MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ lĩnh đối lập bị ám sát, chính trường Nga ngột ngạt

01-03-2015 - 15:13 PM | Tài chính quốc tế

Ông Boris Nemtsov bị bắn chết tối 27-2 giữa trung tâm Matxcơva. Ủy ban điều tra của Nga đang xem xét khả năng vụ ám sát nhằm gây bất ổn chính trị cho Nga.

Ông Nemtsov, 55 tuổi, bị bắn khi vừa rời một nhà hàng và đang đi bộ trên cầu Bolshoi Moskvoretsky (không xa điện Kremlin) cùng một phụ nữ Ukraine vào khoảng 23g40 (3g40 sáng 28-2, giờ VN). Kẻ ám sát nổ súng từ một chiếc xe màu trắng rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Điều tra hình sự

Hãng Itar-Tass đưa tin Ủy ban điều tra Nga đã mở cuộc điều tra hình sự vụ ám sát ông Nemtsov. Báo cáo ban đầu cho thấy vụ ám sát được chuẩn bị tỉ mỉ và việc lựa chọn địa điểm gây án cho thấy hung thủ đã theo dõi và nắm được kế hoạch đi lại của ông.

Ngoài ra, việc sáu vỏ đạn được tìm thấy tại hiện trường có xuất xứ từ nhiều công ty khác nhau cũng gây khó khăn cho việc điều tra. Ủy ban đang xem xét khả năng vụ ám sát nhằm gây bất ổn chính trị cho Nga.

Người phát ngôn của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cho biết Tổng thống Vladimir Putin lên án vụ giết hại và cho rằng đây có thể là “một sự khiêu khích” trong bối cảnh phe đối lập có kế hoạch biểu tình quy mô lớn tại Matxcơva (vào ngày 1-3).

Tổng thống Putin cũng gửi lời chia buồn, đồng thời cho biết sẽ đích thân chỉ thị cho các điều tra viên kinh nghiệm nhất. Phó chủ tịch Duma Nga (Quốc hội) Sergey Neverov tuyên bố sẽ theo sát vụ điều tra.

Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm vụ ám sát và cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã lên tiếng cảnh báo không nên đưa ra kết luận vội vàng. “Một số nhóm sẽ lợi dụng vụ ám sát. Chúng đang nghĩ cách loại bỏ ông Putin” - Reuters dẫn lời ông Gorbachev.

Trong khi đó, Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án vụ “giết hại dã man” ông Nemtsov.

Tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, Nhà Trắng kêu gọi Chính phủ Nga tiến hành một “cuộc điều tra khẩn trương, vô tư và minh bạch” và “đảm bảo những kẻ chịu trách nhiệm phải được đưa ra trước công lý”.

Tổng thống Pháp François Hollande cũng lên án vụ giết hại ông Nemtsov, trong khi Thủ tướng Canada Stephen Harper kêu gọi một cuộc điều tra độc lập đối với vụ việc.

Ông Michael McFaul - cựu đại sứ Mỹ tại Nga - nhận định vụ ám sát là một trong những cú sốc lớn nhất tại Nga trong suốt một thời gian dài. “Vụ việc chỉ cách Kremlin 100m và không có cảnh sát nào gần đó có thể ngăn chặn những kẻ ám sát” - ông viết trên Twitter.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng vụ ám sát đã phá hủy “chiếc cầu nối giữa Ukraine và Nga”.

Nhiều kẻ thù

Vài giờ trước khi bị bắn, ông Nemtsov có bài phát biểu trên đài phát thanh kêu gọi người dân tham gia cuộc tuần hành dự kiến diễn ra vào hôm nay (1-3). “Yêu cầu chính là kêu gọi chấm dứt ngay cuộc chiến Ukraine” - ông nói trên đài Echo of Moscow và kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin từ chức.

Ông Ilya Yashin, thành viên đảng của ông Nemtsov, cho biết lãnh đạo của mình đang soạn báo cáo về sự tham gia của binh lính Nga vào cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và ông khăng khăng vụ sát hại có động cơ chính trị.

Nhà phân tích chính trị người Nga Stanislav Belkovsky, giám đốc Viện Chiến lược quốc gia, cho rằng cái chết của ông Nemtsov không có lợi gì cho ông Putin và tình hình đang bị thổi phồng trong bầu không khí ngột ngạt trên chính trường Nga sau vụ sáp nhập Crimea.

