Tổng giám đốc IMF: Kinh tế thế giới tăng trưởng đáng thất vọng
IMF cho rằng những chính sách không thống nhất và thiếu minh bạch thông tin sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền cho các nước trên thế giới, vốn đang hưởng lợi ích từ các chính sách tiền tệ nói trên.
- 25-09-2014Ukraine kêu gọi IMF, Phương Tây tăng cường hỗ trợ tài chính
- 18-09-2014IMF cảnh báo: Kinh tế thế giới trước nguy cơ đe dọa mới
- 08-09-2014Đại diện IMF tại Việt Nam: VAMC là bước đi đúng hướng
Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 2/10 kêu gọi chính phủ các nước thực thi các biện pháp cứng rắn hơn và tăng cường nỗ lực đa phương tiếp sức cho kinh tế thế giới sau khi cho biết nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng yếu hơn so với mức dự báo.
Phát biểu tại một sự kiện trước thềm hội nghị thường niên IMF-Ngân hàng thế giới (WB), bà Lagarde bày tỏ thất vọng trước triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay. Bà Lagarde chỉ rõ sáu năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, bức tranh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều mảng tối. Theo bà, có nhiều điểm "mập mờ" xung quanh chính sách tiền tệ của các nước phát triển, trong đó có việc Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) từng bước thu hẹp gói cứu trợ thứ ba (QE-3).
IMF cho rằng những chính sách không thống nhất và thiếu minh bạch thông tin sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền cho các nước trên thế giới, vốn đang hưởng lợi ích từ các chính sách tiền tệ nói trên.
Bên cạnh đó, những căng thẳng tại khu vực Trung Đông và Ukraine, diễn tiến khó kiểm soát của dịch bệnh Ebola cũng là những yếu tố kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, gây ra những biến động cho thị trường tài chính, thương mại và giá hàng hóa. Tổng Giám đốc Lagarde cảnh báo thế giới và các nước Tây Phi nằm trong vùng dịch Ebola sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn nếu như không ngăn chặn kịp thời dịch bệnh gây chết người này.
Cũng trong bài phát biểu, bà Lagarde dự báo kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2015 với sự phát triển không đồng đều giữa các nước. Trong số những nền kinh tế phát triển, Mỹ và Anh được kỳ vọng có sức bật mạnh nhất, đặc biệt sau khi Mỹ ghi nhận nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực trên thị trường lao động và nhà đất.
Trong khi đó, Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn, còn các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng yếu nhất.
Đối với các nước đang phát triển và mới nổi, bà Lagarde chỉ rõ Trung Quốc và một số nước châu Á sẽ tiếp tục đi đầu trong các hoạt động kinh tế toàn cầu, song tốc độ có phần suy giảm so với trước đó.
Trước tình hình không mấy khả quan trên, Tổng Giám đốc IMF kêu gọi chính phủ các nước cần có những cải cách thiết yếu nhằm nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và thúc đẩy thị trường lao động.
Dự kiến, IMF sẽ công bố báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" vào tuần tới, trong đó nhiều khả năng thể chế tài chính này sẽ điều chỉnh giảm mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014./.