Sức mạnh của các tập đoàn gia đình trị
Trên khắp thế giới, các gia đình quyền lực đang điều hành những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực, từ Walmart đến Mars hay từ Samsung cho tới BMW.
Ở hai bên bờ của Đại Tây Dương, Ana Botín và Abigail Johnson vừa kế nhiệm người cha của họ để bước vào hai trong số những vị trí quyền lực nhất trong giới tài chính: Chủ tịch của ngân hàng Banco Santander và CEO của tập đoàn đầu tư Fidelity Investments.
Trên khắp thế giới, các gia đình quyền lực đang điều hành những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực, từ đế chế bán lẻ Walmart đến tập đoàn bánh kẹo Mars hay từ ông lớn trong ngành điện tử là Samsung cho tới đế chế xe hơi hạng sang BMW. Một nửa thế kỷ trước, các chuyên gia quản trị dự báo truyền thống cha truyền con nối sẽ dần phai nhạt trong xã hội hiện đại với khả năng huy động vốn và thu hút nhân tài của các công ty đại chúng. Thế nhưng, trên thực tế, các tập đoàn gia đình trị không những luôn củng cố được vị thế mà còn lớn mạnh thêm trong những năm gần đây.
Các công ty gia đình trị hiện chiếm khoảng 19% số công ty trong Fortune Global 500 – chỉ số theo dõi các công ty lớn nhất thế giới theo doanh thu. Theo nghiên cứu mới được công bố bởi McKinsey, tỷ lệ của năm 2005 chỉ là 15% (McKinsey định nghĩa các công ty gia đình trị là những công ty có người sáng lập hoặc gia đình của họ là bên nắm nhiều cổ phiếu nhất hoặc nắm ít nhất 18% quyền bổ nhiệm CEO). Kể từ năm 2008 đến nay, doanh thu của các công ty gia đình trị cũng tăng đều đặn 7% mỗi năm, cao hơn một chút so với con số 6,2% của các công ty không phải gia đình trị trong danh sách. McKinsey nhận định xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai gần.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này là do tốc độ tăng trưởng vượt bậc của các nền kinh tế phát triển – nơi xu hướng gia đình trị phát triển. Kể từ năm 2005, các nước đã tăng tỷ trọng nhiều nhất trong Fortune Global 500 là Brazil, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Đài Loan. McKinsey dự báo đến năm 2025 thế giới sẽ có hơn 15.000 công ty có doanh thu hàng năm đạt ít nhất 1 tỷ USD. 37% trong số này là các doanh nghiệp gia đình trị đến từ các thị trường mới nổi. Năm 2010, chỉ có 8.000 công ty đạt tầm cỡ này và chỉ có 16% trong số đó là các tập đoàn gia đình trị đến từ thị trường mới nổi.
Khoảng 85% trong số các công ty ở Đông Nam Á là công ty gia đình trị, trong khi tỷ lệ ở châu Mỹ Latinh, Ấn Độ và Trung Đông lần lượt là 75%, 67% và 65%. Trung Quốc (40%) và khu vực châu Phi hạ Sahara (33%) nổi bật vì có tỷ lệ khá thấp nhưng đều có nguyên nhân là do có nhiều doanh nghiệp nhà nước.
Còn ở Mỹ, trong số các doanh nghiệp có tên trong danh sách Fortune Global 500, 15% là doanh nghiệp gia đình trị, giảm nhẹ so với năm 2005. Walmart là doanh nghiệp gia đình trị lớn nhất thế giới và Sam Walton vẫn là cổ đông lớn nhất. Con trai lớn nhất của ông (Rob) là Chủ tịch và một người con trai khác (Jim) cũng nằm trong hội đồng quản trị trong khi con gái Alice được thừa kế một lượng lớn cổ phần. Ở châu Âu, 40% các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán là công ty gia đình trị.
