MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý quỹ ETF như thế nào?

09-12-2014 - 20:32 PM | Tài chính quốc tế

Kể từ khi ra đời năm 1993, quỹ ETF đã phát triển mạnh mẽ thành các loại hình phức tạp hơn. Tuy nhiên,đi kèm với đó cũng là rủi ro tăng lên.

Quỹ hoán đổi danh mục (Exchange-traded fund – ETF) là loại hình quỹ đầu tư được sáng tạo dành riêng cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Giống như quỹ chỉ số, các ETF không nhằm mục đích tạo ra mức lợi suất vượt trội mà để phản ánh diễn biến của một nhóm các cổ phiếu. 

Quỹ ETF đầu tiên được thành lập năm 1993 và theo dõi chỉ số S&P 500. Đây là cách đơn giản để các nhà đầu tư nhỏ lẻ giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư. Các quỹ ETF cũng có mức phí thấp hơn các quỹ tương hỗ trong khi bị đánh thuế thấp hơn quỹ đầu tư chỉ số và việc mua bán cũng nhanh chóng hơn. Các lợi thế này giúp ETF trở thành sản phẩm phát triển nhanh nhất trong các loại quỹ ở Mỹ với tổng tài sản hiện đã lên tới con số 2.000 tỷ USD. 

Các quỹ tương hỗ cho phép nhà đầu tư nhỏ lẻ góp vốn và hưởng lợi từ sự chuyên nghiệp của các chuyên gia quản lý tiền tệ chuyên nghiệp. Trong khi đó, các quỹ chỉ số và quỹ ETF truyền thống tiếp cận theo cách khác. Thay vì thuê những nhà quản lý chủ động mua vào và bán ra cổ phiếu, họ tìm cách mô phỏng diễn biến của một rổ cổ phiếu. Do đó, không có gì khó hiểu khi ETF là một sản phẩm rất linh hoạt. Nếu các nhà đầu tư nhỏ lẻ nghiệp dư muốn đầu tư vào cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ hay cổ phiếu của thị trường mới nổi, họ có thể dễ dàng thực hiện ước muốn mà không phải lựa chọn một công ty cụ thể.
 
Tuy nhiên, đi kèm với đà phát triển mạnh mẽ là xu hướng trở nên phức tạp hơn. Ngày nay có hàng ngàn loại quỹ ETF phù hợp với nhiều loại nhà đầu tư, từ các nhà đầu tư định chế cho tới những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Ngày càng có nhiều quỹ ETF sử dụng quyền chọn và tăng đi vay nhằm đánh bại thị trường. Đó chính là lý do khiến các nhà quản lý lo ngại và tự hỏi liệu có nên kiểm soát chặt hơn các mô hình “độc hại” nhằm tránh gây tổn thất cho nhà đầu tư cũng như thị trường.


Bối cảnh

Các quan chức từ Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban ổn định tài chính toàn cầu (FSB) đều bày tỏ nỗi lo ngại về việc các nhà đầu tư không lường hết được những rủi ro mà họ phải đối mặt khi đầu tư vào các quỹ ETF đã biến hóa nhiều so với truyền thống. 

Đặc biệt, loại hình ETF gây nhiều lo ngại nhất là các quỹ theo dõi những tài sản mang lại thu nhập cố định như quỹ trái phiếu (loại quỹ này đã tăng quy mô từ 57 tỷ USD vào cuối năm 2008 lên 294 tỷ USD). Thị trường trái phiếu được dự đoán sẽ gặp nhiều rắc rối khi Fed bắt đầu nâng lãi suất một khi nền kinh tế phục hồi. 

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm mang lại thu nhập cố định không được giao dịch trên sàn và giao dịch phải mất nhiều ngày (thậm chí là hàng tuần) để hoàn thành. Các nhà quản lý lo ngại rằng khi thị trường giảm điểm, nhà đầu tư khó có thể rút tiền khỏi các quỹ ETF loại này bởi các quỹ không thể nhanh chóng bán tài sản gốc để đáp ứng nhu cầu rút vốn của khách hàng. 

SEC cũng đang điều tra liệu các quỹ ETF có định giá chính xác các loại tài sản hay không. Quỹ đầu tư trái phiếu “nổi đình nổi đám” Pimco của tỷ phú Bill Gross đã bị nghi ngờ không đưa ra mức giá đúng đắn cho các loại trái phiếu mà quỹ này mua vào.

Tranh cãi 

Các quỹ ETF lớn nhất vẫn là những quỹ plain-vanilla (tức là chỉ mua bán tài sản đơn thuần) giống như quỹ theo dõi chỉ số S&P 500. Các loại phức tạp hơn sẽ mang đến rủi ro lớn đến đâu? Larry Fink, Chủ tịch của công ty quản lý quỹ BlackRock, đã kịch liệt chỉ trích các quỹ ETF sử dụng các hợp đồng hoán đổi và hợp đồng phái sinh, cho rằng các loại quỹ này sẽ “thổi bay” thị trường. Carolyn Wilkins, đại diện của NHTW Canada tại FSB, thì cho rằng các nhà đầu tư rót tiền vào quỹ ETF trái phiếu có thể bị lừa bởi “ảo giác thanh khoản”.

Trong khi đó, The Investment Company Institute, hiệp hội thương mại dành cho các quỹ đầu tư, cho rằng sẽ không có chuyện mất thanh khoản vì việc mua bán không ảnh hưởng đến tài khoản gốc. Một số người khác, trong đó có Fink, cho rằng vì các quỹ ETF chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường trái phiếu Mỹ có trị giá lên tới 38.000 tỷ USD, thị trường chỉ bị ảnh hưởng chút ít. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên