Tại sao Fed lại sợ phố Wall?
Từ lâu nay, TTCK đã trở thành “cô tình nhân” trong “cuộc hôn nhân” giữa Cục dự trữ liên bang (Fed) và nền kinh tế.
Trong khi các chính sách của Fed được cho là chỉ tập trung vào duy trì sự ổn định giá cả và tạo ra đầy đủ công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy TTCK đã ngấm ngầm trở thành mục tiêu của chính sách tiền tệ. Mặc dù không xuất hiện trong các bản báo cáo của Ủy ban thị trường mở (FOMC), có thể nói mục tiêu này chưa bao giờ rời xa tâm trí của các nhà hoạch định chính sách.
Mối quan hệ "lén lút" này được thể hiện rõ hơn sau cuộc họp mới đây nhất diễn ra trong hai ngày 30/4 và 1/5 vừa qua, khi các thành viên của Fed thảo luận về những kỳ vọng của phố Wall đối với các chương trình nới lỏng chưa từng có trong lịch sử của Fed.
Một số thành viên [FOMC] bày tỏ lo ngại rằng kỳ vọng của nhà đầu tư về qui mô của chương trình mua tài sản đã tăng lên, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống. Trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống mức 7,5%. Tuy nhiên, mức này chưa đủ để làm yên lòng nhà đầu tư.
Theo Julian Jessop, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, sự yếu ớt của TTCK toàn cầu từ khi biên bản cuộc họp FOMC được công bố đến nay đã củng cố quan điểm đà tăng bị phụ thuộc quá mức vào kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng hơn nữa.
Lời đề cập nhỏ nhoi của Chủ tịch Ben Bernanke trong phiên điều trần trước Quốc hội rằng Fed có thể thu hẹp qui mô chương trình kích thích kinh tế cũng đủ để khiến TTCK toàn cầu chao đảo, mặc dù thị trường lại hồi phục ở phiên sau đó.
Theo kịch bản thường thấy, các TTCK sẽ phải giảm điểm với kết quả kinh doanh yếu ớt của các công ty trong quý I vừa qua. Tuy nhiên, thay vào đó, các chỉ số chính liên tục lập đỉnh. Thông thường, các nhà đầu tư sẽ bán tháo để đánh giá lại môi trường vĩ mô, để tính toán lại cũng như thu thập thêm thông tin. Tuy nhiên, do Fed, thị trường không hề quan tâm hay lo sợ về những yếu tố nền tảng này.
Rất khó để đo lường Fed bị ảnh hưởng như thế nào bởi các phản ứng của thị trường. Tuy nhiên, có thể khẳng định thị trường đang “nắm đằng chuôi”. Khi phân tích về các tác động mà chính sách của Fed đem lại, hầu hết các nhà kinh tế học đều tập trung vào ảnh hưởng đối với thị trường tài chính. Những vấn đề như tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất hoặc những vấn đề kinh tế vĩ mô khác nhận được ít sự chú ý hơn.
Dự đoán về cách mà Fed sẽ thu hẹp chương trình mua 85 tỷ USD tài sản mỗi tháng cũng đã trở thành thước đo để ước tính Fed có thể làm gì để giảm thiểu tối đa tác động đối với phố Wall.
Theo Paul Ashworth – chuyên gia đến từ Capital Economics, có vẻ như FOMC sẽ đợi cho đến cuộc họp giữa tháng 8 để giảm qui mô chương trình nới lỏng định lượng. Quan trọng hơn, Ashworth chỉ ra rằng, kể cả khi Fed lựa chọn sẽ bắt đầu giảm tốc chương trình mua tài sản vào tháng tới, lượng giảm xuống sẽ là rất nhỏ để Fed có thể thăm dò phản ứng của thị trường.
Thị trường chứng khoán và lợi suất trái phiếu đang có biến động ngược chiều. Đây cũng chính là thước đo quan trọng mà Fed muốn duy trì.
Michael Hanson và Ethan Harris - hai nhà kinh tế học đến từ Bank of America Merrill Lynch - cho rằng phản ứng của thị trường sau phiên điều trần của ông Bernanke càng nhấn mạnh thêm những thách thức mà Fed gặp phải trong việc truyền đạt các kế hoạch dự định.
Minh Anh