MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Sợi dây vô hình” trong loạt tấn công khủng bố ở Pháp và Mali

24-11-2015 - 19:59 PM | Tài chính quốc tế

Ngày 20/11 vừa qua, người dân ở đất nước Mali nhỏ bé, vốn chưa kịp “hoàn hồn” sau cuộc đảo chính quân sự năm 2012, lại một lần nữa trở thành nạn nhân của một vụ khủng bố đẫm máu.

Tại sao các chiến binh Hồi giáo lại tấn công Mali khi mà chúng đang tăng cường hoạt động chống lại Nga và phương Tây. Các địa điểm được lựa chọn để tiến hành các cuộc tấn công đều nằm trong kế hoạch được  tính toán kỹ lưỡng hay chỉ mang tính ngẫu nhiên? Nhà chính trị học Alexander Perendzhiev đã đi tìm câu trả lời cho những băn khoăn này.

Khép kín vành đai khủng bố ở châu Phi

Ngày 20/11 vừa qua, người dân ở đất nước Mali nhỏ bé, vốn chưa kịp “hoàn hồn” sau cuộc đảo chính quân sự năm 2012, lại một lần nữa trở thành nạn nhân của một vụ khủng bố đẫm máu.

Một nhóm khủng bố đã đột nhập khách sạn Radisson Blu ở thủ đô Bamako và bắt giữ 170 người, là công dân của 14 quốc gia khác nhau (bao gồm cả Nga và Mỹ) làm con tin. Những con tin có thể đọc được một số đoạn trong kinh Koran đã được thả tự do.

Những người khác được giải cứu trong các cuộc đột kích của lực lượng an ninh chính phủ, đặc nhiệm Pháp và Liên hợp quốc nhưng vẫn có 27 người thiệt mạng.

Nhóm khủng bố Al-Murabitun nhận trách nhiệm vụ tấn công này. Đây là nhóm khủng bố hoạt động ở một số quốc gia Bắc Phi và thề sẽ trung thành với tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” IS tự xưng.

Mali là một nước có 90% dân số là người Hồi giáo. Phía Đông Bắc của nước Cộng hòa này nằm dưới quyền kiểm soát của nhóm Hồi giáo cực đoan Ansar al-Din liên kết với 1 nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Tổ chức này đã tuyên bố thành lập nhà nước ly khai độc lập Azawad không được Chính phủ Mali công nhận. Sau khi bị mất quyền kiểm soát lãnh thổ do Pháp mở Chiến dịch Serval hậu thuẫn quân đội chống các tay súng Hồi giáo, Ansar al-Din và Al-Qaeda tuyên bố quyền tự trị tại khu vực này.

Mali là nước xuất khẩu bông lớn nhất trong khu vực và sở hữu một trong những mỏ vàng hàng đầu thế giới.

Lý do khiến các tay súng Hồi giáo tấn công vào quốc gia châu Phi này vẫn còn là một bí ẩn. Trước đó, chúng đánh bom máy bay A321 chở khách du lịch Nga từ Ai Cập đến St. Petersburg làm 224 người thiệt mạng, rồi tấn công Paris – trái tim của nước Pháp.

Nhà chính trị học Alexander Perendzhiev cho rằng các hành động liên tiếp này của IS không phải là ngẫu nhiên mà chúng đều mang tính logic.

“Ở đây tồn tại 1 chiến lược quân sự nào đó. Đầu tiên, Mali, theo tôi nhớ đã từng là thuộc địa của người Pháp. Tiếp đến là một loạt sự kiện như, các cuộc tấn công khủng bố ở những quốc gia châu Phi láng giềng như Ai Cập, Libya, Tunisia, Algeria.

Mali, Chad, Niger và Sudan giống như vành đai thứ 2 của IS. Ở Sudan, Chad và Niger đều xuất hiện hoạt động của các nhóm khủng bố ủng hộ tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” IS.

Câu hỏi đặt ra ở đây là có phải quân khủng bố đang tìm cách khép kín vành đai này?”, ông Alexander Perendzhiev nghi ngờ.

