MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới vẫn nặng nợ

06-02-2015 - 15:03 PM | Tài chính quốc tế

Kinh tế thế giới vẫn được xây dựng dựa trên nợ. Đó là lời cảnh báo vừa được công ty nghiên cứu thị trường McKinsey & Co. đưa ra.

Theo ước tính của McKinsey, kể từ năm 2007 đến nay, lượng giấy nhận nợ mà các chính phủ, công ty, hộ gia đình và các định chế tài chính phát hành ở 47 quốc gia đã tăng thêm 57.000 tỷ USD, lên 199.000 tỷ USD. Mức tăng này tương đương với 17 điểm phần trăm của GDP toàn cầu.

Mặc dù không cao bằng con số 23 điểm phần trăm mà thế giới chứng kiến trong 7 năm trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra, số liệu nói trên vẫn khiến người ta cảnh giác và hoài nghi về hi vọng những hệ lụy của thời kỳ suy thoái sẽ đặt thế giới vào một con đường phát triển bền vững hơn. Trong 7 năm qua, chỉ riêng phần nợ của các chính phủ đã tăng thêm 27.000 tỷ USD và các nền kinh tế đang phát triển phải chịu trách nhiệm về gần một nửa số nợ tăng thêm.

Một nửa số nợ tăng lên kể từ năm 2007 đến nay nằm ở các nền kinh tế đang phát triển và 1/3 là kết quả của tỷ lệ nợ chính phủ quá cao ở các nền kinh tế phát triển. Các nước McKinsey cảnh báo đối mặt với rủi ro tiềm năng vì tỷ lệ nợ của các hộ gia đình quá cao bao gồm Hà Lan, Hàn Quốc, Canada, Thụy Điển, Australia, Malaysia và Thái Lan.

Kinh tế thế giới có một "điểm sáng" về nợ. Đó là quá trình giải chấp của các ngân hàng. Tỷ lệ nợ của ngành tài chính so với GDP đã giảm mạnh ở Mỹ và một số nước khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính, đồng thời giữ ổn định ở các nền kinh tế phát triển.

Tổng nợ của Trung Quốc (đã bao gồm ngành tài chính) tăng gần gấp 4 lần kể từ năm 2007, tương đương 282% GDP. McKinsey cảnh báo Trung Quốc cần thận trọng với những rủi ro về nợ trong khu vực bất động sản, nợ của chính quyền địa phương và tốc độ phát triển quá nhanh của hệ thống "ngân hàng trong bóng tối".

>>> Nợ xấu đe dọa giết chết nền kinh tế Trung Quốc?

 

Thu Hương

Thu Hương

FT

Trở lên trên