Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bất ngờ đệ đơn từ chức
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Prokopis Pavlopoulos đồng thời kêu gọi tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.
- 20-08-2015Yanis Varoufakis trải lòng về cuộc chiến kéo dài 5 tháng để cứu Hy Lạp
- 19-08-2015Chính phủ Hy Lạp nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn
- 19-08-2015Fitch nâng mức tín nhiệm tín dụng của Hy Lạp lên một cấp
- 18-08-2015Gói cứu trợ 86 tỷ euro liệu có mang lại phép màu cho Hy Lạp
Ngày 20/8, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Prokopis Pavlopoulos đồng thời kêu gọi tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Pavlopoulos, ông Tsipras cho rằng Quốc hội hiện nay không thể giúp Chính phủ Hy Lạp có được đa số và không tạo nên một Chính phủ đoàn kết dân tộc.
Theo ông Tsipras, nhân dân Hy Lạp lúc này sẽ phải quyết định, phải làm rõ bằng là phiếu của mình rằng Hy Lạp sẽ vượt qua thời điểm khó khăn này ra sao, cũng như ai có thể đàm phán như thế nào.
Thủ tướng Tsipras cũng thừa nhận kết quả đàm phán với các chủ nợ quốc tế chưa được như mong muốn, song nhấn mạnh Athens đã qua giai đoạn khó khăn khi các bộ trưởng Tài chính khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) thông qua gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (tương đương 95 tỷ USD) cho Hy Lạp.
Trước đó, Thủ tướng Tsipras đã bất ngờ triệu tập một phiên họp Nội các bất thường để thông báo về việc ông sẽ tuyên bố từ chức cũng như kế hoạch tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.
Việc thành lập một Chính phủ lâm thời cũng đã được xác định và người có khả năng nắm tạm quyền điều hành đất nước trong một chính phủ quá độ là nữ Chủ tịch Tòa án Tối cao Hy Lạp Vassiliki Thanou-Christofilou.
Hãng tin ANA của Hy Lạp dẫn nguồn tin chính phủ nước này cho biết cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn có thể diễn ra vào ngày 20/9 tới.
Thủ tướng Hy Lạp Tsipras từng đề cập tới khả năng tổ chức bầu cử trước hạn nếu như ông không giành được đa số ủng hộ tại Quốc hội để thực thi các cam kết cải cách với các chủ nợ quốc tế.
Khả năng này cũng được ông Tsipras nêu ra nhằm gây áp lực lên đảng cánh tả SYRIZA cầm quyền khi thông qua 2 dự luật về cải cách và thắt chặt chi tiêu.
Điều đáng chú ý là các dự luật này được thông qua nhờ những lá phiếu ủng hộ của các nghị sỹ đối lập trong Quốc hội, chứ không phải nhờ lá phiếu của những nghị sỹ thuộc đảng SYRIZA cầm quyền.
Quyết định từ chức được Thủ tướng Tsipras đưa ra ngay sau khi Hy Lạp thanh toán khoản nợ đáo hạn 3,2 tỷ euro (tương đương 3,56 tỷ USD) cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Theo TTXVN