MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tác giả “Cha giàu cha nghèo” dự đoán TTCK Mỹ sẽ sụp đổ trong năm 2016

25-03-2016 - 08:42 AM | Tài chính quốc tế

Robert Kiyosaki tin rằng cơn bão sắp ập đến, và nhà đầu tư chỉ còn cách mua vàng hoặc bạc để phòng thân và hy vọng Fed sẽ làm giảm phần nào tác động của cuộc khủng hoảng này.

14 năm trước, tác giả cuốn sách dạy làm giàu nổi tiếng “Cha giàu cha nghèo” đã đưa ra tiên đoán rằng năm 2016 sẽ là khởi đầu của cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Chứng khoán Mỹ đã lấy lại chuỗi điểm đã mất trong đợt lao dốc của thị trường hồi đầu năm. Nhưng Robert Kiyosaki, người đưa ra dự đoán về năm 2016 trong cuốn sách được xuất bản năm 2002 “Lời tiên tri của cha giàu”, tin rằng cơn bão sắp ập đến, và nhà đầu tư chỉ còn cách mua vàng hoặc bạc để phòng thân và hy vọng Fed sẽ làm giảm phần nào tác động của cuộc khủng hoảng này.

Sự sụp đổ là không thể tránh khỏi

Vào năm 2002, Kiyosaki đưa ra tiên đoán rằng thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ vào năm 2016 do những người đầu tiên thuộc thế hệ baby boomer (những người sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số từ năm 1946 đến năm 1964) chạm mốc 70 tuổi vào năm 2016. Theo luật của Mỹ thì các quỹ lương hưu sẽ phải trà tiền cho người tham gia nào đến 70 tuổi.

Cục điều tra dân số Mỹ cho biết có hơn 76 triệu người sinh từ năm 1946 đến năm 1964, và 65 triệu người trong số này vẫn còn sống. Cộng thêm cả người nhập cư thì số người thuộc thế hệ baby boomer là 76 triệu.

Kiyosaki nhận định rằng khi các quỹ lương hưu đang tham gia thị trường chứng khoán phải trả tiền cho từng ấy người thì áp lực bán tháo chứng khoán để đổi ra tiền mặt sẽ vô cùng lớn và khiến thị trường sụp đổ. “Nhân khẩu học chính là định mệnh”, ông nói.

Nỗi lo Trung Quốc

Bên cạnh gánh nặng mà hàng triệu người thuộc thế hệ baby boomer đặt lên thị trường, tình hình còn đang trở nên tồi tệ hơn do những diễn biến toàn cầu như giá dầu lao dốc và đặc biệt là sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. ‘Khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu, cả thế giới sẽ sụp đổ theo”, Kiyosaki nói.

Những nơi bị ảnh hưởng đầu tiên sẽ là các nước xuất khẩu hàng hóa như Australia, Canada và Châu Phi, và sau đó lan sang phần còn lại của thế giới

Kiyosaki không đơn độc trong quan điểm này. Economist Intelligence Unit nhận định sự giảm tốc của Trung Quốc là nguy cơ hàng đầu cho nền kinh tế toàn cầu. Nợ công phình to cũng là lý do chủ yếu khiến Moody’s hạ xếp hạng tín dụng của Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục bơm tiền cho hệ thống tài chính của mình, và đây là điều khiến Kiyosaki tin rằng các ngân hàng Trung Quốc sẽ châm ngòi cho sự sụp đổ của thị trường toàn cầu.

Fed sẽ là vị cứu tinh?

Kiyosaki cho rằng sự kết hợp của yếu tố nhân khẩu học và việc kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ khiến cho sự sụp đổ của chứng khoán Mỹ là điều không thể tránh khỏi, nhưng Fed có thể làm giảm thiệt hại bằng cách tăng cường các biện pháp nới lỏng định lượng.

“Nếu Fed bổ sung thêm gói kích thích tiền tệ, thị trường chứng khoán sẽ được củng cố. Nhưng nếu Fed ngừng in thêm tiền, thị trường sẽ sớm sụp đổ”, ông nói.

Nhưng theo quan điểm của Kiyosaki, dù Fed có tăng cường nới lỏng định lượng, việc này cũng chỉ có tác dụng kéo dài thời gian vì thị trường sẽ phục hồi rồi cuối cùng sụp đổ.

Vì thế Kiyosaki khuyên các nhà đầu tư phải chuẩn bị cho cơn bão không thể tránh khỏi này. Nhà đầu tư nên tích trữ vàng hoặc bạc vì các ngân hàng trung ương sẽ phái in rất nhiều tiền để vượt qua khủng hoảng. Những kim loại quý này sẽ giúp nhà đầu tư bảo toàn vốn trước lạm phát.

“Với những ai chuẩn bị trước và áp dụng chiến lược này, họ sẽ có thể kiếm được lợi nhuận. Còn những ai có tài sản đang mắc kẹt trên thị trường chứng khoán, hãy chuẩn bị tinh thần đánh cược với số phận”, ông kết luận.

Long Nam

Market Watch

Trở lên trên