MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trí tuệ “mới nổi”

30-01-2011 - 08:40 AM | Tài chính quốc tế

GE bán điện tâm đồ phát triển tại Ấn Độ và máy quét siêu âm từ Trung Quốc trên toàn thế giới.

Nokia sử dụng nhân lực phần mềm Trung Quốc và Ấn Độ để phát triển các thiết bị cầm tay thông minh.

Ở London, New York hay Tokyo, Pulpy nghe có vẻ xa lạ nhưng thứ nước trái cây bán chạy nhất của Coca-Cola đang làm mưa làm gió ở Thượng Hải, Jakarta và Mexico City.

Được công ty con Minute Maid thuộc tập đoàn đồ uống Coca-Cola cho ra đời ở Trung Quốc và rồi chinh phục khắp từ Châu Á tới Châu Mỹ Latin, nay sản phẩm này chuẩn bị được bán tại các vùng khác, bao gồm cả Đông Âu.

Pulpy là sản phẩm quốc tế đầu tiên của Coca-Cola được phát triển ở một nước mới nổi và đã đóng góp đáng kể (dù không có con số cụ thể) vào tổng doanh số toàn cầu. “Đây là một trong những phát minh thành công nhất của Coca-Cola trong thế kỷ 21,” Joanna Lu, một giám đốc marketing tại Coke, nói.

Các trung tâm sáng tạo mới

Thành công của Pulpy cho thấy phát minh tại các nước mới nổi ngày càng trở nên quan trọng đến nhường nào.

Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và nhiều nước khác không chỉ mang lại cho các công ty triển vọng tăng trưởng nhanh mà còn giúp họ phát triển các sản phẩm, dịch vụ, kỹ thuật sản xuất và quy trình kinh doanh mới.

Những phát minh này không tạo nên đột phá về công nghệ, đó vẫn là “đặc sản” của các nước phát triển với hệ thống trường đại học và phòng thí nghiệm thương mại danh tiếng.

Nhưng các nước đang phát triển đang có những cải tiến sản phẩm mang lại giá trị thương mại và khiến cả thị trường phải biến đổi. Giải Nobel thì không thắng nhưng tiền lại chảy vào túi họ.

Tập đoàn đa quốc gia nào coi các phát minh như thế chỉ có tính địa phương sẽ phải chịu thiệt về mình. Lợi thế các đối thủ cạnh tranh có được tại thị trường mới nổi sẽ sớm được áp dụng tại các nước giàu.

Christoph Nettesheim từ Tập đoàn tư vấn Boston nói: “Nguy ở chỗ nhiều tập đoàn đa quốc gia không thấy các phát minh từ thị trường mới nổi chẳng qua là vì các phát minh này vẫn chưa tấn công thị trường trọng tâm của họ. Nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian.”

Chuyện này đã từng có tiền lệ rồi.

Hồi thập kỷ 70, các tập đoàn Nhật Bản tiến ra thị trường thế giới thường bị coi là hàng nhái giá rẻ chất lượng kém. Nhưng sau đó họ được công nhận là những nhà phát minh, đáng chú ý có thu nhỏ sản phẩm và quy trình sản xuất just-in-time.

Dù chính các công ty Nhật Bản nay lại chịu sức ép từ các tập đoàn phương Tây mới gượng dậy cũng như các đối thủ mới từ khu vực Đông Á nhưng các phát minh của họ được khắp nơi bắt chước.

Phát minh từ thị trường mới nổi không phải gì mới. Hơn 20 năm trước, Hindustan Lever, công ty con sản xuất hàng tiêu dùng tại Ấn Độ của Unilever, đi tiên phong trong việc sử dụng túi thơm để quảng bá xà phòng tới những người tiêu dùng nghèo.

Cái mới ở đây là số lượng các phát minh như thế ngày càng nhiều, tốc độ chiếm lĩnh thị trường ngày càng nhanh và vai trò các các công ty địa phương như ở Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi ngày càng quan trọng.

Chắc chắn các nền kinh tế mới nổi có sản xuất hàng giả mạo so với hàng thật của Nhật Bản hay Phương Tây. Nhưng chỉ bắt chước thôi thì khó mà làm ăn lâu dài được, nhất là với sự cạnh tranh quyết liệt tại các nền kinh tế hàng đầu, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Phó Chủ tịch Nokia Dieter May nói: “Giờ họ không cần phải ăn cắp nữa. Chuyện đó xưa rồi.”

Trí tuệ “mới nổi”

Trung Quốc vừa mới chiếm vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Nhật Bản nên các công ty của nước này cũng là người đi đầu.

Huawei cạnh tranh trực tiếp với Ericsson ngay cả tại Châu Âu. Nhà sản xuất thiết bị y tế Mindray đã sản xuất được máy chiếu xạ rẻ bằng 1/10 đối thủ phương Tây. Nhà sản xuất đồ điện gia dụng Haier làm được các tủ lạnh mini giá siêu rẻ.

Tata Motors từ Ấn Độ định nghĩa lại “xe giá rẻ” là phải như thế nào với chiếc Nano giá 2.500 đôla. Công ty dược Ranbaxy chiết xuất thuốc chống sốt rét từ nguyên liệu rẻ tiền.

Nhà sản xuất bia SAB Miller từ Nam Phi đã nấu được loại bia giá rẻ từ lúa miến thay thế cho lúa mạch nhập khẩu. Ở Brazil, Embraer là nhà sản xuất máy bay thương mại tầm cỡ thế giới.

Ngay cả ở Nga, nơi điều kiện kinh doanh rất khắc nghiệt, cũng có những phát minh thương mại như tập đoàn phần mềm Kaspersky Laboratories với phần mềm an ninh mạng danh tiếng của mình.

