MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền lương - Lời giải cho bài toán kinh tế thế giới

16-09-2014 - 14:11 PM | Tài chính quốc tế

Các nền kinh tế sẽ không thể phục hồi một cách nhanh chóng và bền vững nếu như tiền lương tiếp tục "đóng băng" như hiện nay.

Các NHTW thường quen với việc phải chống lại lạm phát tiền lương và vẫn lo ngại nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng tiền lương giống như những năm 1970. Tuy nhiên, kể từ sau khủng hoảng tài chính, họ bắt đầu phải lo ngại về một kịch bản hoàn toàn trái ngược: xu hướng tiền lương trì trệ và nguy cơ giảm phát.

Theo báo cáo thường niên “Triển vọng thị trường lao động” được xuất bản ngày 3/9, trong giai đoạn 2010 – 2013, tiền lương tại các nước thuộc OECD gần như không đổi. Cũng trong thời kỳ này, tiền lương thực tế gần như không tăng ở Mỹ và thậm chí giảm khá mạnh ở eurozone và Nhật Bản. Mức giảm cao nhất nằm ở các nước ngoại vi khu vực đồng tiền chung châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, thậm chí tiền lương thực tế tại Anh cũng giảm.

Xu hướng này tất nhiên sẽ tác động đến nền kinh tế nhưng phần lớn đều khó thể tránh khỏi. Tiền lương thực tế chỉ có thể tăng trong dài hạn nếu năng suất tăng lên. Nếu năng suất lao động giảm (như ở Anh kể từ năm 2007 đến nay), tiền lương thực tế cũng sẽ phải điều chỉnh giảm. Trong khi đó, các nước chịu khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung châu Âu cần giảm bớt chi phí lao động để tăng khả năng cạnh tranh với các nước láng giềng phương Bắc.

Ở hầu hết các nước phát triển (ngoại trừ Anh và Italia), năng suất lao động đang tăng trở lại. Hơn nữa, áp lực giảm lương do tỷ lệ thất nghiệp lớn cũng dần được nới lỏng tại một số quốc gia, bao gồm Anh và Mỹ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp khu vực đồng euro vẫn duy trì ở mức 11,5%. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm từ mức đỉnh điểm 10% vào năm 2009 xuống còn 6,2%, tiền lương danh nghĩa (tiền lương không được điều chỉnh theo lạm phát) tăng trưởng chậm chạp. 

Ở khu vực kinh tế tư nhân, lương đã tăng khoảng 3,5% mỗi năm trước thời kỳ khủng hoảng nhưng hiện tỷ lệ tăng trưởng chưa đến 2%/ năm. Tại Anh, quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 8,4% xuống 6,4%, tiền lương danh nghĩa tăng 0,6%/ năm, thấp hơn so với mức trung bình trước thời kỳ khủng hoảng (4%).

Các xu hướng khác nhau trong nguồn cung lao động góp phần giải thích tại sao lương ở Anh tăng chậm hơn ở Mỹ. Tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động tại Anh (tỷ lệ người trưởng thành đang làm việc hoặc đang tìm kiếm việc làm) đã quay trở lại mức đỉnh 64% và con số này hứa hẹn vẫn sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Mỹ đã giảm 3 điểm phần trăm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính và hiện đang duy trì ở mức 63%.

Tìm ra nguyên nhân khiến tỷ lệ tham gia lực lượng ở mức thấp sẽ là điều quan trọng quyết định khi nào Fed nâng lãi suất. FED đã sớm nhận thấy tiền lương danh nghĩa thấp xuất phát từ chính thị trường lao động, chứ không phải từ tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, nữ Chủ tịch Janet Yellen mới đây lại cho rằng tiền lương suy yếu dễ gây nên những phán đoán sai lầm. Nghiên cứu gần đây của Cục dự trữ liên bang San Francisco cho thấy, nhiều chủ sử dụng lao động “đóng băng” tiền lương trong thời kỳ suy thoái kinh tế vì người lao động kiên quyết chống lại việc cắt giảm lương. Các chủ sử dụng lao động không thể tự ý cắt giảm tiền lương của nhân viên trong thời kỳ kinh tế khó khăn nhưng cũng không tăng lương cho họ khi nền kinh tế khởi sắc. Tuy nhiên, một khi giảm phát tiền lương chấm dứt, tiền lương sẽ ngay lập tức tăng trở lại. 

Báo cáo mới nhất cho thấy cả Mỹ và OECD đều lưỡng lự trong việc cắt giảm tiền lương doanh nghĩa. Từ năm 2007 đến 2010, số lượng người lao động bị “đóng băng” tiền lương đã tăng chóng mặt. Chẳng hạn, ở Tây Ban Nha, tỷ lệ lao động bị đóng băng tiền lương tăng từ 3% năm 2008 lên 22% năm 2012.

Thống đốc Ngân hàng TW Nhật Bản, ông Haruhiko Kuroda cũng bày tỏ lo lắng tiền lương tăng trưởng yếu sẽ làm gia tăng khó khăn trong việc đánh bại giảm phát tại quốc gia này. Mặc dù chương trình nới lỏng định lượng mới đã thành công hơn so với trước đó, tiền lương vẫn tăng trưởng chậm chạp. Mặc dù thu nhập tiền mặt đã tăng 2,6% trong 7 tháng đầu năm, tuy nhiên, mức tăng chủ yếu do các khoản thưởng và thu nhập không thường xuyên mang lại. Lương cố định chỉ tăng 0,7%, mức tăng thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ lạm phát. “Có lẽ, chúng ta cần một “bàn tay hữu hình” kiểm soát và chi phối tiền lương” – ông Haruhiko cho biết.

Chí ít thì giải pháp này cũng đem lại hiệu quả (dù không nhiều) ở Nhật Bản. Tuy nhiên, giải pháp ấy không có ý nghĩa gì đối với eurozone - nơi giảm phát vẫn là một mối đe dọa. Lạm phát ở đây chỉ tăng 0,3% trong tháng 8, nhưng đối với một "câu lạc bộ tiền tệ" như eurozone, cho phép tiền lương biến động linh hoạt là điều sống còn để tạo ra sự linh hoạt về tiền tệ.

Nếu tiền lương tăng lên ở Đức, áp lực điều chỉnh giảm ở các nền kinh tế kém cạnh tranh hơn của eurozone sẽ không quá khắc nghiệt như hiện nay. Đó là lý do tại sao ông Jens Weidmann, người đứng đầu Ngân hàng TW Đức đang ra sức kêu gọi tăng lương. NHTW châu Âu (ECB) cũng có thể hành động mạnh mẽ hơn để nâng lạm phát đến gần mức mục tiêu 2%. 

Dĩ nhiên, tiền lương không chỉ quan trọng đối với các NHTW. Tiền lương không chỉ là yếu tố sống còn đối với riêng các ngân hàng. Tiêu dùng yếu sẽ kéo theo thuế thu nhập thấp, khiến các chính phủ gặp khó khăn trong điều chỉnh nền tài chính công. Lương tăng chậm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế hộ gia đình, và khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Thậm chí, sự phục hồi bền vững của các nước giàu cũng có nguy cơ bị dao động nếu như tiền lương vẫn tiếp tục “đóng băng”.

Hường Trịnh

huongtt

Economist

Trở lên trên