“Saudi Arabia quyết đấu đến cùng, dầu sẽ chạm mốc 20 USD/thùng trong năm nay”
Những “nỗi đau” mà Saudi Arabia đang trải qua sẽ không thể khiến nước này cắt giảm nguồn cung.
- 20-01-2016Nga sẽ bất ngờ trở thành "vị cứu tinh" cho giá dầu?
- 20-01-2016Giá dầu giảm sâu, các hãng hàng không Nhật đồng loạt hạ giá vé máy bay
- 18-01-2016Giá dầu xuống đáy, Nga đối diện nguy cơ "thủng" ngân sách
Giá dầu đã giảm hơn 70% kể từ mùa hè 2014. Phiên hôm qua (20/1), có lúc giá “vàng đen” chỉ còn 26,40 USD/thùng.
Tuy nhiên, theo Nariman Behravesh – chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu IHS Insight, những điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới.
Trao đổi với Business Insider bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), chuyên gia này nhận định sẽ là có lý nếu cho rằng giá dầu có thể chạm mốc 20 USD/thùng trong năm 2016. Dẫu vậy ông cũng cho rằng đó sẽ chỉ là mức giá tạm thời vì như vậy rất nhiều công ty khai thác bị lỗ và sẽ phải ngừng hoạt động, giúp giải quyết tình trạng dư cung hiện nay.
Nariman Behravesh nói Saudi Arabia có trách nhiệm trong việc tự gây tổn thương cho nền kinh tế nước này bởi họ đã sản xuất quá nhiều dầu đến nỗi có thể điều chỉnh giá trên thị trường theo số lượng dầu mà họ tung ra.
Toàn bộ nền kinh tế Saudi Arabia đang bị tổn hại nghiêm trọng. Năm 2015, nước này ghi nhận thâm hụt ngân sách lên tới 98 tỷ USD mà nguyên nhân lớn nhất chính là do giá dầu ở mức quá thấp.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Behravesh dự báo những “nỗi đau” mà Saudi Arabia đang trải qua sẽ không thể khiến nước này cắt giảm nguồn cung. “Dù ngân sách đang phải chịu nhiều áp lực, Saudi vẫn còn dự trữ ngoại hối dồi dào đủ dùng trong ít nhất 1 đến 2 năm nữa”.
“Nhóm được lợi ở đây chính là người tiêu dùng ở các nước phát triển và cả ở thị trường mới nổi, ví dụ như Ấn Độ. Còn kẻ thua cuộc là các nước sản xuất dầu với chi phí cao như Nga và Venezuela”, ông nói.
Khoảng 2.500 người từ hơn 100 quốc gia đang có mặt tại Davos để tham dự diễn đàn. Đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc được các đại biểu đánh giá là một trong những rủi ro chính đang đe dọa kinh tế thế giới.
Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Behravesh cho rằng lý do thực sự khiến Trung Quốc gặp phải những rắc rối trong thời gian vừa qua là bong bóng vỡ trên TTCK và những phản ứng có phần khó hiểu của Chính phủ nước này, đặc biệt là đối với nhân dân tệ. Những yếu tố này khiến thị trường hoảng loạn, xói mòn niềm tin của nhà đầu tư vào các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.
“Trung Quốc chưa tiếp cận nhiều với thị trường tài chính quốc tế. Các mối liên kết tài chính giữa Trung Quốc và thế giới khá lỏng lẻo, đồng thời Mỹ và EU cũng không xuất khẩu quá nhiều sang Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thể ổn định lại thị trường tài chính, thị trường toàn cầu sẽ bình tĩnh trở lại”.
Vậy thì đâu là rủi ro lớn nhất trong năm nay? Chuyên gia này cho rằng đó là “căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia leo thang”. Nếu mối xung đột này gia tăng, thị trường dầu mỏ sẽ gặp rắc rối lớn.