Thị trường tiền tệ châu Á hỗn loạn, Indonesia thiệt hại nhiều nhất
Sự sụt giá bất ngờ của đồng nội tệ khiến nền kinh tế Indonesia vốn đã tăng trưởng chậm chạp lại càng thêm khó khăn.
- 26-08-2015Indonesia sẽ tiếp tục nhập khẩu lương thực để bình ổn giá
- 25-08-2015Indonesia giữ nguyên lãi suất chuẩn để bảo vệ đồng rupiah
Từ đầu năm đến nay, đồng Rupiah của Indonesia đã giảm 9,7 % so với USD. Những bảng giá thay đổi, những đồng Rupiah mà người dân Indonesia vất vả kiếm được đang mất giá trị từng phút. Trong tuần lễ hỗn loạn của thị trường tiền tệ châu Á vừa qua, Indonesia là nước bị thiệt hại nhiều nhất, đồng nội tệ nước này đã tụt xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua.
Chị Harum, người bán gạo nói: "Giá cả tăng lên từng ngày trong khi tiền tôi kiếm được ngày càng ít đi".
Có thể việc NDT giảm giá đến không đúng lúc với nền kinh tế Indonesia khi lạm phát đang ở mức cao 7%. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế nước này đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Đồng Rupiah yếu đi không làm cho xuất khẩu nước này cải thiện bởi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.
Bà Enny Sri Hartati, Giám đốc Viện phát triển Kinh tế và Tài chính cho rằng: "Thị trường không lường trước được động thái phá giá NDT, nhưng còn một lý do khác khiến Rupiah tăng giá chính là thâm hụt thương mại khiến cầu USD nhiều hơn cung".
Chính phủ Indonesia ngay lập tức đã đưa ra nhiều biện pháp tức thời nhằm kiểm soát đà lao dốc của đồng Rupiah như cấm các giao dịch trong nước sử dụng USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó mới chỉ là tạm thời, chưa thể đảm bảo đồng Rupiah sẽ không giảm giá trong thời gian tới.