MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng Singapore nghĩ gì về khủng hoảng Ukraine?

23-04-2014 - 09:19 AM | Tài chính quốc tế

Có lẽ phương Tây không lường trước được kết quả của những gì xảy ra ở Ukraine.

"Ăn trưa với FT" (Lunch with the FT) là chuyên mục đặc biệt của tờ báo nổi tiếng trong giới tài chính Financial Times. Các phóng viên của FT sẽ có bữa trưa kết hợp phỏng vấn với những nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới hiện nay. Trong bài báo này, nhân vật mà phóng viên Gideon Rachman của FT phỏng vấn là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Chúng tôi xin lược dịch và giới thiệu tới bạn đọc. 

Singapore có một nền chính trị khá đặc biệt – Đảng Hành động nhân dân (PAP) đã nắm quyền kể từ khi Singapore dành được quyền tự chủ năm 1959. Nhiều nhà phân tích cho rằng mặc dù các cuộc bẩu cử vẫn được tổ chức hàng năm, thực tế chỉ có một Đảng duy nhất lãnh đạo đất nước. Trong cuộc bầu cử gần đây nhất năm 2011, các đảng đối lập giành được sự ủng hộ bất ngờ lên tới 40%. Tuy vậy, PAP vẫn giành được 81 trên tổng số 87 ghế trong quốc hội. Vì vậy, ông đã bao giờ dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ngày PAP không còn lãnh đạo Singapore nữa?

“Có thể lắm chứ” ông trả lời nhẹ nhàng. “Tôi không biết đến khi nào nhưng điều này có thể dự đoán được”. Sau đó, ông còn ẩn ý rằng PAP đã bắt đầu xem xét việc thành lập một chính phủ liên minh. 

Nhân viên phục vụ bắt đầu mang lên món chính. Hôm nay, chúng tôi đều chọn món cá – cá bơn nướng khá hấp dẫn. Tôi bắt đầu dùng bữa nhưng ngài thủ tướng hầu như không động vào món ăn một chút nào.

Nóng bỏng vấn đề Ukraine

Sau khi món chính được giải quyết, tôi tiếp tục câu chuyện về các vấn đề quốc tế. Ở châu Âu, tất cả mọi người đều đang quan tâm đến cuộc khủng hoảng chính trị Ukraina. Vì vậy, tôi hỏi ông điều này có ảnh hưởng gì đến Singapore không.

“Đó không phải là tâm điểm chú ý của người dân, nhưng chuyện này cũng có liên quan đến chúng tôi. Thậm chí, tôi đã đăng một lời bình luận trên Facebook và tôi khá ngạc nhiên khi nó nhận được rất nhiều sự quan tâm và phản hồi. Singapore là một đất nước nhỏ, chúng tôi phụ thuộc vào các thỏa thuận, điều ước và chính sách luật quốc tế. Vì vậy, chúng tôi sẽ gặp nhiều rắc rồi nếu như các qui tắc này bị bỏ qua hay xâm phạm. Ông cũng chỉ ra, lãnh thổ của Ukraina được đảm bảo bởi thỏa thuận giữa Anh, Mỹ và Nga.

Câu hỏi tiếp theo tập trung vào phản ứng của các nước phương Tây và ý kiến của ông: liệu các biện pháp này đã đủ mạnh?

“Tôi không nghĩ họ có thể làm gì hơn. Các bạn nên nghĩ đến hậu quả trước khi kích động phong trào biểu tình của những người ủng hộ thân châu Âu - “Maidan”.  

Vậy hành động này của phương Tây có được coi là thiếu trách nhiệm?

“Tôi nghĩ rằng có thể họ không lường trước được mọi kết quả. Anh có thể hiểu đấy, vấn đề là cảm xúc nhất thời:  họ chia sẻ giá trị của bạn, họ muốn liên minh với bạn … một loạt lý tưởng cách mạng và nhiệt tình, anh có thể so sánh nó với Những người khốn khổ (Les Mis). Nhưng liệu anh có thể chịu trách nhiệm với những hậu quả sau đó, và khi đối mặt với kết cục tồi tệ nhất, ai sẽ đứng ra giải quyết?” Ông cũng đồng thời trả lời câu hỏi của mình: “Anh sẽ không ở đó, anh có nhiều thứ khác phải quan tâm hơn”.

