịch của 18 tài khoản trên để có thể tìm ra các nguồn hỗ trợ tài chính cho biểu tình trong 6 tháng qua.

Hôm 19/12, Cục Điều tra các vụ án đặc biệt Thái Lan (DSI) đã ra lệnh phong tỏa tài khoản ngân hàng của thủ lĩnh biểu tình, Bí thư Đảng Dân chủ Suthep Thaugsuban cùng 17 thành viên chủ chốt khác thuộc Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC), đồng thời đề nghị 30 ngân hàng tại Thái Lan gửi chi tiết giao dịch của 18 tài khoản trên để có thể tìm ra các nguồn hỗ trợ tài chính cho biểu tình trong 6 tháng qua.

Ngoài ra, DSI cũng triệu tập 18 vị lãnh đạo PDRC tới trụ sở DSI vào ngày 26 và 27/12 để thông báo các biện pháp trừng phạt đối với hành vi kích động bạo loạn và khẳng định họ sẽ bị bắt nếu không hiện diện.

Trong 2 ngày 19 và 20/12, theo lời kêu gọi mà ông Suthep Thaugsuban đưa ra hôm 17/12, khoảng 2.500 người, ít hơn hẳn so với hồi đầu tháng, với các biểu ngữ như "Phải tiến hành cải cách trước khi bầu cử" hay "Chúng tôi chống tham nhũng", đã tổ chức tuần hành trên các tuyến phố chính ở trung tâm thủ đô Bangkok. 

Vị thủ lĩnh biểu tình vẫn khăng khăng yêu cầu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra phải từ chức vào ngày 22/12, khi ông tổ chức một cuộc tuần hành với quy mô lớn, nhưng lần này, ông “nhẹ nhàng” hơn khi nói: "Chúng tôi sẽ buộc bà Yingluck phải ra đi vào ngày 22/12...", chứ không thấy đề cập đến những tuyên bố cứng rắn trước đây như "cuộc đọ sức cuối cùng" hay "sống hay chết, chúng ta sẽ biết vào ngày 9/12", hay nếu phe biểu tình thua, ông sẽ "từ bỏ và đầu hàng cảnh sát".

Trước đó, ngày 18/12, ông Surapong Tohvichakchaikul - Giám đốc Trung tâm hành chính vì hòa bình và trật tự của Thái Lan cho biết, 50 quốc gia trên thế giới bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng ở đất nước Chùa Vàng và mong muốn các bên kiềm chế, giải quyết mọi việc thông qua đàm phán theo cơ chế dân chủ và tuân thủ hiến pháp. 

Đó có lẽ là nguyên cớ chính khiến người biểu tình trong đợt tuần hành này phát tán thư mở công kích chính quyền và báo chí phương Tây vì cho rằng, họ đã “hoàn toàn sai lầm” và “không hiểu gì” về tình hình chính trị Thái Lan. Thêm vào đó, họ còn dựng một cột cờ treo quốc kỳ Thái Lan để gửi thông điệp nhấn mạnh rằng, đó là chuyện nội bộ của nước Thái.

Nghiêm trọng hơn, khoảng 500 người thuộc tổ chức Mạng lưới sinh viên và nhân dân vì sự cải cách của Thái Lan (NSPRT) đã tập trung trước Đại sứ quán Mỹ và lớn tiếng phản đối chính sách ủng hộ bầu cử của Washington do Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo trước đó; đồng thời họ yêu cầu bà Kristie Kenney, Đại sứ Mỹ, tiếp nhận những lý lẽ giải thích cho việc nên lật đổ thủ tướng và thúc đẩy cải tổ trước khi tổ chức bầu cử mà họ đưa ra.

Trong một diễn biến khác, ngày 19/12, phát ngôn viên của Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC), Ủy viên Somchai Srisuthiyakorn kêu gọi Chính phủ Thái Lan và phe biểu tình cùng ngồi vào bàn đàm phán để cùng thảo luận về cuộc bầu cử hôm 2/2/2014. Ông cũng cho biết, EC đã lên kế hoạch đăng ký ứng cử viên theo danh sách đảng và theo khu vực. Về phía đảng Pheu Thai của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra, họ tuyên bố đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử và mục tiêu là dành chiến thắng áp đảo với 500 ứng cử viên theo danh sách đảng và 400 theo khu vực.

Trong khi đó thì đảng Dân chủ vẫn “im hơi lặng tiếng”, chưa có bất cứ biểu hiện nào cho thấy sẽ tham gia bầu cử mặc dù trước đó, ngày 17/12, ông Abhisits Vejjajiva đã được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch trong cuộc họp thường niên của đảng này. Tuy vậy, theo nhận định của vị Ủy viên được đăng trên Nhật báo Bangkok Post, mặc dù EC đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử và sẽ tổ chức nếu các chính đảng kiên quyết xúc tiến, nhưng có vẻ đó vẫn chưa là thời điểm thích hợp vì người biểu tình đã tuyên bố sẽ cản trở sự kiện này và động thái “kiên quyết” tổ chức bầu cử sẽ thổi bùng lên “lò lửa biểu tình” đang dần tắt. Xuất phát từ nhận định này, EC đã đề xuất thay đổi thời điểm bầu cử.

Tựu chung lại, xét qua tình hình diễn ra trong những ngày gần đây tại đất nước Chùa Vàng, mặc dù tình trạng biểu tình vẫn còn nhưng đã manh nha xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang rất gần với chiến thắng. 

Trước tiên là sự ủng hộ của phía quân đội và cộng đồng quốc tế cho việc “giải quyết bế tắc chính trị theo đường lối hòa bình”; tiếp đó là lượng người biểu tình đã giảm đi đáng kể so với con số 160.000 hồi đầu tháng và cuối cùng là sự kiện DSI phong tỏa “kho quân lương” của phe biểu tình, đồng thời đưa ra cảnh báo những cá nhân, tổ chức, đơn vị vẫn tiếp tục hỗ trợ về mặt tài chính cho cuộc biểu tình sẽ bị buộc tội tiếp tay cho bạo loạn. Tuy nhiên, cũng cần chờ qua ngày 22/12 để xem cuộc “tuần hành quy mô lớn” do thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban phát động có giúp vị cựu Phó Thủ tướng đạt được những yêu cầu do ông đặt ra hay không?

Theo Hà Khổng

huongnt

Công an Nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên