TPP: Khoảng trống về "thao túng tiền tệ"
Vẫn còn nhiều tranh cãi về việc có nên đưa các điều khoản về "thao túng tiền tệ” trong vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
- 26-02-2015Tiền tệ thế giới: Đi đâu, về đâu?
- 24-02-2013Chiến tranh tiền tệ: Trò chơi có tổng bằng 0?
- 12-02-2013Ai sợ chiến tranh tiền tệ?
Trong những năm gần đây, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã cố giữ giá đồng tiền thấp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, giảm thặng dư tài khoản vãng lai. Sự can thiệp này được cho là gây ảnh hưởng xấu đến các đối tác kinh doanh và bị cấm theo quy định của quốc tế. Đây là một trong những thiếu sót lớn của hệ thống thương mại toàn cầu trong vài thập niên qua.
Thậm chí, lỗ hổng này khiến làn sóng cắt giảm lãi suất gây bất ngờ lan rộng trong các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á, từ Trung Quốc, Ấn Độ cho tới Singapore, nhằm khiến cho đồng tiền rẻ hơn để giành lợi thế cho xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nay, đã có 24 nền kinh tế trên thế giới, trong đó có nhiều nền kinh tế châu Á, tiến hành hạ lãi suất. Trước tình huống này, Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo, các chính phủ đang tạo nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh tiền tệ khi cố gắng dùng công cụ tỷ giá để giải quyết những khó khăn kinh tế trong nước.
TPP liên quan đến Hoa Kỳ, Nhật Bản, và 10 quốc gia khác ở châu Mỹ Latinh và châu Á là cơ hội để giải quyết vấn đề này. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, đây là cơ hội để thiết lập các quy tắc cho thương mại và đầu tư trong thế kỷ XXI, trong đó có nỗ lực ngăn chặn các đối tác thương mại thao túng một cách không công bằng. Trước đó, 60/100 nghị sĩ Thượng viện Mỹ đã gây sức ép lên ông Obama phải đưa vấn đề thao túng tiền tệ vào đàm phán TPP.
Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen, trong phiên điều trần trước Quốc hội, đã lên tiếng phản đối ý kiến đưa thêm các điều khoản cấm thao túng tiền tệ vào bất kỳ thỏa thuận thương mại nào, chẳng hạn như TPP. Theo bà, việc đưa những điều khoản như vậy vào TPP hay các thỏa thuận thương mại khác sẽ làm cản trở, hay thậm chí là làm khó cho chính sách tiền tệ. Những người phản đối ý kiến đưa thêm các điều khoản cấm thao túng tiền tệ vào bất kỳ thỏa thuận thương mại nào có nhiều lý do.
Đầu tiên, IMF được thành lập một phần cũng để ngăn chặn hiện tượng "phá giá cạnh tranh" xảy ra trong suốt thập niên 1930. Đáng tiếc là những năm gần đây, IMF đã không thể hoặc không muốn tiếp tục ngăn chặn hiện tượng này. Thứ hai, Bộ Tài chính Hoa Kỳ có trách nhiệm pháp lý phải xác định xem liệu một quốc gia có đang can thiệp vào tỷ giá hối đoái đến mức vô lý và bất bình đẳng hay không.
Tuy nhiên, trên thực tế, những báo cáo của Bộ Tài chính về vấn đề này thường không đi kèm biện pháp xử lý nên không có hiệu quả thực sự. Ngoài ra, chính việc đưa ra các điều khoản chống thao túng tiền tệ trong TPP sẽ gây nguy hiểm cho Mỹ trong việc thực hiện các gói kích thích tiền tệ.
Theo Giáo sư Simon Johnson, nguyên Kinh tế trưởng tại IMF, chính phủ một quốc gia có thể ngăn cản sự tăng giá của đồng tiền trong một thời gian dài bằng cách thu mua ngoại tệ. Cách can thiệp đó làm tăng nguồn dự trữ ngoại tệ của một quốc gia mà chủ yếu nằm dưới dạng trái phiếu chính phủ Mỹ. Trên một góc độ nào đó, cách làm này làm lợi cho nước Mỹ vì giúp giữ lãi suất ngân hàng tại Mỹ thấp hơn bình thường. Nhưng việc thao túng đồng tiền cũng giúp các quốc gia tạo lợi thế kinh doanh bất bình đẳng, gây tác động xấu cho các đối tác thương mại của họ.
Nếu Mỹ theo đuổi việc đàm phán các chính sách điều tiết tiền tệ trong TPP có thể sẽ dấy lên làn sóng chỉ trích của quốc tế vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, ấn định tỷ lệ lãi suất siêu thấp và mua trái phiếu chính phủ. Theo Giáo sư Jeffrey Frankel, Trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, Mỹ đã phải giải thích cho cả thế giới rằng kích thích tiền tệ không phải là thao túng tiền tệ khi nới lỏng định lượng vào năm 2010. Khi Mỹ đẩy mạnh chương trình mua trái phiếu vào năm 2010, đồng USD mất giá và các quốc gia như Brazil đã lên tiếng về nguy cơ xảy ra "chiến tranh tiền tệ”.
Trong khi đó, Canada, Úc và New Zealand, các nền kinh tế phát triển với tỷ giá hối đoái thả nổi, không muốn khuyến khích thao túng tiền tệ. Chile, một quốc gia thu nhập trung bình, từ lâu đã có các chính sách kinh tế vĩ mô không có lợi cho thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua giành lợi thế xuất khẩu, các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn theo đuổi việc can thiệp vào chính sách tiền tệ để giữ đồng tiền yếu.
Chẳng hạn, theo khảo sát của hãng tin Bloomberg, các chuyên gia dự đoán Nhật Bản tiếp tục tung ra một gói kích thích tiền tệ nữa sẽ được đưa ra vào tháng 10/2015. Chỉ số lạm phát chính theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã đi xuống do chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh.
Vì vậy, theo các nhà phân tích, nếu đứng ngoài các tính toán của Mỹ thì thao túng tiền tệ gây ra thiệt hại đáng kể và các thỏa thuận TPP nên thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp.
Theo Lam Hồng