Tăng trưởng kinh tế Eurozone: Quá xa so với kỳ vọng!
Tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn còn quá xa so với kỳ vọng của giới đầu tư. Vậy nguyên nhân nào khiến cho những đầu tàu kinh tế của khu vực Eurozone cùng lúc bị chững lại?
Tại Đức, đối tác giao thương quan trọng của Nga, chỉ số niềm tin kinh tế theo thống kê tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng nay - từ 27,1 điểm xuống còn 8,6 điểm.
Ông Jam Lambregts, Trưởng ban Kinh tế toàn cầu tại Rabo Bank cho rằng: “Chính những nền kinh tế lớn nhất như Đức sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ những cấm vận. Tuy rằng phục hồi kinh tế sẽ không thể vì thế mà ngừng trệ hoàn toàn, nhưng chắc chắn Đức chịu ảnh hưởng rõ rệt hơn cả từ những biến động chính trị. Vào lúc này, việc quan trọng nhất là giữ cho các nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực là điểm đầu tư an toàn”.
Nước Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone bị nhận định là một mắt xích yếu trong quá trình phục hồi kinh tế của khu vực này, chủ yếu là do tình trạng thất nghiệp và thâm hụt ngân sách. Số người thất nghiệp đã đạt mức kỉ lục 3,4 triệu người trong tháng 6 vừa qua, thâm hụt ngân sách đến cuối năm nay bị dự đoán là sẽ trên 4% GDP.
Ông Michel Sapin, Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp cho biết: “Với tình hình tăng trưởng và lạm phát quá thấp, thâm hụt ngân sách của Pháp sẽ không thể đạt được mục tiêu chỉ chiếm 3,8% GDP trong năm nay như mong muốn”.
Tại Italy, Chính phủ tuyên bố GDP đã giảm 2 quý liên tiếp và đất nước này đã rơi vào cuộc suy thoái kinh tế lần thứ hai chỉ trong 5 năm. Có những ý kiến chuyên gia cho rằng, từ bỏ đồng Euro và quay trở lại đồng Lia có thể là một giải pháp.
Ông Francesco Avalone, Hiệp hội Tiêu dùng Italy nói: “Những chính sách kinh tế của Chính phủ không có hiệu quả gì, tiền lương thấp mà giá cả sinh hoạt thì quá đắt đỏ”.
Một số chuyên gia cho rằng, sử dụng chung hệ thống tiền tệ nhưng khác biệt về hệ thống lương bổng, phúc lợi xã hội khiến cho sức mua tại Italy giảm, sản xuất đình trệ, nạn thất nghiệp gia tăng và nền kinh tế Italy rơi vào suy thoái là hậu quả tất yếu.
Theo Anh Vũ