Cho tới thời điểm hiện tại, rất nhiều nền kinh tế mới nổi vẫn thiếu đi thị trường vốn có quy mô lớn và tính thanh khoản cao như ở các nước phát triển. Bởi vậy các doanh nghiệp của họ không thể dựa vào thị trường vốn để mở rộng và thay vào đó dựa vào nguồn tiền của gia đình và tái đầu tư lợi nhuận. Khi các doanh nghiệp được tiếp cận nhiều hơn với thị trường chứng khoán toàn cầu, tình hình có thể thay đổi.
Tuy nhiên, có lý do khiến dự đoán được các chuyên gia đưa ra 50 năm trước không trở thành hiện thực. Các gia đình vẫn giữ lại quyền kiểm soát mặc dù đã bán một lượng lớn cổ phần cho nhà đầu tư bên ngoài. Cách thông thường là sở hữu những cổ phần đặc biệt, đặc biệt là trong các công ty công nghệ.
Nhà đầu tư chấp nhận các thỏa thuận này và coi đó là cái giá phải trả để được hưởng một phần lợi nhuận của công ty, tuy nhiên họ hiếm khi thích cách này. Ví dụ, các nhà đầu tư định chế tỏ ra không hài lòng khi thỏa thuận được thông qua cách đây nhiều năm cho phép bà Botintrowr thành Chủ tịch của Stander sau khi cha bà qua đời. Gia tộc này cũng chỉ nắm 2% cổ phần của ngân hàng.
Ngoài khả năng tiếp cận thị trường vốn mà không mất đi quyền kiểm soát, có ít nhất 4 lý do để nhiều công ty gia đình trị tiếp tục duy trì truyền thống. Các công ty này là sản phẩm của những doanh nhân xuất sắc (như Sam Walton). Khi người sáng lập còn sống, sự kết hợp giữa khả năng và sự tự do giúp họ có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. Kể cả sau khi họ đã qua đời, người thừa kế vẫn có thể duy trì thành công bằng cách áp dụng những quy tắc đã có từ trước. Các doanh nghiệp gia đình trị cũng thường có xu hướng đầu tư dài hạn.
Một đặc điểm khác là các doanh nghiệp gia đình trị có ít nợ hơn so với các doanh nghiệp bình thường. Trường hợp ngoại lệ và cũng là ví dụ giải thích tại sao hầu hết các doanh nghiệp gia đình trị sợ nợ là sự sụp đổ của Espírito Santo. Những khoản nợ khổng lồ đã khiến tập đoàn tài chính khổng lồ của Bồ Đào Nha phá sản và phải nhận cứu trợ của chính phủ. Vay mượn ít có thẻ hạn chế tăng trưởng trong lúc tươi đẹp nhưng sẽ củng cố sức mạnh cho các công ty gia đình trị trong thời điểm khó khăn.
Theo Holger Mueler và Thomas Philippon (đến từ trường kinh doanh Stern trực thuộc ĐH New York), các công ty này cũng có quan hệ tốt hơn với nhân viên. Nguyên nhân có thể là do người lao động sẵn sàng tin vào những lời hứa về phần thưởng trong dài hạn, khác với các doanh nghiệp có lãnh đạo có thể rời đi nơi khác sau vài năm làm việc. Và, lãnh đạo các công ty này cũng sẵn sàng thương lượng với công đoàn hơn.
Theo Heinz-Peter Elstrodt, chuyên gia đến từ McKinsey, nhìn chung các doanh nghiệp gia đình trị thường quan tâm đến văn hóa nội bộ nhiều hơn. McKinsey đã xây dựng chỉ số “sức khỏe tổ chức” áp dụng lên 114 doanh nghiệp gia đình và khoảng 1.200 doanh nghiệp lớn khác. Kết quả là các doanh nghiệp gia đình trị đạt điểm số cao hơn về văn hóa, động lực làm việc của người lao động và khả năng lãnh đạo. Ngược lại họ lép vế ở các chỉ số sáng tạo.
Thu Hương