Reuters nhận định phe đối lập Nga đang đứng trước ngã ba đường sau cái chết của ông Nemtsov. Giới phân tích cũng cho rằng dù chưa biết ai sát hại ông Nemtsov và vì lý do gì, nhưng điều nhìn thấy trước mắt là thông điệp cảnh báo ẩn chứa trong vụ ám sát.

“Khi phe đối lập nhìn thấy hình ảnh thi thể Boris Nemtsov nằm trên đường, đằng sau là điện Kremlin, họ hiểu rằng đó là một thông điệp trực tiếp gửi cho họ” - nhà báo Julia Ioffe nói trên CNN.

Ông Nemtsov trong một lần diễn thuyết ở Matxcơva hồi tháng 12-2011 - Ảnh: Reuters

 

“Cậu bé vàng” một thời của chính trường Nga

Trước khi bị bắn chết, cựu phó thủ tướng Boris Nemtsov là nhân vật chỉ trích công khai các chính sách của Tổng thống Vladimir Putin, từ cuộc khủng hoảng Ukraine đến sự suy thoái kinh tế và trước đó là tham nhũng ở Thế vận hội mùa đông Sochi 2014. Là một người được mô tả là hài hước, bao dung nhưng tiếng nói của ông trở nên gay gắt khi chỉ trích nạn tham nhũng.

Ông Nemtsov khởi nghiệp là nhà khoa học rồi trở thành nhà hoạt động môi trường và tham gia chính trị kể từ khi tham gia phản đối xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ngay sau thảm họa Chenobyl.

Ông giải thích rằng mình được mẹ truyền cảm hứng rất lớn. “Bà thu thập chữ ký phản đối (nhà máy điện hạt nhân) và tôi rất sợ họ sẽ tống bà vào tù. Vì vậy tôi sát cánh bên mẹ để đảm bảo không ai động đến bà” - ông kể.

Ở tuổi 30, ông giành được một ghế trong Quốc hội Nga năm 1990, sát cánh bên Tổng thống Boris Yeltsin qua cuộc đảo chính bất thành và được “tưởng thưởng” bằng vị trí tỉnh trưởng Nizhny Novgorod, miền Trung nước Nga.

Trẻ, có tài hùng biện, giỏi tiếng Anh và biết nắm bắt truyền thông, ông Nemtsov nhanh chóng nổi lên thành “cậu bé vàng” trên chính trường và thậm chí từng được đồn đoán sẽ là người thay thế ông Yeltsin làm tổng thống.

Ông được bổ nhiệm giữ chức phó thủ tướng Nga vào cuối những năm 1990, nhưng rồi sự nghiệp của ông tiêu tan cùng với cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998.

Hoạt động chính trị không thành công khi ông Putin lên nắm quyền buộc ông Nemtsov lui về làm kinh doanh. Ông tranh cử thị trưởng ở quê nhà Sochi năm 2009 nhưng thất bại nặng nề.

Ông bị các nhóm thân Kremlin chỉ trích là con rối của phương Tây và toan tính đưa nước Nga về lại thời hỗn loạn những năm 1990.

Năm 2011, ông xuất hiện trở lại và trở thành bộ mặt của phe đối lập chỉ trích gay gắt chính quyền ông Putin. Ông tham gia tổ chức cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối cuộc bầu cử năm 2011 khi ông Putin lên nắm quyền trở lại và bị bắt giam 15 ngày. Ông là lãnh đạo Đảng Cộng hòa Nga/Đảng Tự do nhân dân kể từ năm 2012 và là thủ lĩnh một số phong trào đối lập.

Năm 2013, ông Nemtsov công bố báo cáo vạch trần tham nhũng trong kế hoạch tổ chức Thế vận hội Sochi 2014, kỳ thế vận hội tốn kém nhất trong lịch sử. Thế vận hội ước tính tiêu tốn khoảng 12 tỉ USD, nhưng chi phí cuối cùng lên đến 51 tỉ USD. Ông Nemtsov cáo buộc 60% chi phí, khoảng 30 tỉ USD, bị các quan chức biển thủ.

Theo Trần Phương

PV

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên