MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thất nghiệp vì yếu tố địa lý

29-10-2014 - 19:29 PM | Tài chính quốc tế

Những người sống xa nơi làm việc sẽ tìm việc mới dễ dàng hơn so với những người sống gần nơi làm việc.

OECD – nhóm gồm các quốc gia giàu có và phát triển của thế giới – hiện có gần 45 triệu người thất nghiệp. Trong số này, 16 triệu người đã tìm việc trong suốt hơn 1 năm nay. Nhiều người cho rằng nguyên nhân là do họ thiếu kỹ năng hay hệ thống trợ cấp thất nghiệp hào phóng quá mức. Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng địa lý cũng là một nguyên nhân.

Trong một nghiên cứu được xuất bản năm 1965, John Kain – chuyên gia kinh tế đến từ ĐH Harvard – đã đề cập đến yếu tố này với lý thuyết có tên gọi “sự bất cân xứng về không gian”. 
Kain lưu ý rằng trong khi tỷ lệ thất nghiệp trên toàn nước Mỹ ở mức dưới 5%, tỷ lệ lên tới 40% trong các cộng đồng người da đen sống ở các khu phố cổ. 

Ông khẳng định tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực luôn ở mức cao là do các việc làm dịch chuyển khỏi thành phố đi kèm với nạn phân biệt chủng tộc. Các chủ sử dụng lao động cũng phân biệt đối xử với những lao động đến từ các vùng được coi là không tốt. Kết quả là người lao động ở những nơi này rất khó tìm việc, đặc biệt là ở những nơi hệ thống giao thông công cộng không phát triển và ít người sử dụng xe hơi. 

Trong 50 năm qua, các nhà kinh tế học luôn tranh cãi về học thuyết của Kain. Một số người (như William Julius Wilson đến từ ĐH Chicago) cho rằng hoạt động sản xuất dịch chuyển khỏi các khu phố cổ là nguyên nhân khiến nghèo đói tăng vọt ở những nơi này trong giai đoạn từ năm 1970 đến 1980. Một số người khác thì cho rằng Kain đã thổi phồng vấn đề. Đúng là có mối tương quan giữa nơi sinh sống và cơ hội tìm được việc làm. Tuy nhiên, đây không phải là mối quan hệ nhân quả. 

Cho tới ngày nay, các nhà kinh tế học vẫn chưa có đủ số liệu để củng cố cho lập luận của họ. Các công trình nghiên cứu sử dụng số liệu của nhiều thời kỳ khác nhau và do đó khó có thể phân chia rõ ràng nguyên nhân và hệ quả. Hơn nữa, phần lớn các nghiên cứu được xây dựng từ các mẫu quá nhỏ.  

Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi Phòng nghiên cứu kinh tế quốc gia Hoa Kỳ đã khắc phục được những hạn chế này. Đối tượng nghiên cứu là gần 250.000 người Mỹ thuộc diện nghèo sống trong 9 thành phố ở miền Trung Tây và đang tìm kiếm việc làm. Đây là những nơi đáp ứng đủ các điều kiện nghiên cứu. Ví dụ, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nghèo nhất Chicago cao gấp đôi so với phần còn lại của thành phố. Ấn tượng hơn, các nhà nghiên cứu đã lặp lại các quan sát trong suốt 6 năm và điều này giúp họ phân biệt rõ ràng giữa nguyên nhân và hệ quả. Thêm vào đó, nghiên cứu này cũng chỉ xét đến những công nhân mất việc vì các đợt sa thải hàng loạt (tức ít nhất 30% nhân công của công ty bị sa thải). 

Đối với mỗi công nhân, các tác giả đều xây dựng một bộ chỉ số đo lường người này còn cách việc làm bao xa (sau khi đã điều chỉnh theo mức độ cạnh tranh). Kể cả thời gian đi lại bị tăng thêm vì tắc đường cũng được tính đến. 

Nếu tồn tại sự bất cân xứng về không gian, chỉ số trên sẽ ảnh hưởng đến thời gian người lao động tìm được việc làm. Đây cũng chính là kết quả mà các tác giả thu thập được: việc làm thường có ở những nơi mà những người nghèo hơn không có đủ khả năng tài chính để sinh sống ở đó. Những người phải đi một quãng đường dài để đến được nơi làm việc cũng nhanh tìm được việc mới hơn, có lẽ bởi vì họ đã quen với việc đi quãng đường xa. 

Trong khi đó, các nghiên cứu khác chỉ ra rằng có thể người lao động đang ở sai chỗ. Nghiên cứu của Viện Brookings cho thấy trong thập kỷ qua nghèo đói ở Mỹ có tính cô đặc cao hơn. Trong suốt những năm 2000, số vùng có tỷ lệ nghèo đói từ 40% trở lên đều tăng lên. Không giống như những gì Kain quan sát được, nghèo đói tăng nhanh nhất ở khu vực ngoại ô chứ không phải nội đô. Những vùng nghèo đói cũng có tỷ lệ tội phạm cao, hệ thống giáo dục tồi tệ và do đó người dân càng khó thoát khỏi nghèo đói. 

Sự bất cân xứng về không gian không chỉ là vấn đề của riêng nước Mỹ. Một nghiên cứu của Laurent Gobillon (đến từ Viện nghiên cứu dân số Pháp) cho thấy hiện tượng này khiến người thất nghiệp ở Paris không thể tìm được việc làm. Một nghiên cứu khác được thực hiện ở Anh đưa ra kết luận những người sống xa nơi làm việc sẽ tìm việc mới dễ dàng hơn so với những người sống gần nơi làm việc. 

Tất cả những phát hiện này rất hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách. Một số người cho rằng các chính phủ nên khuyến khích các công ty mở cửa hàng ở những nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao. Tuy nhiên, cách tiếp cận hiệu quả hơn phải là giúp người lao động chuyển đến vùng có nhiều việc làm hoặc chí ít là giúp họ đi lại thuận tiện hơn bằng cách cải thiện hệ thống giao thông công cộng.  

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên