Top 10 nước năng lực cạnh tranh tốt nhất thế giới
Thụy Sĩ, Singapore và Mỹ tiếp tục giữ vững 3 vị trí đầu bảng các nước có năng lực cạnh tranh tốt nhất thế giới, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) của Diễn đàn kinh tế Thế Giới (WEF).
Báo cáo nhận định hầu hết các nền kinh tế đã có sự phục hồi từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại khiến kinh tế toàn cầu không thể tăng trưởng nhanh như đã làm được trước đó. Sự phục hồi yếu dần và kéo dài hơn dự báo. "Các nước có nền kinh tế phát triển đều có sự sụt giảm so với thập kỷ trước, chỉ có Trung Quốc (xếp thứ 28) và Ấn Độ (xếp thứ 55) là hai trường hợp ngoại lệ”, theo Bussiness Insder.
Trong khi Ấn Độ tăng 16 bậc thì Brazil rớt hạng nặng nề xuống vị trí 75, mất 18 bậc và là thành viên có biểu hiện tệ nhất khối BRICS. Ngoài ra, Báo cáo cho biết, các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển tại châu Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới từ 2005 đến nay. Khu vực kinh tế năng động này chiếm 30% GDP toàn cầu, trong đó riêng Trung Quốc đã góp 16%. Các nền kinh tế tại Đông Nam Á, Malaysia (xếp thứ 18), Thái Lan ( xếp thứ 32), Indonesia (xếp thứ 37) và Philippines (xếp thứ 47) và Việt Nam (xếp thứ 56), khá năng động nhưng có tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng và phổ cập công nghệ chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng.
Biểu đồ năng lực cạnh tranh các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển ở châu Á. Nguồn: WEF Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu là báo cáo thường niên nhằm vẽ ra bức tranh toàn cảnh về yếu tố thúc đẩy cạnh tranh, năng suất và sự thịnh vượng tại các quốc gia. Năng lực cạnh tranh được xác định dựa vào: “tập hợp các tổ chức, chính sách và các yếu tố có tính quyết định đến năng suất của một nền kinh tế, từ đó thiết lập mức độ thịnh vượng của đất nước đó”. Những chỉ số này được xác định dựa vào cơ sở hạ tầng, sự đổi mới và kinh tế vĩ mô. Năm 2015, Báo cáo khảo sát 140 quốc gia, ít hơn năm ngoái 4 nước.Top 10 nước có năng lực cạnh tranh tốt nhất:
1. Thụy Sĩ
2. Singapore
3. Mỹ
4. Đức
5. Hà Lan
6. Nhật
7. Hong Kong
8. Phần Lan
9. Thụy Điển
10. Anh
Doanh nhân Sài Gòn