Trong ngành dịch vụ, Bharti Airtel nổi lên thành công ty điện thoại di động lớn nhất Ấn Độ nhờ việc thuê làm ngoài gần như mọi thứ từ mạng truyền dẫn tới thu cước phí.

TS Devi Shetty đã nghĩ ra cách cấp cứu bệnh tim hàng loạt tại bệnh viện 1000 giường của mình tại Bangalore.

Một số công ty đã làm biến chuyển ngành mình trong phạm vi toàn cầu.

Trong lĩnh vực thuê làm ngoài, các tập đoàn Ấn Độ đứng đầu là TCS và Infosys đã cách mạng hóa việc quản trị thông tin bằng cách chia nhỏ công việc được các tư vấn viên đắt giá thực hiện ngay tại hiện trường và mang ra nước ngoài để thực hiện với chi phí rẻ hơn nhiều.

CEO của Infosys, ông Kris Gopalakrishna, nói: “Chúng tôi đã làm cả cái nghề này thay đổi.”

Đường còn dài


Các nước mới nổi còn phải phấn đấu nhiều mới sánh được với các nước phát triển về khoa học.

Chỉ có Nga là dành được kha khá giải Nobel. Nhưng Trung Quốc đứng đầu về số lượng kỹ sư và nhà khoa học được đào tạo với 2 triệu người mỗi năm tức gấp 5 lần Mỹ.

Nhiều người giỏi nhất lại chọn con đường ra đi, có tới 30% số nhà khoa học và kỹ sư có bằng tiến sỹ tại Mỹ sinh ra ở Trung Quốc.

Chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm China Capital Group Win Yinga nói: “Các tổ chức giáo dục của chúng tôi còn yếu. Họ chỉ dạy kiểu học vẹt chứ không đào tạo nên các sinh viên biết tư duy sáng tạo.”

Nhưng mọi việc dần có tiến bộ khi các học giả Trung Quốc được đào tạo ở phương Tây về nước ngày càng đông. Người Trung Quốc có nhiều bài báo khoa học được trích dẫn nhất thế giới, chỉ sau Mỹ.

Phát minh ở đâu cũng là phát minh

Nhưng giỏi khoa học chưa chắc đã làm được kinh tế, ví dụ như Nga đang cố gắng giảm phụ thuộc vào hàng hóa cơ bản. Nhìn sự nổi lên của Trung Quốc mới thấy, phát minh có tính thương mại mới là vấn đề.

Tính theo đồng đôla, chi tiêu nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản và sắp vượt của Liên minh Châu Âu để sánh cùng Mỹ trong 20 năm tới.

Với chi phí nhân công R&D chỉ bằng 20-50% so với phương Tây, số người làm trong lĩnh vực này còn lớn hơn cả Mỹ, EU và Nhật Bản.

Các công ty hàng đầu cũng bắt đầu có nhiều đóng góp.

Theo tổ chức cấp bằng sáng chế toàn cầu Wipo, năm 2008, số bằng sáng chế của Huawei nhiều hơn mọi công ty khác. Năm ngoái, công ty này chỉ đứng sau Panasonic của Nhật Bản.

Nhưng con đường phía trước vẫn còn dài vì trong top 100 chỉ có thêm nhà sản xuất đồ điện tử ZTE là đến từ Trung Quốc.

Các tập đoàn đa quốc gia từ Phương Tây phàn nàn rằng các công ty Trung Quốc ăn cắp công nghệ và có chính phủ đứng đằng sau.

Nhưng nhiều bí quyết là chia sẻ tự nguyện trong các thỏa thuận hợp tác. Các tập đoàn đa quốc gia cho rằng cơ hội thâm nhập thị trường Trung Quốc lấn át mọi nguy cơ.

Các công ty Trung Quốc nay đang thâm nhập thị trường thế giới, đôi khi là nhờ hợp tác với các đối thủ từ phương Tây, ví dụ như dự án tàu cao tốc là kết quả của sự hợp tác giữa CSR Trung Quốc, General Electric Mỹ và Siemens Đức.

Những người hoài nghi cho rằng phát minh tại các thị trường mới nổi thực chất chỉ là cải tiến đôi chút. Nhưng với doanh nghiệp, điều đó không quan trọng, vì cải tiến cũng khiến sản phẩm, dịch vụ và quy trình hoàn thiện hơn.

GS Quản trị quốc tế Peter Williamson từ ĐH Cambridge nói: “Phát minh có thể nhỏ nhưng tác động thì không.”

Các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu cũng chung quan điểm. Các kỹ sư tại Siemens Ấn Độ đã phát triển một máy quét tia X chi phí thấp đủ tốt để sử dụng ở các nước phát triển.

CEO Siemens Peter Loscher nói: “Một ý tưởng hay một sản phẩm tốt đến từ một nơi như Ấn Độ cũng có thể đưa vào hệ thống thương mại và chế tạo toàn cầu. Nó giúp tăng khả năng cạnh tranh của công ty không chỉ ở các thị trường mới nổi mà còn ở chính các nước công nghiệp.”

Rất nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng làm tương tự. GE bán điện tâm đồ phát triển tại Ấn Độ và máy quét siêu âm từ Trung Quốc trên toàn thế giới. Nokia sử dụng nhân lực phần mềm Trung Quốc và Ấn Độ để phát triển các thiết bị cầm tay thông minh.

Vodafone cho ra đời hệ thống chuyển tiền qua điện thoại M-Pesa ở công ty con Safarcom tại Kenya. Các hệ thống dành cho người không sử dụng dịch vụ ngân hàng đã được triển khai ở Châu Phi và nay là Ấn Độ.

Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên