MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TAG - Vách đá thứ 2 của nước Mỹ?

09-12-2012 - 10:12 AM | Tài chính quốc tế

Lần này, vách đá liên quan đến các ngân hàng.

Lại 1 tuần nữa trôi qua và bóng đen “vách đá tài khóa” vẫn bao phủ nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, trong khi Washington và phố Wall đang sốt sắng tìm ra giải pháp cho cú sốc tài khóa trị giá 600 tỷ USD sẽ xảy ra vào ngày 31/12 tới, có 1 vách đá khác mà nhà đầu tư cũng cần phải canh chừng. Lần này, vách đá đó liên quan đến các ngân hàng. 

31/12 cũng là ngày đáo hạn của TAG – chương trình bảo hiểm tài khoản thanh toán được Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đưa ra như 1 biện pháp tạm thời trong thời kỳ khủng hoảng tài chính lên đến đỉnh điểm năm 2008. Ngoài các nhà hoạch định chính sách tài chính và những người quản lý tài chính của doanh nghiệp, không nhiều người hiểu rõ TAG là gì.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là TAG hết hạn sẽ có tác động khá lớn đến thị trường tiền tệ. Trước khi TAG được đưa vào hoạt động, FDIC chỉ bảo hiểm cho các khoản tiền gửi tại ngân hàng với giá trị được bảo hiểm là 250.000 USD. Điều đó có nghĩa là nếu như khách hàng có tiền gửi lớn hơn con số này, họ sẽ mất tiền nếu như ngân hàng sụp đổ. Tuy nhiên, theo TAG, FDIC sẽ bảo vệ mọi khoản tiền dù giá trị lớn đến đâu miễn là số tiền được gửi trong tài khoản không có lãi suất. 

Bình thường, điều khoản cuối cùng khiến TAG là 1 chương trình rất hấp dẫn. Trong 2 năm qua, qui mô của các tài khoản TAG đã tăng gấp đôi, lên mức 1.500 tỷ USD trong quý III vừa qua. Hơn 1 nửa số này đến từ tài khoản của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là thời kỳ mà mọi thứ đều bất thường. Điều gì sẽ xảy ra nếu như chương trình TAG hết hạn vào 31/12? 

Martin Gruenberg, Chủ tịch của FDIC, hi vọng rằng các ngân hàng có thể xử lý trường hợp này 1 cách có trật tự. Hơn nữa, các ngân hàng tham gia chương trình này cũng đã “khỏe mạnh” hơn so với trước. Trong quý III, các ngân hàng đã công bố lợi nhuận tốt nhất kể từ năm 2006 và hiện chỉ còn 694 ngân hàng tham gia chương trình (hồi đầu năm ngoái con số là 888). Hơn nữa, cả người gửi tiền và các nhân viên ngân hàng đều đã biết rằng TAG sẽ hết hạn và đã có thời gian để chuẩn bị. Một số định chế tài chính đã phản ứng bằng cách triển khai các quỹ trái phiếu ngắn hạn để người gửi tiền có 1 nơi khác để cất trữ tiền. 

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở qui mô. Nếu như các người quản lý tài chính doanh nghiệp cảm thấy đủ tự tin về sức khỏe của các ngân hàng Mỹ và không hào hứng với các lựa chọn đầu tư khác, họ vẫn sẽ để tiền gửi ở các ngân hàng hoặc chỉ rút tiền ra 1 cách chậm rãi. Điều này không gây ra ảnh hưởng gì lớn. 
Tuy nhiên, nếu như họ rút tiền ồ ạt, dòng tiền không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định của các ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu.  

Hiện nay, các dự báo về dòng tiền bị rút ra vẫn chưa thống nhất. JPMorgan cho rằng khoảng 100 – 300 tỷ USD sẽ bị rút ra trong khi các chuyên gia phân tích tại Royal Bank of Scotland cho rằng đưa ra con số gấp đôi. Tuy nhiên, nếu số tiền này được đổ vào trái phiếu kho bạc ngắn hạn, lợi suất trái phiếu chắc chắn sẽ giảm mạnh. Trong khi đó, lo sợ về rủi ro lan tỏa từ các ngân hàng của eurozone, các công ty và các cá nhân giàu có đã đổ tiền vào tài sản an toàn là trái phiếu Mỹ với khối lượng lớn. Lợi suất trái phiếu xuống mức thấp kỷ lục. Nhiều chuyên gia còn dự báo lợi suất sẽ giảm xuống mức âm trong năm tới vì TAG hết hạn. 

Có nên tiếp tục chương trình này hay không là điều gây nhiều tranh cãi. Trong khi Hiệp hội ngân hàng Mỹ đang thực hiện vận động hành lang để kéo dài TAG, Harry Reid – người dẫn đầu nhóm thượng nghị sĩ đa số - lại cho rằng đảng Cộng hòa và các ngân hàng lớn đang phản đối điều này. Họ cho rằng kéo dài những biện pháp xử lý khủng hoảng như TAG sẽ khiến thị trường bị bóp mép nhiều hơn và tạo ra nhiều hệ lụy trong tương lai. 

Câu chuyện này sẽ diễn biến như thế nào vẫn là điều khó dự đoán xét trong môi trường chính trị hiện tại. Tuy nhiên, có 1 bài học mà các nhà đầu tư nên nhớ. Khi bắt đầu được triển khai, TAG là chương trình được đánh giá rất cao. Trong một vài năm qua, TAG cũng là 1 chương trình hữu hiệu. Tuy nhiên, vấn đề đối với các biện pháp hỗ trợ của chính phủ là chúng có thể trở thành “liều thuốc gây nghiện” và khó có thể kết thúc chúng mà không gây ra hậu quả tiêu cực. 

Thu Hương

huongnt

FT

Trở lên trên