Thế giới cần đồng nhân dân tệ mạnh
Trong dài hạn, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt cho việc duy trì đồng nhân dân tệ yếu hiện nay.
Mục tiêu chính sách của Trung Quốc có thể tóm gọn trong 1 từ: ổn định. Chính sách liên quan đến đồng nhân dân tệ cũng được điều chỉnh bởi mục tiêu đó. Đồng nhân dân tệ đã được neo vào đồng USD từ tháng 10/2008.
Ở thời điểm hiện nay khi kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tăng trưởng chưa ổn định, thiếu cân bằng, phối hợp (theo lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo), giới chức kinh tế hàng đầu Trung Quốc buộc phải đảm bảo ổn định, có thể là bằng mọi giá.
Chính phủ Trung Quốc đã dành đến 4 nghìn tỷ nhân dân tệ vào các dự án đầu tư nhà nước để hỗ trợ việc làm và giảm bất ổn xã hội, bỏ qua kêu gọi từ nước ngoài về việc nâng giá đồng nhân dân tệ.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc mới đây đã tuyên bố rằng tỷ giá đồng USD ổn định mới là điều thế giới cần quan tâm đến. Tỷ giá đồng nhân dân tệ đóng vai trò thiết yếu đối với đà phục hồi của kinh tế thế giới.
Trung Quốc đã đúng khi muốn có tỷ giá đồng nhân dân tệ dễ đoán trước thông qua việc neo vào đồng USD, đó là nếu lo lắng duy nhất của họ là quyền lợi trung hạn của nền kinh tế. Thế nhưng chính sách tỷ giá thường ảnh hưởng đến nhiều hơn một bên.
Trung Quốc, trong nỗ lực duy trì sự ổn định bằng mọi giá, trong dài hạn sẽ phải trả giá nếu cố tình không chịu thay đổi chính sách liên quan đến đồng nhân dân tệ, đặc biệt là nếu chính sách đó ảnh hưởng tiêu cực đến các đối tác thương mại của nước này trong thời gian dài.
Khi Trung Quốc phản ứng thờ ơ với lời kêu gọi nâng giá đồng nhân dân tệ từ phía Tổng thống Mỹ Obama và lãnh đạo châu Âu, nước này hẳn sẽ không để áp lực từ bên ngoài chi phối quyết định liên quan đến thời điểm cải tổ chính sách liên quan đến đồng nhân dân tệ. Và khi thời điểm thích hợp đến, theo quan điểm từ phía Trung Quốc, khi đó đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là xuất khẩu đã trở nên ổn định hơn.
Hội nghị chính sách kinh tế thường niên với mục tiêu đưa ra kế hoạch kinh tế cho năm 2010 và đặt nền móng cho kế hoạch 5 năm bắt đầu từ năm 2011, mới đây đã kết thúc với tuyên bố mạnh mẽ về việc đẩy mạnh đà phục hồi của xuất khẩu.
1 năm qua, xuất khẩu đã giảm 14%, một số chuyên gia kinh tế địa phương dự báo xuất khẩu sẽ tăng trưởng 10% đến 15% trong nửa đầu năm sau – tốc độ tăng trưởng bằng một nửa so với mức tăng 26% trong nhiều năm trước đó.
Chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Standard Chartered cho rằng Trung Quốc sẽ duy trì chính sách đồng nhân dân tệ ổn định ít nhất cho đến tháng 2/2010 để làm giảm nỗi lo mất việc của khoảng từ 50 đến 100 triệu lao động nhập cư.
Một lý lo khác cho việc tại sao Trung Quốc khăng khăng duy trì đồng nhân dân tệ ổn định chính là loại bỏ đi kỳ vọng đồng nội tệ này không sớm thì muộn cũng sẽ tang giá.
Kỳ vọng đồng nhân dân tệ tăng giá đã khiến dòng vốn nước ngoài chảy mạnh vào Trung Quốc. Điều này đã khiến người ta lo lắng khi giá bất động sản mất ổn định và bong bóng chứng khoán hình thành.
