Thuốc lá - Nút thắt của TPP ở Quốc hội Mỹ
Mỹ đã phải loại bỏ các điều luật liên quan đến thuốc lá ra khỏi hiệp định TPP. Không có gì lạ khi điều này khiến các nghị sĩ ở Quốc hội Mỹ phải lo lắng, đặc biệt là lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell – người đại diện cho Kentucky là bang sản xuất thuốc lá nhiều nhất ở Mỹ.
- 19-10-2015TPP - Lực đẩy cho hàng "Made in Vietnam"
- 15-10-2015Đừng vội thở phào trước TPP
- 13-10-2015TPP và trật tự thế giới mới
Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ thúc đẩy dòng chảy của hàng nghìn loại hàng hóa nhờ dỡ bỏ thuế, phí, hạn ngạch và nhiều rào cản thương mại khác. Tuy nhiên, đối với một số loại hàng hóa, TPP lại gây nhiều tranh cãi bởi những ngành đang được bảo hộ sẽ phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mới. Trong số đó có một sản phẩm luôn được nhắc tới trong các cuộc tranh luận về TPP trên chính trường Mỹ: thuốc lá.
Mỹ đã phải loại bỏ các điều luật liên quan đến thuốc lá ra khỏi hiệp định TPP. Không có gì lạ khi điều này khiến các nghị sĩ ở Quốc hội Mỹ phải lo lắng, đặc biệt là lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell – người đại diện cho Kentucky là bang sản xuất thuốc lá nhiều nhất ở Mỹ.
Chính xác thì thuốc lá bị loại khỏi quy định nào? Mấy chục năm gần đây, các Chính phủ đã sử dụng các hiệp ước và thỏa thuận thương mại để đem đến sự bảo vệ đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài. Có lẽ dựa trên giả định rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang bị các nước đối xử tồi tệ hơn so với nhà đầu tư trong nước, những đặc quyền này ngày càng mở rộng và đã xuất hiện trong hàng nghìn hiệp ước trên toàn cầu. Đây cũng là một trong những điều khoản của TPP.
Những tiếng nói phản đối cho rằng những ưu đãi này đã trở thành công cụ để hăm dọa và là lợi thế cho các công ty thuốc lá khi xảy ra tranh chấp chứ không phải là một cách để khuyến khích đầu tư như những người ủng hộ vẫn lập luận. Có vẻ như điều này là đúng. Có rất ít dẫn chứng cho thấy các điều khoản này thúc đẩy đầu tư, trong khi có vô số những trường hợp các tập đoàn đa quốc gia thách thức luật lệ của nước sở tại.
Quay trở lại với thuốc lá, đây vốn là sản phẩm rất nhạy cảm. Trong số hàng trăm vụ tranh chấp chỉ có 2 vụ liên quan đến thuốc lá nhưng chúng đều nổi tiếng. Phillip Morris thách thức các quy định về đóng gói mà Chính phủ Australia đưa ra và cũng chính hãng này kiện Chính phủ Uruguay vì các quy định về hình ảnh in trên bao thuốc.
Hai vụ kiện này dẫn đến những lời buộc tội rằng ngành thuốc lá đang lạm dụng các đặc quyền. Có phải Phillip Morris chỉ là “kẻ nhỏ mọn”? Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.
Nguyên nhân nằm ở phạm vi của luật đầu tư. Theo truyền thống, các công ty có thể đâm đơn kiện những quy định phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, họ còn có thể kiện nếu các Chính phủ có hành vi được cho là ở dưới “tiêu chuẩn tối thiểu”. Các Chính phủ có nghĩa vụ phải hành động một cách công bằng, bình đẳng. Trong khi đó các công ty và cá nhân thường xuyên tin rằng họ đang bị đối xử một cách thiên lệch. Do đó Phillip Morris đâm đơn kiện không phải là hành vi lạm dụng pháp luật. Hãng này tin rằng họ đang bị đối xử tồi tệ và đang đâm đơn kiện một cách hợp pháp.
Cách rõ ràng nhất để cải cách hệ thống luật pháp là loại bỏ các tiêu chuẩn tối thiểu và tập trung vào điều khoản không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, giải pháp này đối mặt với sự phản đối gay gắt từ các doanh nghiệp đang muốn duy trì quyền lực và có ưu thế trước những chính sách mà họ không mong muốn.
Gạt bỏ những vấn đề liên quan đến luật pháp sang một bên, chính trị lại trở thành yếu tố then chốt. Loại bỏ thuốc lá là một nỗ lực nhằm cân bằng giữa yêu cầu của các nhóm y tế công cộng (những người muốn siết chặt quản lý các công ty thuốc lá) và những lợi ích của doanh nghiệp (những người muốn giữ nguyên hiện trạng). Tuy nhiên, giờ đây chính trường Mỹ đang thay đổi. Các công ty thuốc lá chắc hẳn đã có một thời kỳ khó khăn khi các nước chưa đạt được thỏa thuận. Còn hiện nay, họ đã có được tiếng nói mạnh mẽ nhờ Thượng nghị sĩ McConnell. Trong lá thư được gửi tới Đại diện thương mại Mỹ Micheal Froman, ông đã yêu cầu ngài Froman không tạo ra một tiền lệ mới cho các cuộc đàm phán thương mại khi loại bỏ một nông sản đặc biệt của Mỹ mà trong trường hợp này là thuốc lá.
TPP có rất nhiều phần gây tranh cãi, và sự thành bại của nó không hoàn toàn phụ thuộc vào vấn đề thuốc lá. Tuy nhiên, các hiệp định tự do thương mại thường tạo nên những kết quả xít xao trong Quốc hội Mỹ, trong khi thuốc lá có tác động rất lớn đến kết quả của cuộc bỏ phiếu.