MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thói quen người Việt lại bị bêu riếu trên báo nước ngoài

22-05-2013 - 08:30 AM | Tài chính quốc tế

Tạp chí The Atlantic của Mỹ vừa có bài viết mỉa mai thói quen dùng sừng tê giác chữa ung thư và bệnh "yếu" của người Việt Nam

The Atlantic, ra đời năm 1857, là tạp chí danh tiếng của Mỹ trong vòng 150 năm qua. Tạp chí này tập trung vào ngoại giao, chính trị, kinh tế và các xu hướng văn hóa, với đối tượng độc giả chính là các cá nhân có tư duy tiến bộ và sáng tạo ("thought readers").

Từ năm 2011, những vụ trộm sừng tê giác đã quét qua khắp Châu Âu, Châu Á và Châu Phi, từ bảo tàng tới các hãng đấu giá. Cái gì đã thúc đẩy đường dây tội phạm có tổ chức này?

Nếu đoán “Trung Quốc” thì bạn đã nhầm. Câu trả lời là Việt Nam. Nhu cầu sừng tê giác của nước này cao tới mức giá đã chạm 100.000 USD/kg, tức còn đắt hơn vàng.

Đằng sau cơn điên sừng tê giác

Cái lạ là tới gần đây nhu cầu từ Việt Nam mới đột ngột tăng cao. Dù dược tính của sừng tê đã được nhắc tới từ 18 thế kỷ trước, nhưng đến đầu những năm 1990, nhu cầu vẫn giới hạn do các nước hạn chế buôn bán và sừng tê bị loại khỏi danh mục các vị thuốc đông dược.

Thời đó, giá sừng tê chỉ 250-500 USD/kg, và từ năm 1990 đến 2007, mỗi năm ở Nam Phi chỉ có 15 con tê giác bị săn trộm.

Tình hình xấu đi kể từ năm 2008 khi 83 con tê giác bị giết, tới năm sau, tăng lên 122. Tới năm 2012, con số này vọt lên 688.

Sừng tê chữa ung thư?

Năm 2008 có cái gì mà làm nhu cầu tăng chóng mặt đến vậy? Nhiều người đoán ấy là do người Việt Nam thì thầm với nhau về vụ một nhân vật tai to mặt lớn khỏi bệnh ung thư nhờ uống bột sừng tê giác. Tin đồn này nay vẫn còn.

Lưu ý là chuyện này chả liên quan gì đến Đông y. Theo Chủ tịch Hiệp hội Đông y Anh Huijun Shen, hai ngàn năm y học Trung Hoa chưa ghi lại ca nào chữa lành ung thư nhờ uống bột sừng tê giác.

Ấy thế mà, ở Việt Nam ít nhất cũng có vài thầy thuốc có vai có vế quả quyết sừng tê có tác dụng điều trị ung thư.

Thế thì vì sao dân Việt lại sẵn sàng bỏ ra hàng ngàn USD chỉ để uống cái thứ “đại bổ” ngang với tự cắn móng tay mình?

Ngắn gọn: Số triệu phú Việt Nam tăng 150% trong 5 năm vừa qua. Đồ thị doanh số bán lẻ sau cho thấy tiêu dùng tại Việt Nam tăng dựng đứng chỉ trong có vài năm.

Nhưng tương tự như ở nhiều nước đang phát triển khác, dịch vụ điều trị ung thư tại Việt Nam thua sút tăng trưởng kinh tế cả về số lượng lẫn chất lượng.

TS chuyên khoa ung thư Đặng Huy Quốc Thịnh nói: “Ung thư là vấn nạn lớn ở Việt Nam. Mỗi năm chúng tôi có 150.000 ca, và danh sách chờ xạ trị còn rất dài. Người ta chết vì chúng tôi chữa không kịp.”

Theo Chương trình hành động trị liệu ung thư của IAEA, 3,48 triệu dân Việt đang phải dùng chung một máy xạ trị, tức gấp khoảng 5 lần Trung Quốc:

Thêm nữa, tỷ lệ mắc ung thu đang tăng 20-30%/năm. Hoặc là vì tiền nhiều, ô nhiễm nhiều mà sống lại thiếu lành mạnh, hay đơn giản chỉ là vì ngày càng nhiều ca được phát hiện và chẩn đoán.