Trung Quốc đang nhập khẩu chính sách tiền tệ lỏng lẻo từ Mỹ do việc đồng nhân dân tệ neo vào đồng USD. Chính sách này khiến việc quản lý dòng tiền “nóng” từ nước ngoài và lạm phát giá tài sản còn khó quản lý hơn.
Trung Quốc càng duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức cố định với đồng USD càng lâu, áp lực nâng giá đối với đồng nhân dân tệ sẽ tăng cao hơn. Đáng mỉa mai thay, việc duy trì chế độ neo tỷ giá đồng nội tệ trên thực tế đã góp phần khiến Trung Quốc mất đi sự kiểm soát ổn định tài chính.
Đáng lo hơn, hành động trên của Trung Quốc sẽ có thể khiến căng thẳng thương mại của nước này với đối tác thương mại lớn tăng cao.
Giáo sư tài chính thuộc đại học Peking University, ông Michael Pettis, trong bài phát biểu gần đây trên Thời báo Tài chính (Financial Times), cho rằng động thái giải quyết xung đột thương mại toàn cầu của các nước sẽ dâng cao và không thể được chặn lại.
Ông nói: “Khi một nhóm nước cố gắng giành hoặc duy trì lợi thế thương mại bằng việc thao túng đồng tiền, lịch sử cho thấy những nước nào không thể cạnh tranh nổi bằng việc hạ giá đồng nội tệ sẽ viện đến biện pháp khác như bảo hộ thương mại, đặc biệt là lập nên rào cản, thương mại toàn cầu sẽ đi xuống.”
Cho đến nay, phản ứng của Trung Quốc với những lời kêu gọi nâng giá đồng nhân dân tệ là đổ lỗi cho đồng USD yếu khiến đồng nhân dân tệ không thể mạnh. Trung Quốc còn khẳng định hàng giá rẻ Trung Quốc đã giúp ích rất nhiều cho người tiêu dùng quốc tế vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế.
Thực tế, cam kết tiếp cận thị trường mới từ Hội nghị chính sách kinh tế thường niên, duy trì sự ổn định của nhu cầu từ thế giới đối với hàng hóa Trung Quốc, sẽ có thể đặt quyết tâm duy trì cạnh tranh giá của hàng xuất khẩu.
Việc duy trì đồng nhân dân tệ ổn định đã khiến Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu và các dự án đầu tư của nhà nước. Vốn đang mắc kẹt trong các dự án đầu tư thiếu hiệu quả trong khi đó lại có thể được sử dụng tốt hơn cho tăng trưởng ở lĩnh vực khác. Nhận ra điều này, Hội nghị kinh tế thường niên đã quan tâm đặc biệt đến việc cân bằng lại nền kinh tế và tăng tiêu dùng.
Trung Quốc hiện nhấn mạnh hơn đến tầm quan trọng của việc cải thiện chất lượng và tính hiệu quả của tăng trưởng kinh tế chứ không đơn giản là đạt được những con số ấn tượng.
Phân tích trên khiến người ta hy vọng Trung Quốc có thể sẽ dễ dàng chấp nhận việc đồng nhân dân tệ tăng giá trong nửa sau năm 2010 để tăng sức mua của người tiêu dùng, giúp điều chỉnh lãi suất để vốn sẽ được phân bổ hiệu quả hơn.
Hội nghị cam kết điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế và cải thiện cán can thương mại. Đây có thể là tín hiệu cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu cân nhằn quan điểm đồng nhân dân tệ mạnh là cần thiết để đảm bảo ổn định kinh tế.
Căng thẳng thương mại tăng, bong bóng tài sản hình thành, Trung Quốc cần có cái nhìn dài hạn về cái giá phải trả của một đồng nhân dân tệ yếu.
Theo Dân Trí/Straits Times