Lối sống Singapore

Chúng tôi tiếp tục dùng món tráng miệng. Tôi yêu thích vị sốt dẻo của món kem mâm xôi, nhưng một miếng bánh ngọt sô-cô-la có vẻ không vừa ý lắm. Trong menu chuẩn bị riêng cho thủ tướng, thực đơn của ông là món tráng miệng creme brulee vị hạt dẻ cười. Nó trông giống như một bát đầy quả mâm xôi và dâu tây vậy. Một lần nữa, ông không động một chút nào vào món tráng miệng rất hấp dẫn đó. Tôi phải cố gắng lắm mới kiềm chế không động vào những quả mâm xôi ở chén đối diện. 

Trong nhiều trường hợp, đây có thể coi là một sự hớ hênh. Nhưng nó càng thêm khắc sâu cảm nhận của tôi về người Singapore khi chính phủ đã rất nỗ lực xây dựng nếp sống văn minh và lịch sự trong dân chúng. Qua hàng thập kỷ, Singapore đã thực hiện nhiều cuộc vận động lớn để những qui tắc này đi sâu vào cuộc sống như việc để tóc gọn gàng, xếp hàng khi lên tàu hay không lấy quá đầy dĩa đồ ăn khi ăn buffet…

Ngài thủ tướng là người bảo trợ cho phong trào Văn hóa Singapore (Singapore Kindness Movement) giúp thúc đẩy lối sống tốt đẹp hơn trong xã hội. Khi được hỏi liệu đất nước của ông đã “sáng sủa” hơn nhiều chưa, ông Lý chỉ cười nhẹ và đáp: “Tôi cho rằng mọi việc đang trở nên tốt đẹp hơn. Nó không có nghĩa mọi thứ đã hoàn hảo nhưng nó thêm nhiều tự do và bình đẳng”. 

Khủng hoảng tài chính luôn tồn tại

Khi người phục vụ đến, ông Lý gọi một tách trà – khi nửa ngày còn chưa trôi qua hết. Tôi gọi một ly espresso đậm đặc. Cuộc nói chuyện của chúng tôi dẫn dắt đến vai trò của Singapore như một trung tâm tài chính. Thụy Sĩ đang phải chịu nhiều áp lực về vấn đề bảo mật ngân hàng, trong khi đó Singapore được coi là một bến đỗ an toàn cho các dòng tiền quốc tế không ổn định. Tôi băn khoăn liệu Singapore có chú ý đến dòng vốn chảy vào từ Thụy Sĩ.

“Tôi không biết các dòng vốn đến từ đâu” ông trả lời với thái độ mơ hồ khác thường. “Hệ thống ngân hàng tư nhân của chúng tôi đang dần được tăng cường. Tôi nghĩ một vài ngân hàng có thể có nguồn gốc từ khu vực này.”

Trở thành một trung tâm tài chính có thể đem lại rất nhiều lợi nhuận nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều bất ổn. Khi ông Lý nhấp từng hụm trà của mình, tôi tiếp tục hỏi ông có lo sợ một cơn bão tài chính nữa sẽ đến không.

“Theo một cách nào đó, các cuộc khủng hoảng tài chính luôn tồn tại” ông khẳng định chắc chắn: “Đây là điều căn bản trong nguyên lý của hệ thống tư bản. Bạn chỉ hi vọng rằng mình đã thực hiện đủ các biện pháp phòng tránh và quản lý, nhưng trong thực tế điều này khó mà thực hiện được.”

Tuy nhiên, chúng ta sẽ trở lại với vấn đề khủng hoảng vào một buổi nói chuyện khác. Thời gian buổi sáng đã hết, và ông Lý có cuộc hẹn tiếp theo ở phía kia của thành phố. Khi chúng tôi kết thúc, tôi đặt thêm một câu hỏi cá nhân liệu ông có bao giờ cảm thấy thiếu sự riêng tư – như lời than thở của Barack Obama rằng ông không bao giờ có thời gian để một mình đi dạo hiệu sách. 
“Tôi không phải Obama” ông đáp luôn với những lý lẽ của mình. “Tôi cũng có kinh nghiệm đi dạo trong hiệu sách. Mọi người nhận ra và đến chào hỏi, thậm chí xin chụp ảnh selfie cùng tôi. Nhưng điều này còn tốt hơn là họ vờ như không thấy; tôi sẽ rất buồn!” 

Chúng tôi bắt tay khi tiễn ông ấy đến sự kiện Singapore Day. Ông ấy còn rất nhiều việc phải làm: gặp gỡ mọi người, đưa ra các quyết định – và thậm chí cần chụp nhiều tấm hình selfie nữa.

Thảo Phương

huongnt

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên