Phố Wall lao dốc vì Hy Lạp và số liệu kinh tế trái chiều
Tất cả 10 nhóm chính của chỉ số S&P 500 đều giảm điểm và có tới 8 nhóm giảm hơn 1%.
Chung xu thế với chứng khoán toàn cầu, chỉ số S&P 500 đã có phiên giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng trong bối cảnh các số liệu trái chiều làm tăng hoài nghi về tăng trưởng của kinh tế Mỹ và dự đoán Hy Lạp không thể giải quyết khủng hoảng nợ.
Kết thúc phiên hôm qua (5/5), chỉ số S&P 500 giảm 1,2%, xuống còn 2.089,46 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,6% trong khi chỉ số Russell 2000 mất 1,4%. Tổng cộng có khoảng 7,2 tỷ cổ phiếu được giao dịch trong phiên, cao hơn 10% so với mức trung bình 3 tháng.
Tất cả 10 nhóm chính của chỉ số S&P 500 đều giảm điểm và có tới 8 nhóm giảm hơn 1%.
Cổ phiếu của Apple giảm 2,3%, trong khi cổ phiếu của các công ty sản xuất chip bán dẫn giảm 2,2% và dẫn đầu đà bán tháo của các công ty công nghệ. Chỉ số Nasdaq Biotechnology Index gồm các công ty công nghệ sinh học giảm 2% vì các cổ phiếu y tế sụt giảm.
Nỗi lo ngày càng tăng lên về việc liệu Hy Lạp có thể hoàn thành nghĩa vụ trả khoản nợ 1,1 tỷ USD cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trước ngày 12/5 hay không. Chứng khoán châu Âu sụt giảm mạnh với chỉ số Stoxx Europe 600 giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm.
Trong khi đó, ở Mỹ báo cáo được công bố hôm qua cho thấy thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 3 ở mức cao nhất trong hơn 6 năm do nhập khẩu tăng vọt lên mức kỷ lục. Một phần nguyên nhân là do các cảng ở bờ Tây đã hoạt động trở lại sau đợt đình công, nhưng điều này cũng cho thấy diễn biến của kinh tế Mỹ trong quý I chỉ mang tính chất tạm thời chứ không phải xu hướng.
Một báo cáo khác cho thấy ngành dịch vụ của Mỹ bất ngờ tăng tốc trong tháng 4.
Tú Anh