Tuy vậy, nhiều người vẫn chưa hiểu biết gì lắm về ung thư nên tới 70-80% bệnh nhân chỉ được chẩn đoán khi đã tới giai đoạn cuối. Thế là tỷ lệ tử vong vì ung thư tại Việt Nam vọt lên 73%, cao gần nhất thế giới. Tỷ lệ trung bình tại một nước đang phát triển là 67,8%.

Sừng tê kích thích khả năng đàn ông?

Nhiều nhóm bảo vệ động vật hoang dã lại cho rằng dân Việt chuộng sừng tê chưa chắc đã vì tin đồn chữa được ung thư. Theo họ, thực tế sừng tê bị coi là một dạng chất kích thích tăng khả năng “đàn ông”, “thức uống của các triệu phú”.

Câu chuyện đó phần nào dựa trên việc sừng tê được coi là tốt cho gan. Mức sống càng cao, bia rượu càng nhiều, dân Việt sành điệu nay xem sừng tê là một cách để mình “nốc” nhiều hơn mà lại đỡ “biêng” nhanh hơn.

Chuyên gia về thị trường sừng tê giác Tom Miliken cho biết tác dụng giải độc, “đặc biệt là sau khi quá chén, là điều hay được quảng bá nhất trên thị trường”. 

Đông y Trung Quốc cũng phủ nhận chuyện sừng tê là chất kích dục.

Sừng tê: Oai?

Sừng tê nay còn đắt hơn cả cocaine, nên có được nó là danh giá lắm. Đó là món quà lý tưởng cho những vụ bắt tay mờ ám.

Mà cũng có thể giới nhà giàu mới nổi Việt Nam chưa biết tiêu tiền vào đâu. Chính phủ mới cấp có 10 giấy phép phân phối hàng xa xỉ. Và vì dung lượng thị trường nhỏ, nên Việt Nam chưa nằm trong tầm ngắm của nhiều thương hiệu lớn.

Sừng tê rất được giới quan chức ưa chuộng. “Tôi uống được rất nhiều rượu, mà vẫn khỏe re. Không đau đầu, chẳng sợ mệt,” một quan chức cao cấp nói với AP, rõ ràng là chẳng sợ sẽ có hậu quả gì. “Mua cái này là sai pháp luật, nhưng ở Việt Nam có tiền mua cái gì chẳng được."

Săn càng nhiều, giá càng tăng

Cơn sốt sừng tê tại Việt Nam khiến nạn dịch săn trộm tê giác bùng lên ở mức chưa từng có, khắp từ Châu Phi tới Châu Á. Con tê giác cuối cùng tại Mozambique đầu tháng 5 này được xác nhận là đã chết.

Thường thì bọn săn trộm hay cưa sừng ngay khi tê giác còn sống, và con tê giác chỉ chết sau đó vì mất máu

Một con tê giác bị sát hại ở đồi Karbi, gần vườn quốc gia Kaziranga ở Ấn Độ
(AP Photo)

Ở một số nơi, số vụ giết tê giác ít đi đơn giản là vì chẳng còn tê giác để mà giết. Hãy thử nhìn xu hướng săn trộm ở Zimbabwe:

Nghịch lý ở chỗ, số tê giác giảm xuống chỉ càng làm vấn đề tệ hơn, vì nguồn cung giảm đẩy giá càng tăng thêm. Vì một trong những yếu tố thúc đẩy nhu cầu là việc người ta xem sừng tê là “đồ xa xỉ”, nên chỉ riêng giá tăng đã khiến người ta phát điên lên vì tê giác.

Một cái sừng đã đắt tới 300.000 USD, nên có bị tóm cũng phải ráng trộm thử.

Đó là lý do vì sao trận chiến chống săn trộm đang mất dần thế trận. Dù Nam Phi đã rất tích cực bảo vệ loài tê giác trắng, nhưng vẫn có tới 668 con bị săn trộm riêng trong năm 2012, tăng 50% so với năm trước.

Riêng kiểm lâm Việt Nam thì chẳng có gì phải lo. Việc của họ xong lâu rồi. Hồi năm 2010, con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam đã chết, chân ăn một phát đạn, còn sừng bị cắt cụt.

Từ một góc nhìn khác, chuyên gia Stephane Ringuet của tổ chức WWF cho rằng 99% sừng tê giác nhập lậu vào Việt Nam lại "chảy" sang Trung Quốc.

Kiều Thái

tuannm

The Atlantic

Trở lên trên