Tôi có thể đưa ra giả thuyết sau: một trong những chi nhánh khủng bố cần phải phô trương hoạt động của mình. Và chúng đã cho thấy sự tồn tại của mình bằng cảnh máu đổ. Qua đó có thể thấy rõ rằng, một chi nhánh mới của IS đã được thành lập và vành đai tiếp tục được khép kín”, - ông Perendzhiev nhận định.

Những động cơ ngầm về kinh tế

Theo quan điểm của ông Perendzhiev, các cuộc tấn công khủng bố của IS hoàn toàn có động cơ kinh tế ngầm.

Ảnh mang tính chất minh họa.

Ông Perendzhiev đưa ra giả thuyết: “Một hành động khủng bố chính là phương pháp tác động để cá nhân hoặc tổ chức nào đó phải trả một số tiền nhất định, chuyển giao quyền sở hữu, ký kết giao ước hoặc thỏa thuận nhất định”.

Cần nhấn mạnh là ở Mali có các chi nhánh công ty lớn của Pháp. Như vậy đây không chỉ là cuộc chiến chống lại Pháp với tư cách là 1 quốc gia mà chống lại cả dân tộc Pháp. Nó buộc người Pháp phải chi trả khoản tiền lớn, không phải hàng triệu USD mà là cả dự án kinh tế toàn cầu người Pháp chưa thực hiện xong. Tôi sẽ không nêu ra ví dụ so sánh ở đây, nhưng tôi nhớ lại một sự kiện – thương vụ tàu Mistral – nó có vẻ tương tự vụ này. Ai Cập đã mua Mistral trong tình trạng thiếu tiền và có 1 bên giấu mặt đứng ra tài trợ. Cần phải tìm câu trả lời trong các hoạt động kinh tế ngầm đó. Chính những doanh nghiệp lớn của Pháp đã bị cuốn vào hoạt động này”.

Vì một số khu vực của Mali ở trong tình trạng không ổn định và bị người Hồi giáo chiếm giữ, nên có thể dự đoán, các hành động của IS mang tính chất đe dọa và xâm chiếm. Khi đất nước chìm trong bất ổn, thì con người rất dễ bị sai khiến.

“Nếu mục đích là giành chính quyền thì đây là phương pháp kém hiệu quả nhất. Vụ khủng bố chủ yếu gây kích động, sợ hãi và tấn công vào người nước ngoài. Vấn đề ở đây là bọn khủng bố chỉ tấn công người nước ngoài, có lẽ là chúng định đánh vào người Pháp trong số đó. Mục đích về kinh tế cũng có khả năng lớn. Bọn khủng bố như những tên găngxtơ thực hiện theo đơn đặt hàng. Đôi khi chính chúng cũng không biết mục đích khủng bố là gì. Chúng đơn giản là được chỉ dẫn cụ thể và gửi tới nơi hành động. Có những tên là người thực hiện, có những kẻ đứng ra tổ chức, và có cả những kẻ “đặt hàng khủng bố.” Đó là toàn bộ chuỗi mắt xích. Thậm chí, ngay cả những kẻ tổ chức cũng không biết được mục đích thực sự của hành động khủng bố. Khách hàng mới là nhân tố phức tạp nhất”, chuyên gia chính trị phân tích.

Ông Perendzhiev cho rằng: “Tất cả mọi vấn đề xoay quanh Pháp hiện giờ không có gì là bất ngờ. Đã có các cuộc điều tra về việc cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và những chính trị gia khác đã nhận rất nhiều tiền từ chế độ Muammar Gaddafi và những người giàu có khác ở Bắc Phi. Hiện là thời điểm Pháp phải trả món nợ nhưng họ đã không trả và các thảm kịch đã xảy ra”.

Chuyên gia Perendzhiev kết luận đã đến thời điểm Pháp "phải trả nợ", đó chính là lý do các vụ khủng bố đãm máu xảy ra liên tiếp gần đây.

“Thật không may, song, tất cả hiện mới có thể chỉ là khởi đầu”, chuyên gia này lo lắng.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang mạng  Riafan.ru, trang chuyên đưa tin về hình hình kinh tế, chính trị…các nước, đặc biệt là Ukraine và các nước Trung Đông.

Theo Đào Cảnh

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên